Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt

Phong Linh,
Chia sẻ

Xuân này, phố ông đồ thêm lạ bởi sự xuất hiện của những “bóng hồng” hay chữ. Thú vị hơn cả là một “bà đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt.

Đến phố ông đồ Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này, ta sẽ được đắm mình trong không gian ngập tràn mùi giấy mực và cảm nhận rất rõ nét văn hóa Hà Thành những ngày xuân. Năm nay, phố ông đồ như được tô điểm thêm sắc màu mới khiến nhiều khách du lịch cũng như người đến xin chữ thấy thú vị, đó là sự xuất hiện của một “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt.

 Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 1
Giữa những ông đồ trên "phố chữ" Quốc Tử Giám, "cô đồ" Eri ...

Khép nép ngồi cạnh thư pháp gia Nguyệt Trà Bút Kiều Quốc Khánh, “cô đồ” Yoshino Eri lặng lẽ hoàn thiện những tác phẩm thư pháp. Thoạt nhìn, cô gái này không khác mấy với những cô gái Việt Nam đến phố ông đồ Quốc Tử Giám du xuân, cũng dịu dàng trong tà áo dài, cũng mỉm cười bẽn lẽn khi người lạ hỏi chuyện. 

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 2
... trong tà áo dài xanh mải mê viết thư pháp Việt.

Gương mặt phương Đông cổ điển và sự ít nói của Eri khiến vài người khách hiếu kỳ nán lại hỏi han, rất nhiều người tò mò hỏi xem cô đến từ đâu, có phải người dân tộc thiểu số không? Eri vội vàng xua tay, thanh minh bằng một giọng lơ lớ ngồ ngộ: “Em là du học sinh Nhật Bản đó.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 3
Nhiều người hiếu kỳ đã ghé lại để hỏi chuyện Eri.

“Cô đồ” ngoại quốc này còn rất trẻ (Eri sinh năm 1991) nhưng đã gắn bó với nghệ thuật thư pháp hơn 10 năm. Cái tên của cô, Yoshino Eri, trong tiếng Nhật có nghĩa là “bức tranh hoa nhài”, phải chăng đó là một cơ duyên, một định mệnh đã gắn cô với nghệ thuật của mực và giấy? Khi mới 12 tuổi, cô gái đến từ tỉnh Ehime của xứ sở hoa anh đào đã tham gia học thư pháp và viết thông thạo cả thư pháp truyền thống Nhật Bản lẫn thư pháp Hán.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 4
22 tuổi, Eri đã gắn bó với nghệ thuật thư pháp hơn 10 năm.

Ở Nhật, thư pháp rất được ưa chuộng. Học sinh cấp 1, cấp 2 đã bắt đầu học những lớp thư pháp căn bản. Những ai thực sự đam mê và có tài năng sẽ học thư pháp chuyên nghiệp ở lớp của các thư pháp gia nổi tiếng. Ngày Tết, cũng giống như ở Việt Nam, người Nhật thích chơi thư pháp, trên đó ghi những câu tục ngữ, lời chúc tốt đẹp hoặc những mục tiêu trong năm mới. Nhưng khác với Việt Nam, người Nhật không có phố ông đồ. Người ta tự viết cho mình hoặc tặng bạn bè những bức thư pháp đẹp, có ý nghĩa hoặc tìm đến tận nhà những thư pháp gia nổi tiếng để xin chữ” – Eri chia sẻ.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 5
Mới học thư pháp Việt được 7 tháng, Eri đã tạo cho mình được phong cách riêng.

Được biết, Eri là du học sinh theo diện 2+ (hai năm học trong nước, hai năm du học) của khoa Việt Nam học, trường Đại học Osaka, Nhật Bản. Trong hai năm ở Nhật, cô đã học tiếng Việt, văn hóa, văn học, lịch sử Việt Nam. Đây là giai đoạn chuyển tiếp của Eri. Cô đã sang Việt Nam được 10 tháng và hiện là sinh viên khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 6
Tập trung cao độ, nắn nót từng con chữ.

Khi được hỏi về lý do chọn bộ môn Việt Nam học, Eri hồn nhiên trả lời: “Ở Nhật hiện nay có rất nhiều công ty làm ăn với Việt Nam, nhưng không có nhiều người Nhật biết tiếng Việt. Tiếng Việt khó lắm! (Cười) Nếu em giỏi tiếng Việt, sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn, dù em ở Nhật hay ở Việt Nam.”

Một mình sang Việt Nam du học, từ khi còn ở Nhật, Eri đã tiết kiệm tiền để tự trang trải học phí, sinh hoạt phí, tiền thuê một căn phòng nhỏ ở Cầu Giấy mà không dựa vào gia đình. Sang Việt Nam, ngoài thời gian ở giảng đường, cô đi dạy tiếng Nhật, làm phiên dịch để có thêm thu nhập.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 7
Một mình sang Việt Nam du học, cô gái mảnh khảnh này hoàn toàn không cần trợ cấp của gia đình.

Thế rồi, niềm đam mê và sự gắn kết với thư pháp đã đưa cô đến với thư pháp gia Kiều Quốc Khánh. Eri tiếp tục theo đuổi thư pháp, nhưng lại chọn một lối đi mới khác với những gì cô đã trải nghiệm: thư pháp Việt. Lý giải về sự "phải lòng" thư pháp Việt, Eri hồ hởi cho biết: “Tiếng Việt có lợi thế là phiên âm bằng ký tự anphabet, nên nếu thông thạo thư pháp quốc ngữ, em có thể “thư pháp hóa” tất cả những ngôn ngữ nước ngoài phiên âm bằng anphabet. Như vậy, không chỉ người phương Đông đồng chủng đồng văn mới chơi được thư pháp mà ngay cả những người phương Tây cũng chơi được. Nghệ thuật thư pháp sẽ được quảng bá rộng hơn. Thêm nữa, ngay tại Việt Nam, có rất nhiều người thích thư pháp. Nếu viết bằng chữ Hán, có người hiểu, cũng có người không hiểu hết ý nghĩa của chữ. Vì thế, thư pháp quốc ngữ sẽ giúp họ cảm nhận rõ ràng hơn về bộ môn này.


Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 8
"Thư pháp chữ quốc ngữ sẽ giúp quảng bá văn hóa Việt Nam" - Eri nhận xét

Nghiêng đầu cười duyên dáng, Eri nói thêm: “Thư pháp Việt khó lắm! Khó không chỉ vì chữ viết, mà còn ở ý nghĩa. Trước khi viết một chữ, một bài thơ nào đó, em phải hiểu ý nghĩa, phải cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của nó, để nó chạm thật sâu vào tâm hồn mình, thế mới viết đẹp được. Em vẫn đang cố gắng học tập để tiến bộ hơn nữa.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 9
Mồ hôi lấm tấm trên trán, cô gái Nhật Bản mê thư pháp Việt vẫn cười tươi ...

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 10
... mỗi khi có người đến hỏi chuyện hay đặt viết chữ.

Thư pháp gia Kiều Quốc Khánh lại nghĩ khác. Chia sẻ về cô học trò đặc biệt của mình, anh nói: “Eri là một học trò cực kỳ thông minh và nhạy cảm. Cô ấy có một nền tảng tốt, có đam mê và năng khiếu trong bộ môn này nên tiến bộ rất nhanh. Mới học thư pháp Việt được 7 tháng, nhưng Eri không chỉ viết được mà còn viết đẹp, hơn thế, Eri đã truyền hơi thở của thư pháp truyền thống Nhật Bản, tinh thần Nhật Bản, đặc biệt là tinh thần Thiền tông vào những bức thư pháp Việt. Chính sự kết hợp ấy đã tạo nên một nét riêng cho những bức thư pháp Việt của Eri.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 11
Thi pháp gia Kiều Quốc Khánh - thầy giáo thư pháp Việt của Eri

Tết đang đến gần và Eri vẫn đang miệt mài viết thư pháp quốc ngữ ở phố ông đồ. Được trường cho nghỉ học từ sớm nhưng “bà đồ” 9X không về Nhật Bản mà chỉ liên lạc với gia đình bằng điện thoại.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 12
Eri mê tít Tết cổ truyền của Việt Nam.

Ngày Tết ở Việt Nam là ngày sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè, còn em chỉ có một mình thôi. Nhưng bù lại, ra phố ông đồ viết chữ, được tặng những bức thư pháp đẹp cho mọi người, được mọi người chúc Tết, em thấy ấm áp lắm. Nhiều bạn bè Việt Nam cũng đã rủ em về nhà cùng ăn Tết với gia đình họ. Tết ở Việt Nam thật hay, mọi người rất tôn trọng truyền thống và tình cảm.” – Eri hồn nhiên khoe.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 13
Một bức "Xuân" kết hợp thư pháp truyền thống Nhật Bản và thư pháp Việt.

Trò chuyện cùng “cô đồ” ngoại quốc mê thư pháp Việt 14
Eri đang khoe một bài thơ haiku viết bằng tiếng Nhật.

Ngoài những giờ học trên giảng đường, cô gái Nhật Bản vẫn miệt mài luyện thư pháp Việt và học thêm nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc. Eri chưa quyết định sẽ ở lại Việt Nam hay trở về quê hương làm việc, nhưng cô khẳng định, dù ở đâu, cô cũng sẽ là một “đại sứ” của thư pháp Việt. Mong cho ước mơ quốc tế hóa thư pháp Việt của “bà đồ” trẻ này sẽ trở thành hiện thực và sang năm, năm sau nữa, người ta vẫn nhìn thấy cô miệt mài bên mực tàu, giấy đỏ.
Chia sẻ