Vì sao kỷ lục ngày nóng nhất liên tục bị phá vỡ: Không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn bởi một lý do bất ngờ

Thạch Anh,
Chia sẻ

Tuần qua, Trái đất đã chứng kiến 2 ngày nóng nhất liên tiếp từng được ghi nhận.

Trong vài tuần qua, nhiều kỷ lục u ám về khí hậu đã bị phá vỡ trên toàn cầu. Ngày 3/7 là ngày nóng nhất toàn cầu được ghi nhận với mức nhiệt trung bình 17,01 độ C. Nhưng kỷ lục này không tồn tại lâu khi nó lập tức bị phá vỡ bởi kỷ lục mới được thiết lập vào ngày 4/7 - 17,18 độ C. Nhiệt độ kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 8/2016, là 16,92 độ C.

Nhiệt độ mặt nước biển trung bình cao nhất từng được ghi nhận và mức độ băng biển ở Nam Cực thấp nhất từng được ghi nhận cũng diễn ra trong thời gian gần đây.

Cũng vào ngày 4/7, Tổ chức Khí tượng Thế giới tuyên bố El Niño đã bắt đầu, “tạo tiền đề cho sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu có thể xảy ra và các kiểu thời tiết, khí hậu gây rối loạn”.

Vì sao kỷ lục ngày nóng nhất liên tục bị phá vỡ: Không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn bởi một lý do bất ngờ - Ảnh 1.

Vậy điều gì đang xảy ra với khí hậu và tại sao chúng ta lại chứng kiến tất cả những kỷ lục này được ghi nhận cùng một lúc?

Trong bối cảnh Trái đất nóng lên, hiện tượng El Niño có tác động phụ trợ, đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục. Đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, theo Kimberley Reid, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về Khoa học Khí quyển, Đại học Monash.

Không chỉ vì biến đổi khí hậu

Sự nóng lên cực độ mà chúng ta đang chứng kiến phần lớn là do hiện tượng El Niño đang xảy ra, đi kèm với xu hướng thải khí nhà kính bởi con người.

El Niño được tuyên bố xảy ra khi nhiệt độ mặt nước biển ở phần lớn vùng nhiệt đới Thái Bình Dương ấm lên đáng kể. Mức nhiệt độ ấm hơn mức trung bình ở bề mặt đại dương góp phần làm ấm nhiệt độ toàn cầu lên đáng kể.

Lần El Niño mạnh gần đây nhất là vào năm 2016, nhưng chúng ta đã thải ra 240 tỷ tấn CO₂ vào khí quyển kể từ đó. El Niño không tạo thêm nhiệt mà phân phối lại nhiệt hiện có từ đại dương vào khí quyển.

Vậy mức nhiệt hiện tại của đại dương có từ đâu? Một điều cần nhớ là đại dương rất rộng lớn. Nước bao phủ 70% diện tích hành tinh và có khả năng lưu trữ một lượng nhiệt khổng lồ do nhiệt dung riêng cao. Đây là lý do tại sao một chai nước nóng giữ ấm lâu hơn một gói lúa mì chẳng hạn, cũng là lý do đại dương lưu trữ nhiệt tốt hơn mặt đất. Do đó, 90% lượng nhiệt dư thừa từ sự nóng lên toàn cầu đã được đại dương hấp thụ.

Vì sao kỷ lục ngày nóng nhất liên tục bị phá vỡ: Không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn bởi một lý do bất ngờ - Ảnh 3.

Các dòng hải lưu luân chuyển nhiệt giữa bề mặt Trái đất, nơi chúng ta sống và đại dương sâu thẳm. Trong El Niño, gió mậu dịch trên Thái Bình Dương yếu đi và nước lạnh dâng lên dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ giảm đi. Điều này dẫn đến sự nóng lên của các lớp bề mặt của đại dương.

Nhiệt độ nước biển dọc theo đường xích đạo cao hơn bình thường được ghi nhận trong 400m sâu đầu tiên của Thái Bình Dương trong suốt tháng 6 năm nay. Vì nước lạnh nặng hơn nước ấm nên lớp nước ấm này ngăn không cho nước biển lạnh hơn xâm nhập lên bề mặt. Nước biển ấm trên Thái Bình Dương cũng dẫn đến giông bão gia tăng, tiếp tục giải phóng nhiều nhiệt hơn vào khí quyển thông qua một quá trình gọi là "ẩn nhiệt".

Điều này có nghĩa là sự tích tụ nhiệt từ sự nóng lên toàn cầu đã "ẩn náu" trong đại dương trong những năm La Niña vừa qua hiện đang nổi lên bề mặt và phá vỡ các kỷ lục gần đây.

Lý do bất ngờ: Nóng lên vì hoạt động chống biến đổi khí hậu

Một yếu tố khác có khả năng góp phần vào sự ấm áp bất thường là sự giảm sol khí.

Sol khí là những hạt nhỏ có thể làm chệch hướng bức xạ mặt trời tới. Bơm sol khí vào tầng bình lưu là một trong những phương pháp địa kỹ thuật (geoengineering) tiềm năng mà nhân loại có thể sử dụng để giảm bớt tác động của sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù vậy, ngừng phát thải khí nhà kính sẽ là lựa chọn tốt hơn nhiều.

Việc thiếu vắng sol khí cũng có thể làm tăng nhiệt độ. Một nghiên cứu năm 2008 đã kết luận rằng 35% sự thay đổi nhiệt độ bề mặt nước biển hàng năm trên Đại Tây Dương vào mùa hè ở Bắc bán cầu có thể được giải thích bằng những thay đổi của bụi ở Sahara. Trong khi đó, mức độ bụi của sa mạc Sahara trên Đại Tây Dương gần đây thấp một cách bất thường.

Quan trọng, các quy định quốc tế mới về hạt lưu huỳnh trong nhiên liệu tàu biển đã được đưa ra vào năm 2020, dẫn đến việc giảm phát thải sulfur dioxide (và sol khí) trên toàn cầu trên đại dương. Nhưng lợi ích lâu dài của việc giảm lượng khí thải tàu biển vượt xa tác động nóng lên tương đối nhỏ của tình hình hiện tại.

Sự kết hợp của các yếu tố này là lý do tại sao các kỷ lục nhiệt độ trên bề mặt Trái đất thời gian gần đây liên tục bị xô đổ.

Chia sẻ