Trung Quốc có kho báu đào 80 năm chưa hết, hơn 200 báu vật nằm ở 9 ngôi mộ cực kỳ xa hoa

PV,
Chia sẻ

Trong hơn 80 năm qua, nông dân ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã nhiều lần đào được các món đồ quý bằng ngọc tại khu vực canh tác.

Phát hiện ở khu vực có kho báu đào 80 năm chưa hết

Trong cuộc họp báo gần đây phát sóng trên Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), các nhà khảo cổ học cho biết họ đã phát hiện ra một thị trấn Thời đại đồ đồng ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).

Thị trấn này được mô tả là "một trong những địa điểm lớn nhất đầu thời Nhà Thương từng được phát hiện", có niên đại trong khoảng 1600 TCN – 1046 TCN.

Báo cáo của Live Science cho biết, nhóm các nhà khảo cổ đã khôi phục hàng trăm cổ vật đáng kinh ngạc từ Khu khảo cổ Zhaigou rộng lớn ở tỉnh Hà Nam, cách thành phố Ngọc Lâm của tỉnh Thiểm Tây khoảng 110km về phía nam.

Khu khảo cổ Zhaigou vốn là một khu định cư ở Thời đại đá mới (Neolithic) trước khi chuyển sang Thời đại đồ đồng. Trước đó, các loại đồ gốm được trang trí tinh xảo và những công cụ canh tác cổ đã được phục hồi từ địa điểm này. Tất cả đều mang tới cho các nhà khảo cổ những phát hiện có giá trị về tiến trình phát triển văn hóa xã hội, cũng như công nghệ của các cộng đồng thời tiền sử trong khu vực.

Trung Quốc có kho báu đào 80 năm chưa hết, hơn 200 báu vật nằm ở 9 ngôi mộ cực kỳ xa hoa - Ảnh 1.

Tại cuộc họp báo, nhóm khảo cổ đã trình bày chi tiết các phát hiện gần đây của họ, bao gồm "bình uống nước bằng đồng, đồ gốm, đồ trang sức khảm ngọc và những miếng ngọc bích được chạm khắc".

Đáng nói, nhóm khảo cổ còn tìm thấy 9 ngôi mộ cực kỳ xa hoa và tinh xảo, trong đó có một ngôi mộ chứa bộ phận bằng đồng của một cỗ xe ngựa. Điều đó khiến các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng, có thể hài cốt của những con ngựa đã từng kéo cỗ xe này cũng được chôn cất trong khu vực.

Trả lời tờ China Daily, Xu Lianggao - một nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Trung Quốc, cho biết nông dân Hà Nam đã nhiều lần khai quật được các hiện vật cổ có giá trị tại các khu canh tác xung quanh di chỉ khảo cổ trong hơn 80 năm qua (từ năm 1940).

Với phát hiện mới về thị trấn Thời đại đồ đồng này, các nhà khảo cổ đã có cơ sở để giải thích nguồn gốc của những hiện vật trên. Chúng ít nhất đã có niên đại 3.000 năm tuổi từ thời Nhà Thương (1766 TCN–1122 TCN).

Cũng theo nhóm khảo cổ, trong hơn 1.000 năm qua, đã có 13 triều đại của Trung Quốc cổ đại đóng đô ở Thiểm Tây, tuy nhiên, các cuộc khai quật gần đây tại khu khảo cổ Zhaigou đã xác định thị trấn Thời đồ đồng này là "lớn nhất trong khu vực", trải rộng hơn 11 ngọn đồi và có diện tích hơn 3km2. Đây cũng là lý do tại sao ở đây có những ngôi mộ thuộc hàng xa hoa nhất từng được phát hiện trong khu vực.

Trung Quốc có kho báu đào 80 năm chưa hết, hơn 200 báu vật nằm ở 9 ngôi mộ cực kỳ xa hoa - Ảnh 2.

Những ngôi mộ "có địa vị xã hội cao"

Sun Zhanwei – nhà nghiên cứu tại Học viện Khảo cổ học Thiểm Tây – cho biết, kể từ khi cuộc khai quật bắt đầu vào năm 2022, các nhà khảo cổ đã xác định được 9 ngôi mộ "quý tộc" tại Zhaigou, bên trong có hơn 200 báu vật đã được tìm thấy. 7 ngôi mộ được xây dựng công phu trong số này có lối đi hình chữ nhật, là nơi "dành cho những nhân vật có địa vị xã hội cao".

Đáng chú ý nhất trong số 200 hiện vật được khai quật từ 9 ngôi mộ là đôi hoa tai nhỏ làm bằng vàng và ngọc bích, một con chim bằng vàng và ngọc bích được chế tác tinh xảo, một món trang sức hình ngôi sao đúc bằng đồng, bên trên có khảm ngọc lam.

Các nhà khảo cổ còn phát hiện ra chiếc mai rùa được đánh bóng trong một ngôi mộ. Họ cho rằng đó có thể là công cụ bói toán được người xưa sử dụng để kết nối giữa thế giới này với những thế giới khác.

Theo phán đoán sơ bộ, nhóm khảo cổ cho rằng thị trấn Thời đồ đồng từng là thủ đô của một quốc gia bị Nhà Thương đồng hóa. Sau khi vùng này bị chiếm lĩnh, thị trấn mới đã được cống nạp cho Nhà Thương.

Các nhà khảo cổ đồng thời cho rằng, trên 11 ngọn đồi ở Zhaigou là toàn bộ khu định cư với các lăng mộ, tòa nhà trung tâm và xưởng thủ công. Tất cả đang chờ được khai quật trong thời gian tới.

Chia sẻ