Ở đâu đó trong cuộc đời, ta bắt gặp “Người đàn bà đứng khóc”

Tiểu Phương,
Chia sẻ

Có những người đàn bà - chỉ có thể đứng khóc mà thôi…

Tập truyện ngắn
Người đàn bà đứng khóc

Tác giả: Nguyễn Văn Học

NXB. Công An Nhân Dân
 
 
“Trước đây, mẹ đã từng đợi người đàn ông đó - một kẻ phụ bạc ở con ngõ heo hút tối như đời mẹ cơ cực. Một định mệnh, con ngõ trống buồn cứ đeo đẳng, bắt mẹ đợi. Giờ mẹ lại đợi tôi!” - đó là dòng tâm sự của Hạnh, người con gái đã làm tim tôi run rẩy khi chứng kiến cuộc đời ấy. Một cuộc đời trơ lì mệt mỏi, nằm ngả ngớn phơi thân trong phòng nghỉ chờ cho đến lượt khách gọi. Không riêng gì Hạnh, thân phận “làm điếm” - quá bất hạnh và lắm những khổ đau!

“Người đàn bà đứng khóc” là tập truyện ngắn của Nguyễn Văn Học, chàng trai trẻ của đất Hà Thành. Vẫn là những câu chuyện xoay quanh mảnh đời của những người phụ nữ, từ khổ nghèo cơ cực, từ bất hạnh đớn đau mà cuối cùng bị cuộc đời vùi dập. Khai thác một tài không quá mới mẻ, thế nhưng nhà văn vẫn tìm được hướng đi cho ngòi bút mà không gây trùng lặp, không gây nhàm chán. Giọng văn của Nguyễn Văn Học vẫn khẳng định được một nét riêng, nét mới của chính mình.

 
Những người đàn bà trong tập truyện ngắn hầu như đều mang trong mình một hồi ức riêng, một số phận riêng… nhưng họ đều gặp nhau tại một điểm - ấy là nỗi cô đơn cùng cực. Đứng khóc! Bạn có thấy lạ không? Còn tôi, tôi hình dung được những giọt nước mắt của những người đàn bà đứng khóc - tuôn chảy như những dòng nước trên thác nguồn đổ xuống. Có lẽ vì đứng - nên nước mắt cứ chực rơi, chẳng biết đến khi nào khô cạn…

Đi suốt gần 200 trang sách, bạn sẽ cùng nhà văn bước vào cuộc hành trình đi qua những ngôi làng, những định kiến, người chồng vũ phu, người cha tàn nhẫn, những trận đòn ác nghiệt, những gầm cầu, những căn phòng mà gái điếm vẫn thường nằm dài đợi khách… bùn sâu, đen và khối thăm thẳm đặc quánh giữa dòng đời. Tôi đã chứng kiến những cô gái xác thân không còn lành lặn, trái tim cũng vá víu những mảnh vỡ đau lòng - như những xác ve khô khốc cuối cùng còn trơ lại của mùa hè.
 
 
Rồi cũng chính ở nơi ấy, tôi thương những người đàn bà nín lặng chịu đựng, để sống, để yêu, để bị chà đạp và để rồi lại thứ tha. Họ đã sống một cuộc đời khắc khoải, khắc khoải với một hy vọng mong manh như một đóa quỳnh hương sớm nở tối tàn…

Thế nhưng, hãy khoan vì khối đậm đặc ấy mà vội tắt hẳn niềm tin vào cuộc đời. Bởi vì, ở đâu đó trong tâm hồn, ánh sáng của trái tim vẫn le lói dắt con người ta đi ra từ vũng bùn tối tăm nhơ nhuốc… Những người đàn bà ấy, dẫu đã từng vùi đầu vào cát trong một nỗi đau đến tan nát cõi lòng thì trong họ vẫn khôn nguôi niềm thiết tha được sống. Thực ra, đối với người phụ nữ, tìm đến cái chết có lẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải chấp nhận thực tại và đi đến cùng với nó. Phải chăng vì thế mà đứng khóc, vì thế mà xót xa?
 
 
Tôi có cảm giác như Nguyễn Văn Học đã hóa thân vào từng nhân vật, trân trọng và nâng niu, gìn giữ họ. Nâng niu như những bông hoa mỏng manh và dễ bị tổn thương hơn bất cứ một tiểu thư lá ngọc cành vàng nào. Tình yêu của chàng trai trẻ gửi trọn vào những cô gái mạt hạng vốn bị khinh khi và rẻ rúng giữa cuộc đời. Anh không lớn tiếng giáo điều, không sử dụng ngòi bút của mình như một cái - loa - phát - ngôn, mà thay vào đó, anh dành trọn trái tim để viết. Vì thế mà trên “đường yêu nguệch ngoạc”, người ta bắt gặp“những cô gái điếm trong đời” như “cơn gió lạ ngọt ngào” rồi lặng thầm chứng kiến “người đàn bà đứng khóc” trong một nỗi xa xót khôn nguôi…

Ai đó đã từng bảo rằng nước mắt là giọt châu của loài người - có lẽ đúng. Người ta sinh ra không chỉ để sống, không chỉ để yêu mà còn để khóc. Chưa bao giờ tôi thấy nước mắt ngập tràn nhiều đến vậy, như thể người trong cuộc muốn dùng chính nước mắt để xóa đi vết nhơ trong cuộc đời. Hoặc giả, họ khóc để minh chứng cho sự tồn tại rẻ rúng của bản thân mình. Nước mắt có khả năng níu giữ con người khi họ đang đứng ngay trên ranh giới mong manh giữa bùn lầy và thanh sạch.
 
 
Những câu văn như từng khúc sông ngắn, gấp như cuộc sống của chính những người đàn bà trong tập truyện. Thế nhưng, nó vẫn cứ nối tiếp nhau và chảy tràn trong lòng người đọc. "Hãy trân trọng, yêu thương và cứu vớt con người. Cho dù bị đày mình trong hang tối của cuộc đời, vẫn có những con người luôn cố gắng và khát khao hướng thiện". Tấm chân tình ấy của một nhà văn trẻ đất Hà Thành thật đáng để mỗi người chúng ta phải trân trọng.

Có những giá trị sống đích thực giữa cuộc đời vẫn ẩn tàng đâu đó mà đôi khi chúng ta vô tình làm ngơ hay cố ý phủ nhận. Đọc “Người đàn bà đứng khóc” để một lần mở rộng vòng tay ôm lấy những kiếp người nhỏ bé, để có thể lau đi những giọt nước chỉ chực tràn trên một bờ mi xa lạ. Hay ít ra, cùng họ khóc để vơi đi những oan trái giữa cuộc đời. Để rồi sau đó, tin vào một ngày mai - ánh mặt trời sẽ soi sáng từng gương mặt người.

Nước mắt cũng sẽ như những giọt sương, long lanh, lăn tràn và tan trong nắng sớm…
Chia sẻ