Trung Quốc lập trạm thí nghiệm khoa học dưới đáy biển sâu
Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đã triển khai một trạm thí nghiệm khoa học lâu dài dưới đáy biển sâu.
Trạm nghiên cứu sẽ tiến hành các thử nghiệm và phân tích dưới đáy biển trong ít nhất 6 tháng - Ảnh: CAS
Theo South China Morning Post, trạm thí nghiệm lưu động dưới đáy đại dương này sẽ làm việc với một đội tàu lượn không người lái dưới nước để thu thập dữ liệu và tiến hành các thí nghiệm.
Hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin trạm thí nghiệm đã vào vị trí nhưng không cho biết nó nằm ở đâu và sâu bao nhiêu.
Theo đó, trạm được đưa vào vị trí với sự trợ giúp của tàu Tansuo 2, tàu nghiên cứu lớn nhất của Trung Quốc và tàu lặn Shenhai Yongshi, có thể lặn sâu tới 4.500m.
Trạm được trang bị các cảm biến hóa học và sinh học khác nhau để nghiên cứu điều kiện sống và hoạt động dưới đáy biển. Trạm được trang bị pin lithium, cho phép các hệ thống thực hiện các quan sát trong ít nhất 6 tháng.
Loại pin lithium này do Viện Nghiên cứu biển sâu cùng Viện Năng lượng sinh học và công nghệ xử lý sinh học Thanh Đảo hợp tác phát triển. Pin giúp cho trạm chính di chuyển dưới đáy biển và cung cấp năng lượng cho các tàu lượn không người lái ghé thăm, theo CAS.
Tân Hoa xã dẫn lời nhà nghiên cứu Chen Jun, từ Viện Khoa học và kỹ thuật biển sâu thuộc CAS, cho biết trạm này có thể thực hiện các thí nghiệm và phân tích ngang bằng với một phòng thí nghiệm trên đất liền.
Ông Chen cũng nói việc thực hiện các thí nghiệm ở biển sâu sẽ giúp tránh bị hỏng hoặc mất dữ liệu mẫu do thay đổi môi trường.
Theo CAS, trạm sẽ hoạt động tự động dưới đáy biển. Tất cả dữ liệu sẽ thường xuyên được truyền trở lại trung tâm điều khiển trên bờ thông qua Sea Wing, một tàu lượn dưới nước, được cải thiện tốc độ và tính bảo mật của việc truyền dữ liệu.
Các nhà nghiên cứu cũng có thể điều khiển từ xa trạm thí nghiệm khoa học tại chỗ này.