Trung Quốc: Thách cưới quá cao bị coi là buôn người
Từ mấy tháng nay, dư luận Trung Quốc xôn xao xung quanh việc một số địa phương đề ra quy định: nhà gái thách cưới không được đòi quá 20 ngàn Nhân dân tệ (70 triệu VND), nếu đòi quá mức này sẽ bị coi là buôn người.
Vụ việc bắt đầu bằng việc một văn bản “Tiêu chuẩn về chuyện ma chay cưới xin của Văn phòng khu phố Huệ An” ở huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam được đưa lên mạng hồi tháng 6/2018. Điều thứ nhất của bản “Tiêu chuẩn…” này ghi rõ: “Tiền lễ đính hôn không được vượt quá 20 ngàn tệ; ai đòi tiền quá nhiều, giao cơ quan công an điều tra, vi phạm nghiêm trọng sẽ bị luận xử theo tội buôn bán người hoặc lừa đảo”. Văn bản này sau khi được đưa lên mạng đã lập tức gây nên các ý kiến tranh cãi. Có bạn đọc viết: tháng 8 năm ngoái anh ta lấy vợ, đã đưa 80 ngàn tiền sính lễ cho mẹ vợ, nếu quy định này ban hành sớm thì nhạc mẫu đã bị kết tội bán con gái. Một bạn đọc khác viết: “Đề xướng tiền sính lễ không quá 20 ngàn là điều tốt, nhưng nhà gái đòi nhiều sẽ trở thành kẻ lừa đảo, nghe sợ quá!”.
Ngày 20/6, khi các phóng viên tìm đến yêu cầu xác thực, người phụ trách Trung tâm quản lý xã hội của Văn phòng khu phố này cho biết: Tiêu chuẩn đang được thực thi rất nghiêm và “đây là hành động đề xướng phong tục cưới xin kiểu mới”. Ông giới thiệu thêm: tiêu chuẩn tiền sính lễ không được vượt quá 20 ngàn tệ. Nếu trung tâm nhận được phản ánh sẽ cho gọi hai bên lên điều đình để nhà gái không được đòi quá tiêu chuẩn; nếu điều đình không thành, sẽ xem tình hình có cần phải giao công an điều tra xử lý không? Nếu qua điều tra thấy có dấu hiệu phạm tội sẽ xử lý theo hướng phạm tội buôn người hoặc lừa đảo. Ông nói thêm: “Sau khi cưới, anh có cho mẹ vợ 10 triệu tệ, chúng tôi cũng không quản, nhưng tiền cheo thì không được quá 20 ngàn”.
Tiền sính lễ cao là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thanh niên nông thôn Trung Quốc không lấy được vợ.
Được biết, từ cuối năm 2016 huyện ủy và chính quyền huyện Lan Khảo đã ban hành “Phương án thực thi uốn nắn vấn đề phô trương trong cưới xin ma chay”, trong đó quy định tiền thách cưới ở đô thị không quá 30 ngàn tệ, nông thôn không quá 20 ngàn; những ai đòi tiền sính lễ quá nhiều mà từ chối trả lại sẽ bị cho là có dấu hiệu phạm tội, giao cơ quan công an xử lý theo pháp luật. Cho đến nay đã có nhiều xã, thị trấn căn cứ vào các quy định của “Phương án…” để đề ra các quy định riêng; nhìn chung các quy định này được quần chúng đồng tình, ủng hộ.
Qua tiếp xúc, các phóng viên phát hiện từ năm 2017 đến nay, tại Lan Khảo đã xảy ra nhiều vụ án lừa đảo mượn thách cưới để kiếm tiền. Ví dụ, dịp Tết 2017, cô Vương ở Mạnh Trại đính hôn với Trình X. và nhận 99 ngàn tệ tiền sính lễ; sau đó lại đính hôn với Dương X. và lấy của anh này 129 ngàn. Cuối cùng, hai cha con họ Vương đã bị bắt về tội lừa đảo. Đầu năm 2018 đồn công an Nghĩa Phong ở Lan Khảo đã phá vụ án tập đoàn lừa đảo hôn nhân “1 gái gả 5 chồng”. Băng nhóm này nhằm đến các nam thanh niên chưa vợ ở nông thôn, mượn mai mối hôn nhân để liên tục lừa đảo 5 người, kiếm lợi phi pháp 400 ngàn tệ. Lợi dụng phong tục đính hôn ở địa phương, chúng đòi tiền sính lễ của nhà trai mỗi đám từ 60 đến 150 ngàn tệ, sau khi lấy được tiền liền biến mất.
Vụ việc mới nhất được các báo đăng tải hôm 2/8: Thôn 6, xã Đại An huyện Triệu, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc ban hành một quy ước về hôn nhân ma chay với các tiêu chuẩn cụ thể; trong đó cũng quy định “Nhận tiền sính lễ vượt quá 20 ngàn tệ sẽ bị xử lý theo tội buôn người hoặc lừa đảo”. Bản quy ước này nhanh chóng lan truyền trên mạng, gây nên tranh luận sôi nổi; nhiều người khen, nhưng cũng có ý kiến hoài nghi liệu quy định như thế có thật sự giúp dẹp bỏ được hủ tục thách cưới cao?
Phóng viên báo Thanh niên Hà Bắc xuống tìm hiểu thì thấy, quy định này được mọi dân thôn nhất trí ủng hộ, nhưng khi được hỏi có thực thi đúng không thì họ lại do dự: không “nạp lễ” theo phong tục liệu có lấy được vợ? Đó là nỗi băn khoăn lo lắng nhất của mọi người. Bà Vương Oanh, Phó phòng Tổng hợp Văn phòng văn minh tỉnh Hà Bắc cho biết: tuy nhiều địa phương có tình trạng đòi tiền cheo cao vút, thậm chí mỗi năm một tăng, nhưng kỳ thực đại đa số các gia đình đều lâm vào tình trạng khó xử “Không trả nổi tiền, nhưng không thể không trả”; muốn thay đổi phong tục này còn phải đi một chặng đường rất xa nữa.
Được biết, bản “thôn ước” này do nhân dân trong thôn bàn nhau xây dựng. Ngoài điều quy định về tiền sính lễ không cho phép nhận quá 20 ngàn tệ, ai vi phạm sẽ bị luận theo tội buôn người hoặc lừa đảo. Ngoài ra, khi cưới còn quy định mỗi bàn cỗ không quá 260 tệ, rượu trắng không quá 30 tệ, thuốc lá không quá 10 tệ; khách mời tiệc chỉ bao gồm họ hàng thân thích nhưng không quá 20 bàn (200 người), tiền mừng không quá 100 tệ, ban nhạc không quá 20 người, xe ô tô dùng đón dâu không quá 12 chiếc. Việc tang cũng quy định: đốt không quá 10 thùng pháo, không mặc tang phục trắng, không cỗ bàn, không phát thuốc lá, không mời đoàn kịch…
Khi phóng viên đến Thôn 6 tìm hiểu, nhắc đến bản quy ước, dân làng ai cũng khen. Nhưng sau khi ca ngợi, họ đều bày tỏ do dự khi đề cập đến việc hôn nhân của con trai: “Quy định rất tốt, nhưng sợ như thế thì không lấy được vợ cho con”. Một dân thôn nói: khi con ông kết hôn, nhà gái không nói cần bao nhiêu tiền cheo, nhưng gia đình vẫn phải xoay xử đủ con số như các đám khác vì sợ đưa ít thì sẽ không đón được cô dâu về.