Trung Quốc 'đau đầu' đối phó với nắng nóng và thiếu điện
Nắng nóng kéo dài tại khu vực Tây Nam Trung Quốc khiến cho mực nước sông và hồ thủy điện giảm mạnh, ảnh hưởng tới nguồn cung điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp “cấp độ 1”, mức cao nhất trên thang xếp hạng.
Chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc nỗ lực tăng cường các giải pháp khẩn cấp nhằm đối mặt với nắng nóng và hạn hán gay gắt xảy ra tại khu vực Tây Nam đất nước. Nắng nóng đỉnh điểm khiến nhiều thành phố phải cắt giảm điện chiếu sáng vào ban đêm và các tài xế gặp khó khăn trong việc sạc đầy chiếc xe điện của mình.
Nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ lên tới 43,4 độ C được ghi nhận tại thành phố Thành Đô vào ngày 21/8, đã khiến cho mức nước của nhiều con sông và hồ thủy điện ở hai tỉnh Hồ Bắc và Tứ Xuyên giảm mạnh. Phần lớn nguồn điện cung cấp cho hai tỉnh này được sản xuất từ các đập thủy điện.
Tình trạng khô hạn còn tạo ra hiệu ứng lan truyền tới công tác cung ứng điện tại nhiều địa phương khác, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phục hồi của nền kinh tế, vốn hứng chịu tổn thất không nhỏ từ chiến lược phòng dịch zero Covid và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp “cấp độ 1”, mức cao nhất trên thang xếp hạng. Ít nhất 50 máy phát điện di động từ các địa phương khác đã được huy động nhằm giúp ổn định mạng nguồn cung điện tại địa phương này, theo Tập đoàn lưới điện quốc gia Trung Quốc.
Cơ quan chức năng tỉnh này đã ngừng cấp điện cho một loạt xí nghiệp, nhà máy. Toyota và Foxconn buộc phải tạm dừng hoạt động sản xuất tại tỉnh Tứ Xuyên, địa phương với 84 triệu dân và là thủ phủ của ngành công nghiệp khai thác Lithium và sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.
Ngày 22/8, Lier Chemical, một công ty sản xuất thuốc trừ sâu có trụ sở tại thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết chính quyền địa phương đã kéo dài thời gian cắt điện phục vụ công tác sản xuất tới ngày 25/8.
Hai thành phố Trùng Khánh và Thành Đô yêu cầu giảm độ sáng của đèn đường vào buổi tối. Nhiều trung tâm thương mại và tòa nhà buộc phải tắt biển hiệu quảng cáo cũng như dừng hoạt động của thang máy. Các nhân viên căn phòng được khuyến khích bật điều hòa ở ngưỡng 27 độ C để tiết kiệm điện.
Thượng Hải cũng sẽ tạm dừng các chương trình biểu diễn ánh sáng tại khu vực Bến Thượng Hải trong hai ngày.
Tại Tứ Xuyên, chủ các phương tiện chạy điện tỏ ra lo lắng khi các trạm sạc đồng loạt đóng cửa. Tesla thông báo chỉ có 2/14 trạm sạc trên toàn thành phố Thành Đô hoạt động vào 17/8.
Thời tiết nắng nóng được dự báo kéo dài đến hết tháng 8, và các chuyên gia phân tích nhận định hình thái thời tiết khắc nghiệt này sẽ tạo thêm áp lực lên nền kinh tế số hai thế giới.
"Nắng nóng tạo ra một vòng luẩn quẩn khi nguồn cung điện trở nên khan hiếm và chính hoạt động sản xuất điện cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện", Nhóm chuyên gia tới từ Jefferies nhận định.
“Tứ Xuyên đang đối mặt với tình trạng nhiệt độ cao và hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm với tài nguyên thủy điện giảm 51%”, theo hai Chuyên gia Simon Lee and Leo Deng của Morgan Stanley.
Họ cho biết nhu cầu điện năng tại 19 tỉnh thành tăng cao đột biến do nắng nóng.