Phù toàn thân vì hội chứng thận hư
Khi mắc phải hội chứng thận hư, người bệnh có thể gặp các biến chứng như suy dinh dưỡng, suy thận, nhiễm khuẩn, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, giảm calci máu...
Phát hoảng vì... bị phù
Anh Xuân Đoàn, 30 tuổi ở Hải Dương cách đây hơn một tháng, thấy cơ thể bắt đầu bị phù, đi tiểu ít và lúc nào cũng mệt mỏi mới vào Bệnh viện 103 khám. Anh tá hỏa khi được bác sỹ chẩn đoán bị mắc hội chứng thận hư từ lâu.
Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng mắc hội chứng thận hư. Chị Hoàng Anh ở (Ba Đình – Hà Nội) không khỏi buồn rầu khi cô con gái chưa đầy 3 tuổi của mình bị hội chứng thận hư khiến mặt mũi sưng vù. Hai vợ chồng chị phải đưa cháu đến khám và điều trị thường kỳ tại BV Nhi TƯ.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, Giảng viên khoa Nội ( Học viện Quân Y), cho biết, thận hư là hội chứng lâm sàng và sinh hoá được đặc trưng bởi: protein niệu nhiều hơn 3,5g/24giờ, protein máu giảm dưới 60g/l, albumin máu giảm dưới 30g/l, lipit máu tăng và có phù. Đây có thể là một giai đoạn tiến triển của bệnh viêm cầu thận, cầu thận cấp… Một người bình thường trong máu chỉ có 70g protein/l, trong khi mỗi ngày tiểu tới 10g thì sẽ hết rất nhanh protein trong máu. Gan và cơ thể tổng hợp lượng này không kịp để bù vào thì protein, albumin giảm thấp gây phù nặng.
Biểu hiện đặc trưng của hội chứng thận hư là phù toàn thân. Phù xuất hiện nhanh trong vòng vài ngày, phù trắng, mềm, ấn lõm, không đau, xuất hiện ở mặt sau đó lan ra toàn thân. Tiểu ít, có thể kèm tăng huyết áp, tiểu ra máu. Xét nghiệm cho thấy đạm thất thoát qua nước tiểu lớn hơn 3 g/24 giờ.
“Khi mắc phải hội chứng thận hư, người bệnh bị mất nhiều protein qua nước tiểu và gây ra các rối loạn sinh hóa. Lượng đạm trong máu giảm gây ra hiện tượng phù quanh mi mắt, bụng, chân. Toàn thân da xanh, mệt mỏi, chán ăn. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như : suy dinh dưỡng, suy thận, nhiễm khuẩn, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, giảm canxi máu... Trẻ em mất nhiều protein sẽ suy dinh dưỡng không phát triển được. Ngoài ra tiểu nhiều gây ra mất yếu tố đông máu gây biến chứng tắc mạch, dễ nhiễm khuẩn. Có thể gặp nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phúc mạc tiên phát, zona và các loại vi khuẩn khác” – PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho hay.
Khi mắc phải hội chứng thận hư, người bệnh có thể gặp các biến chứng như suy dinh dưỡng, suy thận, nhiễm khuẩn, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, giảm calci máu... Ảnh minh họa
Không phát hiện sớm, suy thận càng nhanh
Theo PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, hội chứng thận hư điều trị thường phức tạp và kéo dài. Nếu không phát hiện sớm mà để lâu thì sẽ khiến tình trạng suy thận tiến triển nhanh hơn. Bởi vậy, khi có các triệu chứng như trên, mọi người nên nhanh chóng tới các bệnh viện để được khám và chữa trị kịp thời. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tiến hành các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu. Khi cần thiết sẽ được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm cao cấp tiếp theo như sinh thiết thận. Việc điều trị nhanh chóng hội chứng thận hư sẽ giúp khống chế bệnh trong giai đoạn bùng phát, hạn chế tái phát, làm chậm tiến tới suy thận.
Bệnh sinh của hội chứng thận hư là tổn thương cầu thận do phức hợp miễn dịch, do đó điều trị cơ bản là dùng thuốc corticoid, nếu không có tác dụng sẽ được dùng một số thuốc ức chế miễn dịch khác. Mọi người không nên tự ý dùng thuốc vì một số thuốc điều trị trong hội chứng thận hư có những tác dụng phụ nguy hiểm.
Hội chứng thận hư diễn biến có thể lâu dài nên bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Trong thực tế có nhiều người sau khi uống thuốc thấy hết phù, nghĩ rằng bệnh đã khỏi nhưng hết phù không có nghĩa là bệnh đã hết mà phải căn cứ vào xét nghiệm máu và nước tiểu mới có thể kết luận về tiến triển của bệnh.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống. Người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc ăn nhạt, hạn chế muối và nước khi có phù, tăng huyết áp. Cung cấp đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể và bù lại lượng protein mất đi qua nước tiểu. Khi suy thận thì hạn chế protein.