Trung Quốc phát triển radar tầm nhiệt, phát hiện cả máy bay tàng hình ở khoảng cách 300km

Bình Giang,
Chia sẻ

Một nhóm kỹ sư công nghiệp quốc phòng Trung Quốc khẳng định đã chế tạo được thiết bị tìm kiếm và theo dõi bằng ánh sáng hồng ngoại để phát hiện nguồn nhiệt từ máy bay đang di chuyển nhanh ở khoảng cách rất xa.

Trung Quốc phát triển radar tầm nhiệt, phát hiện cả máy bay tàng hình ở khoảng cách 300km - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định đã làm được thiết bị tìm kiếm và theo dõi máy bay từ khoảng cách rất xa bằng hồng ngoại

Hệ thống hồng ngoại đã phát hiện và theo dõi máy bay dân sự từ khoảng cách 285km, theo bài báo trên tạp chí Kỹ thuật Hồng ngoại và Laser ngày 19/8.

“Đường nét của mục tiêu, gồm cánh quạt, đuôi và số động cơ có thể xác định rõ ràng từ hình ảnh quang phổ hồng ngoại”, Liu Zhihui, một kỹ sư làm việc cho Công ty tập đoàn điện Chu Hải Tứ Xuyên, cho biết.

Radar tìm nhiệt cũng có thể phát ra chùm laser mạnh để chiếu vào máy bay mục tiêu nhằm thu thập nhiều thông tin hơn, như số lượng cửa sổ của máy bay, nhóm nghiên cứu khẳng định.

Nhờ kích thước nhỏ, thiết bị này có thể gắn vào ô-tô, máy bay hay vệ tinh để phục vụ nhiều ứng dụng, như “giám sát, cảnh báo sớm và hướng dẫn tên lửa”, Liu và các đồng nghiệp khẳng định.

Công nghệ radar hồng ngoại tầm xa đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh chống tàng hình. Dù máy bay quân sự tàng hình có thể qua mặt radar truyền thống, nhưng bản thân nó vẫn toả nhiệt.

Hầu hết camera hồng ngoại chỉ có thể hoạt động trong phạm vi 20km vì bước sóng khá dài, khiến năng lượng yếu dần và dễ dàng hoà vào không khí. Tuy nhiên, một số tia nhiệt mạnh hơn trong hồng ngoại tầm trung bình có thể đi quãng đường xa hơn và nhanh hơn.

Trung Quốc đã phát triển radar tìm nhiệt cho tiêm kích tàng hình J-20 để có thể phát hiện tín hiệu của máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ và chiến đấu cơ F-22 từ khoảng cách tương ứng là 150km và 110km, theo bài viết trên trang Flightglobal.com năm 2015.

Tăng phạm vi phát hiện của radar hồng ngoại là việc không đơn giản, nhóm của Liu khẳng định. Chỉ một vài photon, tức hạt các hạt ánh sáng, có thể lọt vào thấu kính bé nhỏ của máy dò.

Liu cho biết hệ thống của họ sử dụng cảm biến quang học tiên tiến để phát hiện từng hạt photon hiệu quả và chính xác.

Nhóm này không nói chi tiết về thiết bị phát hiện từng photon, nhưng đây là lĩnh vực mà Trung Quốc được đánh giá đang đi đầu trong những năm gần đây.

Năm 2016, Trung Quốc phóng vệ tinh Mozi mang thiết bị phát hiện photo nhạy nhất, lần đầu tiên đưa công nghệ liên lạc lượng tử lên vũ trụ.

Trong vệ tinh lượng tử CubeSat phóng lên đầu năm nay, các nhà khoa học Trung Quốc được nói là đã thu nhỏ kích thước của máy dò xuống chỉ còn một phần so với phiên bản ban đầu nhờ đầu tư liên tục của chính phủ để cải tiến công nghệ này.

Theo nhóm của Liu, tốc độ của máy bay gây ra một vấn đề khác.

Vì radar hồng ngoại phải “nhìn chằm chằm” lên bầu trời trong thời gian dài để phát hiện mối đe doạ từ xa bằng tín hiệu cực yếu, nên mục tiêu di chuyển nhanh có thể để lại hình ảnh mờ, ảnh hưởng đến độ chính xác của việc nhận diện và theo dấu.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ sử dụng một chiếc gương quay nhanh ở bên trong thiết bị để loại bỏ hiện tượng ảnh nhoè, bằng cách điều chỉnh tự động và chính xác hướng của các chùm sáng.

Ở chế độ tìm kiếm mục tiêu từ xa, radar có thể quét toàn bộ bầu trời chỉ trong vài giây, nhanh hơn hầu hết thiết bị tìm nhiệt hiện có, nhóm nghiên cứu khẳng định.

Liu cho biết đã thử thiết bị trong những môi trường thử thách, khi nhiệt độ có thể biến động từ -40 độ C đến 60 độ C, nhưng hoạt động của thiết bị vẫn ổn định.

Theo nhóm này, kẻ thù sẽ khó phát hiện radar vì nó không phát tín hiệu khi ở chế độ thụ động. Thiết bị cũng có cơ hội sống sót cao hơn trong chiến tranh điện tử vì rất khó gây nhiễu tín hiệu hồng ngoại bằng công nghệ hiện nay.

Các nước, nhất là Mỹ và Trung Quốc, đang chạy đua phát triển công nghệ hồng ngoại thế hệ mới để có thể tác động đến kết quả của chiến tranh.

Chia sẻ