Trong cuộc đời… có bao lần ta “vắng mặt”?

Mai Nguyên,
Chia sẻ

“Sự vắng mặt kinh khủng nhất không phải là sự vắng mặt trong đám đông mà là vắng mặt ngay trong chính bản thân mình”…

Vắng mặt

Tác giả: Đỗ Phấn

NXB. Hội Nhà Văn
Giá bìa: 59.000 đ
 


Trong tâm trí của tôi, mỗi khi ai đó gọi tên Đỗ Phấn, tôi lại hình dung ra một người thầy giáo chững chạc uy nghiêm trên giảng đường Đại học, một người hoạ sĩ lãng du trên những con phố vắng thênh thang của chiều thu Hà Nội. Nhưng dường như, khi nỗi ám ảnh về câu chữ, về phận đời phận người chảy trôi dưới ngòi bút của Đỗ Phấn, tôi lại nhớ nhiều hơn về một nhà văn “uể oải” và trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong lòng phố thị…

Nếu có ai hỏi ấn tượng của tôi về cuốn tiểu thuyết “Vắng mặt” là gì? Xin trả lời ngay - ấy là sự suy tàn, là nỗi buồn thương, là những bước vong thân mà cũng không kém phần đẹp đẽ. Câu chuyện về nhân vật Vũ - một họa sĩ mà nhà văn Đỗ Phấn khắc họa tựa hồ như một tác phẩm nghệ thuật “từng nét cọ miêu tả khi thực khi hư, đứt đoạn” và có lúc lại liền mạch, “chắp nối”
 


Vũ là một thanh niên có hoài bão, có ước mơ, anh được đào tạo để trở thành một nghệ sĩ chân chính. Thế nhưng, những đau đáu của cuộc đời lần lượt chảy trôi trước mặt anh - Với những lần đi kẻ pano, đi sao chép tranh, với những cuộc tình chóng vánh và mệt nhoài thể xác, anh dường như đang đánh mất chính mình, đang phỉ nhổ chính mình và cũng đang nuối tiếc chính mình!

Một cái “tôi” lặng yên chứng kiến chính mình đi vào vết xe đổ, chứng kiến cái bản ngã mong manh đang tha hoá từng ngày, còn gì đau đớn hơn? Người hoạ sĩ lê lết nhấc mình qua từng con phố vắng, tự hỏi lòng: Rốt cuộc điều gì mới thực sự làm nên hạnh phúc? Điều gì đẩy con người ta đến nỗi phải vong thân? Rốt cuộc trên cõi đời này, có mấy ai là người sung sướng?!?
 


Cuộc đời Vũ dạt trôi bởi một chuyện tình tan vỡ, tan vỡ không lý do, không quay đầu từ biệt. Người đàn bà ấy bước vào cuộc sống Vũ như một nốt nhạc ngân lên, rồi trầm buồn, lụi tắt… Dư vang ấy đủ để khiến một người đàn ông cô đơn dạt vào miền Nam lập nghiệp, trở lại con đường sáng tác mà không còn biết nơi đâu là điểm tựa…

Bạn nghĩ gì khi chứng kiến một người đàn ông làm tình với vợ của bạn thân? Bạn nghĩ gì khi người đàn bà ấy nhất quyết giữ lại đứa con vốn dĩ chẳng phải cốt nhục của chồng mình? Càng trớ trêu hơn khi người chống vốn không thể làm cha, vốn dĩ hắn vô sinh! Cuộc chạy trốn về nơi phố xưa của Vũ là bước mở đầu âm thầm cho cuốn tiểu thuyết dành riêng cho những tháng ngày “vắng mặt” của chính bản thân mình.
 


Vũ, người đàn ông tội lỗi ấy đã lê lết qua thật nhiều những mối tình chóng vánh, đứt đoạn… Từng hơi thở, từng tiếng rên la hay những giọt nước mắt âm thầm dằn vặt của những người đàn bà như hiện rõ mồn một trên từng trang sách. Có thể là nụ cười khinh đời của một cô gái điếm, nỗi cô đơn của người đàn bà giàu sang quyến rũ, cái ngẩn ngơ của nàng thiếu nữ hay tiếng buốt giá trong cõi lòng của một thiếu phụ đáng thương.
 
Đàn bà trong cuộc đời Vũ là nhục thể? Hay là sự hiện hữu đau đớn nhất của cõi nhân gian? Dù có là gì đi chăng nữa, thì Vũ vẫn không thể lấp nỗi sự cô đơn trong tâm hồn mình. Tâm hồn anh có đó, mà như mất đó, chẳng chút sẻ chia, chẳng mong đồng cảm. Những người đàn bà đi qua cuộc đời anh như một bóng mây, như một cơn mưa mùa hạ. Anh cùng họ “hiện hữu”, nhưng đồng thời cũng là “vắng mặt”. Bởi lẽ, con người ta tìm đến giới kia, là để lấp vào sự thiếu thốn trên xác thân và tâm hồn, vậy mà trong chính cuộc vui ấy, sự cô đơn vẫn cứ in hằn… Phải chăng vì thế mà nhân vật luôn cảm thấy thiếu vắng thứ gì đó, hình như không phải vắng tri kỉ, mà là vắng… chính - bản - thân - mình.
 


Không hiếm những nhà văn trẻ coi tình dục là một “cứu cánh” trong sáng tác văn chương, nhưng Đỗ Phấn thì khác. Ông viết về tình dục như là cách để dẫn dắt bạn đọc đi đến một chủ đề, một trạng thái khác - “cảm giác vong thân”. Ấy là khi con người ta suy tàn - “hiển hiện đấy mà dường như đã vắng mặt từ rất lâu trong đời sống rồi”. Đỗ Phấn cho rằng: “Khi các nhân vật rơi vào trạng thái ê chề tới mức vắng mặt thì sex chính là một phương cách hiệu quả để biểu đạt chủ đề này”… Và hoạ sĩ Vũ trong tiểu thuyết “Vắng mặt” chính là một minh chứng hùng hồn cho cái kết luận xa xót ấy.

Quả thật, Đỗ Phấn đã rất thành công, ít ra là trong suy nghĩ của tôi, suy nghĩ của một người yêu văn chương và luôn cảm thấy mắc nợ cuộc đời…

Một ngày nào đó, nhìn con phố trôi đi mang theo biết bao gương mặt người xa lạ, tôi chợt nhận ra điều mà bấy lâu nay mình vẫn cố tình chối bỏ: “Sự vắng mặt kinh khủng nhất không phải là sự vắng mặt trong đám đông mà là vắng mặt ngay trong chính bản thân mình”…
Chia sẻ