Trời nồm ẩm, cửa hàng giặt là làm việc xuyên đêm, thu 3-4 triệu/ngày
Khoảng 10 ngày trở lại đây, tiết trời Hà Nội xảy ra hiện tượng nồm ẩm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đây là thời điểm các cửa hàng giặt là "ăn nên, làm ra" thậm chí toàn bộ máy hoạt động xuyên đêm.
Những ngày này, người dân Hà Nội đang phải trải qua thời điểm khốn đốn vì trời nồm ẩm, mưa phùn. Quần áo giặt thường không khô hoặc khô nhưng có mùi hôi mốc rất khó chịu. Chính vì vậy đối với những gia đình không sử dụng máy giặt có chức năng sấy, việc sử dụng dịch vụ giặt là là phương án lựa chọn tối ưu.
Ghi nhận của PV tại nhiều chung cư và các khu cư dân, người dân kêu trời vì nhà ẩm, đồ đạc bị mốc và quần áo phơi khó khô hoặc khô nhưng có mùi hôi.
Dù ở chung cư cao, thoáng nhưng nhiều gia đình cũng phát cáu vì quần áo không khô.
Chị Thanh Trang trú tại chung cư HH Linh Đàm cho biết: "Dù ở tầng cao nhưng trời mưa, nồm ẩm khiến quần áo phơi khó khô, phơi 2 ngày nhưng chỉ khô ở mức vừa phải và xuất hiện mùi hôi nên không biết phải làm thế nào...".
Tình trạng nồm ẩm cũng khiến các gia đình có trẻ nhỏ vất vả vì sợ quần áo trẻ nhỏ phơi lâu, không khô sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các bé. Chị Kim Linh cho hay: "Người lớn thì không sao, chịu khó mặc cũng tạm chấp nhận được nhưng với trẻ nhỏ thì không dám để con mặc quần áo có mùi hôi hoặc ẩm ẩm được". Để khắc phục, nhiều gia đình phải dùng máy sấy tóc để sấy quần áo cho trẻ nhỏ, trong khi, một số gia đình đã lựa chọn dịch vụ giặt là.
Việc trời nồm ẩm khiến nhu cầu của người dân sử dụng dịch vụ giặt là tăng cao, nên những năm gần đây, dịch vụ giặt là mọc lên như nấm, nhất là ở những khu vực đông cư dân sinh sống.
Một tiệm giặt là trên phố Yên Hòa chất đống quần áo, chăn màn vì lượng khách sử dụng dịch vụ nhiều bất thường.
Theo ghi nhận của PV, tại một số tuyến phố nhỏ như: Đặng Tiến Đông, Yên Hòa, Hoa Bằng, khu Nghĩa Tân, Tô Hiệu, Đình Thôn, Mai Dịch, Cầu Giấy, Xuân Thủy…, những ngày qua, các cửa hàng giặt là tại đây đều hoạt động hết công suất. Đặc biệt, một số tuyến phố như: Yên Hòa, Hoa Bằng chỉ dài khoảng gần 1km nhưng có từ 2-3 cửa hàng giặt là, lúc nào khách cũng nườm nượp, đồ xếp đầy cửa hàng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hưng – một chủ cửa hàng cho hay: "Nếu như những ngày bình thường lượng khách sử dụng dịch vụ chủ yếu là các loại quần áo vest, áo dài hay chăn nệm. Riêng những ngày mùa đông hoặc trời mưa thì người dân thường có tâm lý ngại giặt tay hoặc giặt máy nhưng khó khô nên đã mang đến cửa hàng để sử dụng dịch vụ".
Cửa tiệm giặt là hoạt động hết công suất, xuyên ngày đêm.
Đặc biệt, trong những ngày Hà Nội rơi vào thời tiết mưa phùn, ẩm ướt, nồm ẩm như hiện nay, các cửa hàng giặt là lại đón một lượng khách lớn thuộc nhiều thành phần như: Sinh viên, người đi làm, gia đình trẻ hoặc các hộ dân có nhu cầu.
Nói về việc này, chị Mai Tâm nhân viên một cửa hàng giặt là trên phố Hoa Bằng cho hay: "Khách thường dồn đồ từ 2-3 ngày rồi mang ra tiệm giặt một lần, còn gia đình nào có trẻ nhỏ thì thường 2 ngày mang đồ ra giặt một lần".
"Trời nồm ẩm quần áo rất khó khô nên từ hơn 10 ngày nay, cứ 3 ngày gia đình tôi lại ôm một túi nặng hơn 7kg ra giặt", chị Phương Hà cho hay.
Khách để lại quần áo tại tiệm khoảng 2-3 giờ sau sẽ lấy được.
Hầu hết các cửa hàng giặt là hiện nay đưa ra mức giá, mà theo đánh giá chủ quan của chúng tôi thì khá hợp lý. Theo đó, đối với dịch vụ giặt ướt nhiều nơi treo biển chỉ từ 5-8 nghìn đồng/kg quần áo, một số nơi cao nhất cũng chỉ từ 9-10 nghìn đồng/kg.
"Mỗi gia đình cứ 3 ngày giặt 1 lần khoảng 10kg quần áo thì chỉ mất khoảng 60 nghìn đồng, với mức giá đó là khá rẻ và hợp lý", chị Mai Tâm nhân viên cửa hàng giặt là cho biết.
Theo đánh giá của nhiều người thì dịch vụ giặt là tại Hà Nội có mức giá phải chăng.
Lượng khách nhiều, các cửa hàng giặt là cũng phải chạy hết công suất. Bình quân mỗi cửa hàng giặt là có từ 6-10 máy giặt, mỗi máy hoạt động khoảng 30-45 phút/lượt, giặt được khoảng 10kg quần áo. Và không ít cửa hàng đã phải hoạt động xuyên ngày đêm để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Theo khảo sát, bình quân mỗi cửa hàng giặt là thu về từ 3-4 triệu đồng/ngày. Trừ hết chi phí các chủ tiệm cũng thu về 2-3 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng cho biết, mỗi năm, họ cũng chỉ "ăn nên, làm ra" vào mỗi thời điểm ra tết, trời mưa phùn, nồm ẩm mà thôi.