[Trên Ghế 44] Lên số nào xuống số đó, nhớ taluy dương và những điều cần biết khi đổ đèo
Khi đi đường đèo núi, người lái cần nhớ những quy tắc căn bản như lên số nào xuống số đó, không rà phanh liên tục, xác định phía taluy dương… đặc biệt tuân thủ đúng luật giao thông khi cần đi đúng làn đường của mình.
Dưới đây là phần trao đổi của host Đăng Việt và khách mời Đoàn Kiều Dũng về chủ đề: Đổ đèo thế nào cho an toàn?
Những người đi cắm trại cùng ô tô thường lựa chọn những vùng đồi núi. Con đường để đến những địa điểm này thường phải đi qua điều kiện địa hình với nhiều dốc cao, đòi hỏi người lái cần những kỹ năng căn bản để hành trình được an toàn. Với kinh nghiệm dày dặn của mình, mời anh chia sẻ những kỹ năng đơn giản đến khán giả khi đi đường đèo núi?
Tôi cầm lái rất nhiều loại xe, đã tham gia đua xe địa hình ở tất cả các hạng đấu rồi. Đầu tiên là hạng bán tải cơ bản, sau đó đến bán tải nâng cấp, SUV nâng cấp. Gần đây nhất, tôi đua hạng chuyên nghiệp mở rộng là hạng xe khó nhất. Vì thế, trong quá trình đi chơi, đi cắm trại cũng như quá trình tổ chức chuỗi giải đua Victory Challenge, tôi học hỏi được rất nhiều điều.
Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số kỹ năng cơ bản. Đầu tiên, sau khi kiểm tra thật kỹ chiếc xe, một việc đặc biệt quan trọng khi đi cung đường rừng là các bạn phải kiểm tra hệ thống phanh.
Hiện nay, tôi đang lái xe một tay. Khi đua xe, các vận động viên thường chỉ lái xe bằng tay trái, tay phải dùng để điều khiển các chức năng khác của xe như sang số, chuyển các chế độ lái khác nhau… Chúng ta đang đi vào đoạn đường hơi cao và dốc nghiêng, đường đất gồ ghề không bằng phẳng như đường nhựa. Với điều kiện mặt đường như thế này, kết hợp với các tính năng của xe, các bạn cần lưu ý một số điểm như sau.
Thứ nhất, một điều mà ai cũng phải nắm chắc trong đầu là “lên số nào, xuống số đó”. Đây là kinh nghiệm mà từ khi bố tôi còn lái xe đã chia sẻ. Tức là, khi các bạn lên dốc cao bằng số 1-2, lúc đi xuống bạn cũng cần phải đi số 1-2. Xe mới hiện nay phần lớn trang bị hộp số tự động, nhưng khi đi đường đèo dốc cần chuyển sang chế độ số tay, lúc đó các bạn cần chuyển về số 1-2. Lúc đó, chiếc xe mà bạn đang đi sẽ đảm bảo an toàn, chúng ta có thể kiểm soát được tốc độ khi lên xuống dốc.
Thứ hai, khi đổ đèo như vậy, các bạn cần phải có kỹ năng sử dụng phanh. Các bạn không nên phanh nhiều quá, vì nếu má phanh bị ép liên tục (thường gọi là “miết phanh”) thì sẽ dẫn đến việc má phanh bị nóng, nếu quá lâu sẽ bị “cháy má phanh” nên không còn độ bám, hay nhiều người thường gọi là mất phanh. Với điều kiện đường đèo dốc liên tục ở vùng núi phía Bắc, nếu đi xe phanh liên tục như thế thì rất nguy hiểm. Vì thế, các bạn lưu ý khi cần nên nhấp nhả phanh, nhưng không nên đạp phanh quá mạnh mà chỉ nhẹ nhàng để giảm tốc từ từ.
Thứ ba, khi xe vào cua ở những góc cua tay áo hay những góc cua nguy hiểm, chúng ta tuyệt đối không tăng ga nhưng cũng không đạp phanh đột ngột. Thay vào đó, chúng ta rà phanh nhẹ nhàng để giảm tốc. Không bao giờ một vận động viên đua xe chuyên nghiệp đạp ga khi chạy vào khúc cua. Đấy là việc làm rất không nên vì không an toàn.
Thứ tư, khi đi xe lên xuống dốc, đến các vùng đồi núi, các bạn cần phải tuân thủ luật giao thông. Đường càng nhỏ hẹp, góc cua càng gắt, càng nhiều dốc tức (dốc có độ dốc lớn – PV), các bạn càng phải tuyệt đối đi đúng làn đường của mình. Bởi vì, chúng ta cần tránh trường hợp bắt gặp xe ngược chiều bất ngờ rất nguy hiểm.
Với con dốc trước mặt, tôi sẽ leo dốc cho anh Việt và các bạn cùng thấy. Tôi sẽ chuyển sang chế độ số tay, chọn số 2 để máy khỏe hơn khi lên dốc. Khi xuống dốc, tôi cũng sẽ đi bằng số 2, động cơ sẽ ghì xe lại, vòng tua lên cao nhưng các bạn đừng sợ sẽ hại máy, vì như thế mới an toàn.
Tiếp theo, khi đi đường đèo núi, chúng phải biết bên phải xe là taluy dương hay âm. Taluy dương để dễ hiểu là phía vách núi hoặc lan can hoặc những vật cản đủ lớn giúp giữ chiếc xe lại nếu lỡ gặp sự cố. Khi đã xác định được taluy dương, các bạn nên chuẩn bị tinh thần nếu xe mất phanh thì sẵn sàng lao xe về phía đó, chúng tôi hay gọi là “vả” xe vào đó. Lúc đó, vách núi sẽ giữ cái xe lại.
Khi xe đâm vào vách núi, dù có bị móp méo, hư hỏng cũng không sao. Vì quan trọng nhất là sự an toàn của người ngồi trên xe. Nếu chẳng may bị gãy chân, gãy tay thì chúng ta vẫn không bị lăn xuống vực. Điều này đặc biệt quan trọng khi đi trời tối gặp đường sương mù, các bạn phải xác định được bên nào là taluy dương để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Có lần, tôi chạy lên Sin Suối Hồ (Lai Châu) trong đêm, đường nguy hiểm và xe bị mất phanh, những kinh nghiệm này đã cứu sống cả đoàn.
Và điều cuối cùng, các bạn nên cố gắng đừng đậu xe trên các cung đường hẹp. Tôi nhận thấy, nhiều người đang đi trên đường thấy cảnh đẹp quá nên dừng lại bên đường chụp ảnh. Có thể các bạn nghĩ rằng đậu xe sát bên phải đường là an toàn nhưng không phải, các xe khi đổ đèo quán tính lớn, tốc độ khá nhanh, nếu bị khuất tầm nhìn họ sẽ rất khó để xử lý nếu gặp tình huống bất ngờ. Vì thế, các bạn nên lưu tâm vấn đề này.
Song song với những điều trên, mỗi người khi lái xe đường đèo núi cần chuẩn bị tâm lý luôn sẵn sàng để xử lý trong mọi tình huống.
Và bây giờ, để kiểm chứng tất cả những cái lời khuyên này, tôi muốn anh thực hiện một thử thách. Bây giờ tôi sẽ pha mì cốc Hảo Hảo để ăn trên xe, nhiệm vụ của anh là lái xe đáp ứng đủ điều kiện an toàn mà tôi vẫn có thể vừa pha mì, vừa ăn trên xe.
Anh Việt yên tâm nhé. Chia sẻ với anh cùng các bạn, chúng tôi khi đi phượt, người ngồi ghế phụ thường xuyên pha mì cốc ăn như bình thường. Cho nên, tôi đảm bảo hôm nay anh Việt ăn cốc mì là sẽ không bị ướt người.
Trừ trường hợp có trâu, bò tự nhiên lao ra đường đột ngột, đây là điều không may nếu như anh Việt bị ướt người. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đường đồi núi này sẽ không có trâu, bò đâu. Tôi sẽ đảm bảo lái xe làm sao để anh ăn được cốc mì đàng hoàng.
Ngoài lề một chút, công tâm mà nói, tôi nhận thấy cốc mì Hảo Hảo khá đa dụng và thuận lợi khi chúng ta cần phải ăn trên xe trong trường hợp không có nhiều thời gian.
Hảo Hảo, hành trình về thương hiệu và sản phẩm mì tôm chua cay là sứ mệnh đưa ẩm thực trở thành nhịp cầu hạnh phúc cho người Việt. Được sinh ra từ tâm huyết của Acecook Việt Nam, Hảo Hảo mong muốn cung cấp những bữa ăn an toàn và bổ dưỡng, cam kết đặt SỨC KHỎE – AN TOÀN – AN TÂM lên hàng đầu.
Mì Hảo Hảo nói chung và sản phẩm hương vị mì tôm chua cay nói riêng với cải tiến bổ sung 333 mg canxi đáp ứng ⅓ nhu cầu hàng ngày cho người tiêu dùng – vừa là món ăn, vừa là giải pháp dinh dưỡng hỗ trợ xương chắc khỏe.
Acecook Việt Nam áp dụng công nghệ Nhật Bản hiện đại, đảm bảo sợi mì đạt chất lượng cao nhất với hương vị chua cay hấp dẫn. Sự cam kết trong quản lý sản xuất và phân phối của Hảo Hảo chính là lời đảm bảo về chất lượng, giúp người tiêu dùng luôn an tâm và hài lòng.
Mì Hảo Hảo đã trở thành món ăn quen thuộc trong gian bếp Việt, mang đến sự tiện lợi và hạnh phúc cho từng bữa ăn.
Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta đi cắm trại, cốc mì này sau khi ăn xong có thể tận dụng để làm cốc đúng không anh?
Đúng rồi. Chúng tôi thường xuyên rửa cốc mì này và sử dụng như cốc uống nước, đánh răng hàng ngày khi đi phượt dài ngày.
Trước mặt chúng ta đang là 2 khúc cua, tuy nhiên anh Việt yên tâm khi tôi chỉ chạy ở tốc độ 42-45km/h. Đây cũng là tốc độ mà các bạn nên duy trì khi vào cua hay đổ dốc, không nên chạy lên đến 60-70km/h.
Khi thực hiện thử thách do anh Việt đặt ra, tôi vẫn phải tuân thủ nguyên tắc đã nói ở trên. Dù đang xuống dốc, tôi vẫn không sử dụng phanh liên tục mà chuyển sang chế độ sang số tay. Tôi đang giữ ở số 2, nếu cảm thấy chưa yên tâm tôi sẽ về số 1. Ở số 1, chúng ta cảm giác như xe đang phanh, dù tôi không hề đạp phanh. Và anh yên tâm, chắc chắn cốc mì mà anh đang ăn sẽ không ảnh hưởng.
Cảm ơn anh Dũng, tôi đã ăn được cốc mì Hảo Hảo trên xe mà không gặp phải sự cố gì, nhưng, chúng tôi không khuyến khích các bạn làm lại thử thách này. Tuy nhiên, qua thử thách nho nhỏ và những chia sẻ của anh Đoàn Kiều Dũng, hy vọng rằng các bạn có thể áp dụng vào đời sống thực tiễn khi thực hiện những hành trình dài, đặc biệt là các chuyến đi đến vùng đồi núi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni, Hảo Hảo.