Trẻ sẽ rất hạnh phúc nếu cha mẹ tâm lý thực hiện 4 điều này: Toàn việc đơn giản nhưng nhiều phụ huynh bỏ qua!
Cách các bậc cha mẹ trên thế giới này nuôi dạy con không giống nhau. Có người mềm mỏng, có người nghiêm khắc. Có người thả lỏng cho con, có người lại giám sát, kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi,... Dù yêu thương, mong muốn con tốt hơn nhưng cha mẹ cũng cần phải nhìn nhận vào sự thật rằng: Yêu đến mấy mà nuôi dạy sai cách thì cũng đâm ra hại con.
Cha mẹ thông minh cần có cách nuôi dạy con đúng đắn, biết được điều gì nên và không nên làm cho con. Theo các chuyên gia, có 4 hành động của cha mẹ sẽ khiến con trưởng thành hạnh phúc. Toàn là những điều đơn giản nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được, hoặc chưa chú ý tới. Cụ thể:
1. Kỳ vọng phù hợp, không tạo áp lực cho con
Trong quá trình trẻ học tập, đặc biệt là khi mùa thi đến, cha mẹ cần hết sức chú ý đến cảm xúc, tâm trạng của con. Đừng tạo áp lực cho con bằng những lời nói: "Con phải được điểm cao trong kỳ thi tới", "Con không được phép thua kém bạn bè", "Cha mẹ rất thất vọng nếu điểm số của con cứ mãi lẹt đẹt",…
Kỳ vọng quá cao khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Cha mẹ nên dành cho con kỳ vọng hợp lý để con đỡ áp lực. Đặt kỳ vọng cao nên khi trẻ không đạt được, cha mẹ thường bất mãn, muộn phiền, chỉ trích và có thể so sánh con với các bạn khác. Điều này chẳng mang lại lợi ích, chỉ khiến trẻ thêm nổi loạn, chống đối, lạnh nhạt với cha mẹ.
Thay vì đặt kỳ vọng quá mức, không phù hợp với năng lực của trẻ, cha mẹ nên dành sự quan tâm để khích lệ trẻ học tập, đối diện với khó khăn và cả thất bại. Hãy thường xuyên động viên để trẻ tin tưởng vào bản thân. Như vậy, trẻ mới trở thành người lạc quan, có mục tiêu, định hướng cụ thể.
2. Cùng con lên kế hoạch rõ ràng
Bản tính của những đứa trẻ là ham chơi, chưa có khả năng quản lý thời gian nên không xây dựng được cho mình kế hoạch học tập, vui chơi khoa học. Là cha mẹ, bạn phải giúp con mình điều đó bởi chỉ có xây dựng kế hoạch, mục tiêu mới sớm chinh phục được ước mơ. Ban đầu, trẻ thường cảm thấy chán nản, ỷ lại nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn cùng con vượt qua.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài lên kế hoạch học tập, trẻ cũng cần xây dựng kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi, rèn luyện thân thể. Đây chính là cách giúp trẻ kiểm soát được cuộc sống, từ đó có lối sống lành mạnh.
Bên cạnh đó, việc lên kế hoạch hoạt động nhóm trong gia đình như: Đi chơi cuối tuần, tập thể dục buổi sáng, cùng nấu bữa tối,… sẽ giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc, yên bình.
3. Hướng dẫn con sử dụng thiết bị điện tử hợp lý
Trong thời đại công nghệ thông tin, điện thoại di động trở thành vật dụng cần thiết trong cuộc sống. Nhiều bậc cha mẹ cho biết, họ "đau đầu" vì con nghiện thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ti vi,… Trẻ coi chúng là thiết bị giải trí hơn là công cụ phục vụ cho học tập. Thậm chí trẻ có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để chơi game, lướt web, dùng mạng xã hội,… mà không cần ăn uống, nghỉ ngơi.
Trước thực trạng này, cách giải quyết vấn đề hiệu quả không phải là cấm con dùng thiết bị điện tử. Cách này chỉ khiến con cảm thấy không phục và vẫn cố tìm mọi cách lén lút sử dụng. Thay vì cấm đoán, cha mẹ nên khuyến khích con dành nhiều thời gian cho gia đình như: Phụ mẹ nấu cơm, dọn nhà hay đi tập thể dục cùng cha mẹ,…
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khích lệ con làm quen với bạn mới bằng cách tham gia các câu lạc bộ, các dự án thay vì chỉ có những mối quan hệ ảo trên mạng xã hội. Để giúp con sử dụng thiết bị điện tử hợp lý, cha mẹ hãy làm gương sáng cho con. Hãy hạn chế dùng điện thoại, máy tính khi không cần thiết và dành nhiều thời gian trò chuyện với con hơn.
4. Cải thiện giao tiếp giữa cha mẹ và con cái
Trong cuộc sống, cha mẹ và con cái không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột. Nếu không có cách giải quyết khéo léo có thể khiến mối quan hệ trong gia đình trở nên xa cách, thậm chí là bất hòa. Cách hiệu quả nhất để giải tỏa cảm xúc tiêu cực và giải quyết mâu thuẫn chính là giao tiếp.
Nếu con chia sẻ về những điều thú vị trong cuộc sống hay tâm sự về rắc rối gặp phải sẽ giúp cha mẹ hiểu con hơn, có định hướng phù hợp. Cha mẹ cũng nên quan sát những điểm mạnh, điểm yếu, sự tiến bộ để dành cho con lời động viên kịp thời. Điều này giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm cha mẹ dành cho mình.
Ngoài ra, khi xảy ra cãi vã, cha mẹ không nên to tiếng quát mắng, chỉ trích con. Thay vào đó, cha mẹ nên cùng con trò chuyện, trao đổi để giải quyết và bình ổn cảm xúc. Chỉ khi giao tiếp mới tìm ra cách xử lý vấn đề hợp lý.