Trẻ em và ban xuất huyết henoch
Ban xuất huyết Henoch-Schoenlein là tình trạng viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến kháng thể IgA và ảnh hưởng trên trẻ em, đặc biệt ở trẻ từ 3 - 10 tuổi.
Hỏi: Xin cho biết về bệnh xuất huyết Henoch-Schoenlein, nghe nói trẻ em mà xuất huyết da trong bệnh này thì rất nguy hiểm?
(Võ Thu Thủy - Ninh Thuận)
Trả lời: Ban xuất huyết Henoch-Schoenlein được mô tả từ những năm 1800, đây là một tình trạng viêm mao mạch dị ứng thường xảy ra sau nhiễm khuẩn hô hấp trên. Tác giả Schoenlein là người đầu tiên mô tả sự kết hợp giữa ban xuất huyết cấp và viêm khớp ở trẻ em vào năm 1837 và Henoch thì tường trình về biểu hiện đau bụng và viêm thận vào năm 1847, sau đó thì người ta kết hợp tên của hai tác giả để đề cập đến bệnh lý nêu ở trên.
Ban xuất huyết Henoch-Schoenlein là tình trạng viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến kháng thể IgA và ảnh hưởng trên trẻ em, đặc biệt ở trẻ từ 3 - 10 tuổi. Ở Bắc bán cầu thì bệnh thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng giêng, thường gặp ở trẻ nam. Có từ phân nửa đến hai phần ba trường hợp trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp trên trước khi bị ban xuất huyết Henoch-Schoenlein từ 1 - 3 tuần và gần như các trường hợp bệnh đều ở thể nhẹ với biểu hiện sốt cao trên 38 độ C nhưng có đến một phần ba bị tái phát.
Ban xuất huyết Henoch-Schoenlein
Viêm mao mạch xảy ra được cho là do kháng thể IgA sản xuất ra bởi bạch cầu, các kháng nguyên có thể kích thích sản xuất nhiều IgA là từ thức ăn, huyết thanh ngựa, côn trùng cắn, thuốc (ampicillin, erythromycin, penicillin, quinidine, quinine) hoặc do nhiễm trùng (Haemophilus, Parainfluenzae, Mycoplasma, Legionella, Yersinia, Shigella, Salmonella), virút (Adenovirus, EBV, Parvovirus, Varicella), vắc-xin (tiêu chảy, thương hàn, sởi)…
Thực tế cho thấy bệnh ban xuất huyết Henoch-Schoenlein rất hiếm gây tử vong vì sau khi phát hiện thì được điều trị đáp ứng. Bệnh nguy hiểm khi tổn thương cơ quan thận và đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhi tử vong. Ước lượng chỉ khoảng 2% các trường hợp ban xuất huyết Henoch-Schoenlein diễn tiến đến suy thận, khoảng 20% các trường hợp nặng cần phải được chạy thận nhân tạo. Ở những bệnh nhân bị ban xuất huyết Henoch-Schoenlein có biểu hiện ở thận rất thay đổi, tiểu máu và tiểu đạm hay gặp và sẽ tự giới hạn. Hay gặp là tình trạng viêm thận cấp hoặc hội chứng thận hư kết hợp.