Trung thu mùa giãn cách: Không mua bánh, không đèn lồng, mẹ đảm Hà Nội ra tay làm bánh tại gia tiết kiệm chi phí
Nhiều bà nội trợ cho biết, Trung thu năm nay buồn nhất từ trước đến giờ vì nhà họ không mua bánh trái, không có đèn lồng. Vì thế để có hương vị Rằm tháng 8 cho con trẻ, nhiều bà nội trợ thời điểm này đồng loạt ra tay làm bánh Trung thu tại nhà.
Nếu như thời điểm này năm trước, trên phố đã có nhiều quầy hàng bán bánh Trung thu giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng mua loại bánh này.
Nhưng năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí nguyên liệu và sản xuất tăng cao và để đảm bảo an toàn cho nhân công chống dịch... khiến nhiều doanh nghiệp, xưởng bánh Trung thu, bếp bánh handmade ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng nghe ngóng thị trường mùa vụ năm nay.
Chị Thu Hương ở Linh Đàm, Hà Nội chia sẻ, năm nay dịch bệnh khiến mọi gia đình đang phải thực hiện giãn cách xã hội tại nhà. Bởi thế Trung thu năm nay gia đình chị đang thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên mua thực phẩm thiết yếu.
Bản thân chị là người lo kinh tế chính trong gia đình nhưng cũng đang tạm thời thất nghiệp 2 tháng nay, vì thế chị cũng chẳng còn tâm trí đâu nghĩ đến việc bỏ khoản tiền vài trăm ngàn như năm ngoái để mua bánh Trung thu nữa.
"Dịch bệnh thất nghiệp kéo dài khiến Rằm tháng 8 này mình chẳng còn tâm trạng nào để mà mua đèn lồng, mua bánh Trung thu, uống trà sen hay ngắm trăng nữa. Giờ bỏ ra vài trăm ngàn mua cặp bánh chất lượng, đèn lồng này kia về thấy xót ruột quá.
Tiền đó bằng cả mấy ngày ăn nhà mình hiện nay. Vì thế năm nay cắt giảm hết. Có lẽ đây là Trung thu không mua bánh, không đèn lồng và buồn nhất trước đến giờ. Giờ hỏi thích gì nhất thì chỉ mong muốn đại dịch qua mau thôi", chị Hương tâm sự.
Tuy nhiên để có bánh Trung thu thắp hương ngày Rằm và nhất là cho 2 con nhỏ vẫn được sống trong không khí Trung thu tại gia nên tranh thủ cuối tuần, bà mẹ này đã quyết định tự làm mẻ bánh Trung thu.
"Hàng ngày mình cũng thích làm một số loại bánh ngọt và từng vài lần làm bánh Trung thu cùng bạn bè rồi nên cuối tuần mình đi chợ mua bột mì, bột nếp và nguyên liệu làm nhân bánh nướng bánh dẻo. Tiền mua sắm nguyên liệu chỉ hết khoảng 200 ngàn nhưng lại làm ra khoảng 20 chiếc bánh đủ thắp hương Rằm tháng 8 cho bọn trẻ để dành ăn suốt cả tuần lễ Trung thu", chị Hương khoe.
Bà mẹ trẻ này cũng nhẩm tính, tính ra mỗi chiếc bánh nướng, bánh dẻo Trung thu tự làm tại nhà chỉ với chi phí khoảng 20 ngàn đồng/chiếc. Mức giá này rẻ hơn ít nhất ½ so với bánh Trung thu của các hãng sản xuất bán trên thị trường.
Chị Hương cũng cho biết thêm, đến sát ngày rằm, chị sẽ làm thêm 1 mẻ bánh nữa để biếu người thân: "Ngoài nhân thập cẩm mất nhiều thời gian nhất, mình sẽ làm thêm các nhân khác như nhân đậu xanh, nhân đậu đỏ, nhân hạt sen, nhân dừa sên nữa. Thường thì tụi trẻ trong nhà sẽ thích ăn các nhân bánh ngọt trên, còn người lớn thì ăn nhân thập cẩm".
Những ngày này, chị Trần Thị Chinh, 40 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội cũng đang tập tành làm bánh Trung thu tại gia: "Thấy nhiều đồng nghiệp năm nay bảo không mua bánh mà tự làm bánh Trung thu nên mình cũng theo phong trào lên youtube search cách làm bánh và mua khuôn, nguyên liệu. Thực hành 1-2 mẻ là đã có thể tự "sản xuất" được bánh Trung thu ngon không kém các hãng nổi tiếng".
2 mẻ bánh đầu tay của chị Chinh làm còn chưa thật như ý vì cái cháy trên, cái cháy dưới, nhân chưa nhuyễn, vị bánh chưa như mong đợi. Song dần dần, bà nội trợ này đã rút được kinh nghiệm và lần làm bánh thứ 3 này đã ngon và hấp dẫn hơn hẳn.
"Mình làm những chiếc bánh Trung thu tại gia chất lượng và mẫu mã không thua kém, thậm chí còn ngon hơn bánh hãng làm. Làm được mẻ bánh Trung thu đẹp, các con mình và anh xã thích lắm, thấy hãnh diện, tự tin hơn hẳn với người thân. Đặc biệt, bánh tự làm nên an toàn vì không có chất bảo quản".
Bà nội trợ này cũng cho biết, Trung thu năm nay vào đúng khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên trẻ con sẽ không được rước đèn ông sao đi khắp phố phường ngõ nhỏ như năm trước. Bởi thế chị tự làm những mẻ bánh Trung thu tại nhà để mọi người trong gia đình ngày dịch vẫn được sống với không khí Rằm tháng 8 xưa: "Mẻ bánh nào mình cũng huy động chồng con, mẹ chồng ra cùng làm. Mỗi người một việc, người thì nhào bột, người thì nặn nhân, người thì rập bánh, người thì canh lò nướng... tạo không khí rất rôm rả, vui vẻ. Đây mới là điều mình quan tâm nhất còn bánh ngon, dở, đẹp xấu hay như thế nào không quan trọng lắm".
Ảnh: NVCC