Trẻ dù thông minh tới đâu nhưng thiếu yếu tố này cũng khó thành công – Cha mẹ biết sớm để rèn luyện cho con

Ứng Hà Chi ,
Chia sẻ

Nếu trẻ thiếu đi yếu tố này sẽ khó đạt được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nhiều đứa trẻ dù rất thông minh nhưng khi lớn lên không thành công trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Trẻ có tính sáng tạo cao nhưng không chủ động thực hiện. Trẻ có thể làm tốt mọi việc nhưng luôn trì hoãn, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Điều này vô tình khiến đường đời của trẻ gập ghềnh, nhiều chông gai. Những đứa trẻ như vậy đều có một đặc điểm chung là thiếu tính kỷ luật, tự giác. 

Ngược lại, một đứa trẻ có kỷ luật tự giác tốt thường đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong cuộc sống. Có kỷ luật mạnh mẽ đồng nghĩa với việc trẻ có thể kiềm chế bản thân trước nhiều cám dỗ. Từ đó dẫn đến việc trẻ hành động tốt hơn và tác động tích cực đến cuộc sống. 

Có tính kỷ luật dẫn đến nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nó giúp trẻ phát triển tốt các kỹ năng cần thiết khi trưởng thành. Bởi kỷ luật bản thân khiến trẻ tập trung vào các mục tiêu của mình và luôn biết cố gắng. Kỷ luật bản thân đem lại một số lợi ích như: Biết hành xử đúng mực, rèn luyện được các thói quen tốt, khắc phục tính xấu, dễ đạt được mục tiêu.

Các bậc phụ huynh có thể tham khảo các cách sau trong việc giúp con hình thành tính kỷ luật, tự giác. 

1. Từ bỏ sự ép buộc, cho trẻ cơ hội tự chủ

Một bà mẹ nọ từng than phiền trên mạng xã hội: "Từ khi con còn nhỏ, tôi đã đặt ra cho con nhiều nguyên tắc. Chẳng hạn như sau khi đi học về, con phải hoàn thành ngay bài tập về nhà. Hay mỗi sáng con phải dậy sớm học bài, ghi lại công việc đã thực hiện trong 1 tuần",… Dù bị ép vào khuôn khổ nhưng đứa trẻ chẳng có thành tích nổi bật. Hơn nữa khi càng lớn, đứa trẻ càng xa lánh mẹ, không muốn tâm sự, trò chuyện. 

Về vấn đề này, nhà giáo dục Đào Hành Tri đã chia sẻ: "Nếu lúc nào cha mẹ cũng kiểm soát, ép buộc thì trong trẻ sẽ nảy sinh tâm lý nổi loạn. Mọi đứa trẻ đều mong muốn được tự chủ. Chỉ bằng cách từ bỏ sự kiểm soát, mọi yêu cầu và dành sự tôn trọng mới giúp trẻ hình thành tính kỷ luật, tự giác. Khi tâm lý thoải mái, trẻ sẽ hoàn thành công việc mà không cần thúc giục".

Trẻ dù thông minh tới đâu nhưng thiếu yếu tố này cũng khó thành công – Cha mẹ biết sớm để rèn luyện cho con - Ảnh 1.

Thiếu tính kỷ luật, tự giác trong học tập cũng như trong việc khác đang là tình trạng nhiều đứa trẻ mắc phải. (Ảnh minh họa)

2. Để trẻ nhìn thấy hậu quả

Phương pháp để trẻ nhìn thấy hậu quả mang lại hiệu quả gấp 100 lần so với những lời cằn nhằn, buộc tội. Cha mẹ hãy để trẻ tự gánh hậu quả, trải nghiệm thất bại khi không nghe lời. 

Chẳng hạn như nếu trẻ dậy trễ, trẻ sẽ muộn học và bị cô giáo phê bình trước lớp. Nếu trẻ làm bài cẩu thả, trẻ sẽ bị điểm kém. Nếu trẻ không ôn bài chăm chỉ trước kỳ thi, trẻ có nguy cơ bị rớt thứ hạng. 

Cho dù cha mẹ chỉ ra trước mối nguy hại và nhắc nhở thường xuyên cũng không hiệu quả bằng việc để trẻ nếm trải thất bại. Chỉ bằng cách trải nghiệm thực tế, trẻ mới rút ra được bài học cho mình. Trẻ sẽ hiểu đâu là điều đúng, điều nên làm. Từ đó, sự tự chủ, tự lập trong trẻ được hình thành.

3. Trao cho trẻ món quà tinh thần

Cha mẹ nào đang giữ thói quen thưởng quà hay cho trẻ tiền tiêu thì nên bỏ ngay. Bởi cách làm này chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian đầu. Còn về sau, trẻ sẽ nảy sinh thói quen xấu là "mặc cả" và "thương lượng các điều khoản". Lúc này, trong trẻ hình thành tâm lý: Học tập, làm việc vì phần thưởng. Nên khi không có phần thưởng, trẻ không còn hứng thú, mất đi động lực học tập và làm việc.

Thay vì thưởng bằng vật chất, cha mẹ hãy trao phần thưởng tinh thần. Chẳng hạn bạn có thể dành lời động viên, thể hiện sự khích lệ qua ánh mắt hay trao cho trẻ cái ôm ấm áp. Bạn cũng có thể dẫn trẻ đi xem phim, tham gia hoạt động thể thao hay tặng cho trẻ một chuyến đi dã ngoại mà trẻ đã mơ ước từ lâu. 

Hãy để trẻ cảm thấy hạnh phúc, hài lòng, mãn nguyện trước món quà. Phần thưởng càng phong phú, trẻ sẽ không cảm thấy nhàm chán. 

Trẻ dù thông minh tới đâu nhưng thiếu yếu tố này cũng khó thành công – Cha mẹ biết sớm để rèn luyện cho con - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

4. Khám phá những điểm sáng và cho trẻ lời khen tích cực

Ông Martin – Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Edinburgh từng chia sẻ: "Gần 90% những người có thành tích vượt trội chưa hẳn do thông minh bẩm sinh mà đều nhận được những lời khen tích cực khi còn nhỏ". 

Ngôn ngữ của cha mẹ có tác động sâu sắc đến trẻ. Nếu cha mẹ dành cho trẻ lời phản hồi tiêu cực hay "dán nhãn" xấu thì trẻ sẽ càng trở nên chây lì. Không ít phụ huynh thường dành cho con mình lời nói độc hại như: "Tại sao con lại bất cẩn như vậy?", "Tại sao con lười biếng?",… Những lời này vô tình khiến trẻ tin đó là sự thật và trở nên mặc cảm với bản thân. 

Nhưng nếu cha mẹ thường dành cho con những lời khen như: "Hôm nay con đã hoàn thành bài viết đúng hạn", "Mẹ mừng vì con rất siêng năng, chăm chỉ. Nhất định con sẽ trở thành một người có kỷ luật trong tương lai",… Những lời khen tích cực và sự kỳ vọng ở cha mẹ sẽ là nguồn động lực giúp trẻ chinh phục mục tiêu lớn lao.

Nếu bạn muốn con mình trở nên tốt hơn thì hãy tập trung vào những điểm tích cực ở trẻ. Và đừng quên dành cho trẻ những lời khen, lời động viên. 

 5. Cha mẹ cần cho trẻ thời gian để thay đổi

Việc hình thành thói quen tốt không thể diễn ra trong một sáng một chiều. Nếu muốn giúp con hình thành tính kỷ luật, tự giác, cha mẹ cần cho trẻ thời gian thực hiện. 

Trước tiên, cha mẹ cần hạ thấp yêu cầu và để trẻ có thời gian thay đổi. Sau khi trẻ làm xong, cha mẹ cần kịp thời khen ngợi và tăng dần yêu cầu để trẻ trở thành một người thực sự có kỷ luật với bản thân.

6. Hiểu nhu cầu của trẻ trước để giải quyết vấn đề

Chắc ai cũng từng rơi vào trường hợp bực tức khi thấy con ngồi cả tiếng đồng hồ nhưng không giải được bài toán hay viết xong một bài văn. Trong trường hợp này, hầu hết các ông bố bà mẹ đều không giữ được bình tĩnh rồi quát mắng con. Thực tế, nhiều đứa trẻ không phải do lười biếng mà không biết sẽ giải bài tập hay viết văn ra sao. Trẻ đang bị bí ý tưởng và cần được giúp đỡ. 

Khi trẻ có hành vi chưa tốt, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là ngừng chỉ trích, trách móc, trừng phạt mà hãy chấp nhận khuyết điểm của trẻ. Hãy tìm hiểu nhu cầu tâm lý khiến trẻ dẫn đến hành vi như vậy. Có phải trẻ không tự giác trong học tập là do thiếu hứng thú không? Hay trẻ ghét việc bản thân bị cha mẹ thúc giục, bắt ép học quá nhiều? Hay trẻ đang gặp vướng mắc gì khó có thể vượt qua?

Chỉ bằng cách hiểu tâm trạng, suy nghĩ của trẻ mới giúp cha mẹ có cách giải quyết phù hợp. Và cha mẹ cần nhớ rằng: Để giúp trẻ hình thành tính kỷ luật, cha mẹ cần trao cho trẻ sự tôn trọng, tin tưởng và tình yêu thương.


Chia sẻ