Trẻ bị dị ứng sữa: Chẩn đoán và xử trí kịp thời để cứu trẻ
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị dị ứng với sữa. Tuy nhiên, lứa tuổi bị dị ứng nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi (khoảng 2-3% trẻ nhỏ).
Mới đây, chia sẻ của một ông bố về biến cố kinh hoàng mà gia đình anh đã trải qua. Cách đây 1 tuần, Anh Lê Huy Dương vốn là một dược sĩ (công tác tại khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa) trải qua một phen hú hồn khi xử lý chuyện dị ứng sữa ngoài của cô con gái mới 5 tháng tuổi. Sau khi đưa con vào viện cấp cứu, khai thác lại kỹ về tiền sử dị ứng của bố mẹ, tình cảnh lâm sàng và các chẩn đoán các bác sĩ kết luận con gái anh bị sốc phản vệ là chính xác. Tình trạng bé hết sức nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Nhưng rồi, đúng là phép màu đã xảy ra. Cuối cùng, em bé cũng được cai máy thở, cai lọc máu, tình trạng tiến triển đi lên và được ra khỏi phòng cách ly.
Câu chuyện của anh chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả những cha mẹ có con bị dị ứng sữa ngoài.
Dị ứng là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể lên một vật thể lạ. Đối với trẻ nhỏ, dị ứng đạm sữa có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bé tấn công lại các protein trong sữa. Khi đó, cơ thể bé không hấp thụ được các protein trong sữa (chủ yếu là sữa công thức) nên dẫn tới các biểu hiện phản ứng mà chúng ta gọi là sốc phản vệ. Mức độ nghiêm trọng của phản ứng được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện của dị ứng.
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị dị ứng với sữa. Tuy nhiên, lứa tuổi bị dị ứng nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi (khoảng 2-3% trẻ nhỏ). Một số trẻ sau khi lớn vẫn còn mắc phải tình trạng này. Và hầu hết các trường hợp là dị ứng với sữa ngoài.
Một số dấu hiệu thường gặp của dị ứng đạm sữa
Biểu hiện có thể gặp khi trẻ bị dị ứng sữa cũng khác nhau ở từng thời điểm, từng đối tượng. Một vài trường hợp chỉ có những biểu hiện nhẹ và ảnh hưởng đến một vài bộ phận trên cơ thể như nổi mề đay trên da nhưng cũng có trường hợp nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Một số biểu hiện có thể gặp khi trẻ bị dị ứng sữa bao gồm:
- Thở khò khè;
- Khó thở;
- Ho;
- Khàn tiếng;
- Cổ họng có cảm giác bị bóp nghẹn;
- Đau bụng;
- Buồn nôn;
- Bị tiêu chảy;
- Đau rát, chảy nước mắt, sưng mắt;
- Nổi mề đay;
- Mẩn đỏ;
- Sưng tấy.
Làm gì khi trẻ có các dấu hiệu dị ứng đạm sữa?
Dị ứng sữa rất khó phát hiện. Ngay khi thấy con có một hoặc hơn các triệu chứng như trên, cần đưa ngay trẻ đến bác sĩ. Thông thường bác sĩ sẽ tham chiếu tiền sử bệnh của gia đình như là một trong những khả năng để phỏng đoán có yếu tố di truyền trên những triệu chứng của bé hay không. Sau đó bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và phân, làm các xét nghiệm da để có thể xác định bất kì chẩn đoán nào.
Muốn biết chính xác trẻ có bị dị ứng đạm sữa không thì cần làm gì?
Để chẩn đoán bệnh, khi cháu có triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa, bác sĩ sẽ xét nhiệm máu, xét nghiệm dị ứng da và khuyên cháu kiêng đạm sữa bò trong 2 tuần. Nếu các triệu chứng chỉ trở lại sau khi dùng lại sữa, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán.
Xử trí dị ứng với đạm sữa bò
Theo chia sẻ của bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, hầu hết các sản phẩm sữa công thức, sữa bột trên thị trường đều làm từ sữa bò. Dị ứng sữa bò là dị ứng thực phẩm phổ biến trong giai đoạn sơ sinh và trong những năm đầu đời.
Theo các hướng dẫn của Hiệp hội Nhi khoa, Tiêu hóa, Gan và Dinh dưỡng Châu Âu (ESPGHAN) và Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ (AAP) về xử trí dinh dưỡng cho trẻ nhũ nhi dị ứng đạm sữa bò, Hội Nhi Khoa Việt Nam và các chuyên gia y tế nhi khoa đã thống nhất đưa ra hướng dẫn xử trí dinh dưỡng cho dị ứng đạm sữa bò tại Việt Nam như sau:
– Trẻ dưới 12 tháng tuổi: Thức ăn chủ yếu là sữa và sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ trong độ tuổi này. Cách duy nhất để xử trí dị ứng đạm sữa bò là hoàn toàn tránh sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò có thể gây dị ứng cho khỏi chế độ ăn. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không có sữa mẹ thì cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần toàn phần từ 2 đến 4 tuần.
Nếu sau thời gian trên tình hình của trẻ được cải thiện thì cho trẻ thử lại sữa công thức thông thường từ đạm sữa bò. Nếu trẻ xuất hiện lại triệu chứng dị ứng sữa bò thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân toàn phần ít nhất 6 tháng đến 12 tháng. Sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần đã được kiểm nghiệm lâm sàng về an toàn, hiệu quả và được đề nghị sử dụng trong điều trị dị ứng đạm sữa bò trong thời gian dài. Sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt chứa đạm thủy phân toàn phần chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng, chứa đủ hàm lượng DHA (17mg/100kcal) và ARA (34mg/100kcal) cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch.
– Lưu ý khi trẻ được 1 tuổi hoặc tùy vào tình trạng của trẻ, có thể được thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng thông thường chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Điều này phải được thực hiện tại cơ sở y tế đầy đủ thiết bị và được theo dõi kỹ lưỡng để đảm bảo xử trí kịp thời nếu tình trạng dị ứng vẫn còn. Nếu không có phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa.