Trẻ bị bố mẹ bạo hành đến chết ngày càng nhiều và hậu quả đáng lo bởi quan niệm “con cái sống với cha mẹ ruột là tốt nhất” ở Hàn Quốc
Ngày càng có nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, thậm chí là giết chết, bởi chính bố mẹ của chúng ở Hàn Quốc khiến chính phủ nước này không khỏi lo ngại.
Hồi 26/9 vừa qua, một đứa trẻ qua đời sau khi bị bố dượng không ngừng đánh đập suốt 20 giờ đồng hồ. Trong suốt quá trình đó, tay và chân của nạn nhân đều bị trói chặt.
Kết quả điều tra cho thấy, trong quá khứ, cảnh sát từng điều tra kẻ thủ ác 3 lần vì nghi ngờ bạo hành trẻ em. Hắn thậm chí còn bị nhận án tù treo vào năm 2017 và con trai riêng được giao cho trung tâm chăm sóc trẻ em. Sau khi được đưa trở về nhà chưa đầy 1 tháng thì đứa bé đáng thương ấy lại tiếp tục bị bố dượng bạo hành và lần này em đã mất mạng.
Hàn Quốc là một đất nước mang nặng tư tưởng Nho giáo luôn dạy con người phải hiếu thảo và tôn trọng người lớn tuổi. Người dân nơi đây quan niệm con cái thuộc về bố mẹ.
Theo dữ liệu của Bộ Phúc lợi công bố hồi đầu năm, có đến 80% trường hợp bạo hành trẻ em mà chính bố mẹ là những kẻ ác. Chỉ trong năm 2018, đã có đến 30 trường hợp trẻ qua đời vì bị bạo hành, 25 trong số đó bị giết bởi đấng sinh thành của mình. Những con số này chính là lời cảnh tỉnh đối với chính phủ, yêu cầu họ cần phải hành động để ngăn chặn bạo lực tại nhà và bảo vệ trẻ em trong chính gia đình của chúng.
Mức phạt nhẹ nhàng
Theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, chỉ có khoảng 1/4 những kẻ bạo hành bị kết án và phải trả giá cho hành vi của mình từ năm 1998 đến 2016. Hầu hết chúng đều chỉ bị án tù treo hoặc phạt tiền. Trường hợp những kẻ bạo hành đến nỗi giết chết nạn nhân thì có đến 20% trong số đó thoát khỏi án tù.
“Trong nhiều vụ, công tố viên quyết định không khởi tố bố mẹ vì nhận thấy đứa trẻ sẽ không có nơi cưu mang” - luật sư Kang Shin-up cho biết. Thỉnh thoảng, nạn nhân còn bày tỏ mong muốn được cho về nhà sống cùng bố mẹ.
Cũng theo Kang, xã hội Hàn Quốc vẫn chú trọng việc bảo vệ gia đình và quyền bố mẹ đối với con cái. Bằng chứng là trong bộ luật Hàn Quốc quy định, bố mẹ có quyền trừng phạt con cái như một cách để dạy dỗ chúng. Chính vì vậy nên các nhà hoạt động vì quyền trẻ em cả trong và ngoài nước đều không ngừng kêu gọi chính phủ loại bỏ điều luật ấy nhưng đến nay họ vẫn chưa thành công.
Trong những năm gần đây, hình phạt cho tội lạm dụng trẻ em đã đã tăng nặng hơn nhưng các trường hợp đó chỉ nằm trong số tối thiểu.
Tháng 9 vừa qua, 1 ông bố đã giết chết con trai 10 tháng tuổi bằng cách lắc và đẩy đứa trẻ dữ dội nhưng chỉ bị tù treo. Trước đó 2 tháng, 1 ông bố khác bị phạt 7 năm tù giam vì sát hại con ruột mới sinh không lâu vì bị đứa trẻ làm phiền trong lúc chơi game.
Hồi tháng 1/2019, 1 bà mẹ độc ác đã không ngừng đánh đập, nhốt con gái 3 tuổi trong phòng tắm giữa thời tiết lạnh giá trước khi ra tay đoạt mạng đứa trẻ. Mới đây, người phụ nữ này được giảm án tại phiên tòa sơ thẩm vì hoàn cảnh khó khăn.
Ngược lại, luật pháp Hàn Quốc quy định hình phạt khắc nghiệt đối với những trường hợp con cái giết bố mẹ. Bất kì ai vi phạm cũng sẽ nhận mức án phạt tối thiểu là 7 năm tù giam trong khi hình phạt tối thiểu cho hành vi giết người bình thường chỉ 5 năm.
Lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ trẻ em
Tỷ lệ trẻ bị bố mẹ bạo hành tăng cao cho thấy chính phủ gặp khó khăn trong việc phát hiện những trường hợp lạm dụng trẻ em tại nhà. Theo một quan chức của Cơ quan Bảo vệ Trẻ em Quốc gia, chỉ khi vụ bạo hành được đưa ra và lệnh tư pháp được ban hành, cơ quan chức năng mới có thể xử lsy và bảo vệ nạn nhân còn không thì họ không thể làm được gì.
“Có khoảng 3-4 trong số 1000 đứa trẻ bị bạo hành ở Hàn Quốc. Trong khi đó, thống kê ở các nước phát triển thì tỷ lệ trẻ có nguy cơ bị lạm dụng lên đến 9-10/1000. Tuy nhiên, đừng bị các con số đánh lừa bởi ở Hàn Quốc, người ta vẫn còn ngại việc báo cáo lên chính quyền và can thiệp vào chuyện riêng của các gia đình khác” - người này nói.
Dựa theo điều luật được ban hành vào năm 2014, các nạn nhân nhỏ tuổi bị bạo hành sẽ được cách ly khỏi bố mẹ tối thiểu là 1 năm và tối đa 4 năm. Trong thời gian đó, nếu không có dấu hiệu của bạo lực và bố mẹ yêu cầu được nhận lại con thì rất khó để tòa án có thể can thiệp và kéo dài thời gian bảo vệ những đứa trẻ. Việc theo dõi sau khi kết thúc vụ án thường là không tồn tại trong hệ thống hiện tại.
Mặc dù Luật Phúc lợi trẻ em yêu cầu cơ quan địa phương phải đến thăm hoặc gọi điện kiểm tra tình hình những đứa trẻ và bố mẹ của chúng nhưng vì thiếu tính kỷ luật nên không thể cưỡng chế hợp tác. Trong trường hợp những kẻ bạo hành nói dối thì cơ quan chức năng cũng không có quyền can thiệp vào chuyện riêng của gia đình người khác.
Không phải là bố mẹ và con cái nữa mà là những kẻ tấn công và nạn nhân
Các chuyên gia tin rằng quy định của chính phủ về việc giao trả nạn nhân bị bạo hành về chính gia đình của chúng là 1 trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ các vụ bạo hành lặp đi lặp lại ngày càng cao. Số liệu cũng ủng hộ ý kiến này với 81% trong hơn 22 nghìn vụ bạo hành trẻ em xảy ra sau khi những đứa trẻ được trả về gia đình mình.
“Chính phủ Hàn Quốc tin rằng những đứa trẻ được nuôi dạy bởi bố mẹ ruột là tốt nhất cho sự phát triển của chúng. Để làm được điều đó thì trước hết các bậc phụ huynh cần phải được giáo dục đúng cách trước khi rước con trở về chung sống. Thế nhưng, ngay cả điều kiện tiên quyết này cũng rất khó thực hiện” - Kong Hye-jung, người đứng đầu Hiệp hội bảo vệ lạm dụng trẻ em Hàn Quốc, cho biết.
Theo Kong, không rõ cơ quan chức năng dựa trên điều gì mà cho những đứa trẻ trở về vòng tay bố mẹ, người từng bạo hành chúng nhưng không thể phủ nhận các quyết định táo bạo ấy chính là nguyên nhân đẩy các bé đến con đường chết.
“Bé trai kia đã bị bố dượng liên tục bạo hành và cuối cùng là bị giết chết mới chỉ trở về nhà từ trung tâm chăm sóc trẻ em sau hơn 2 năm. Người bố dượng kia nhiều lần cho thấy hắn vẫn là mối nguy hại nhưng đứa trẻ vẫn được trả về cho gia đình dưới sự yêu cầu của hắn” - Kong nói.
Theo Lee Soo-Jun, giáo sư tâm lý tội phạm tại Đại học Gyeonggi, khi bố mẹ ra tay hãm hại con cái thì trường hợp đó đã không còn là quan hệ giữa đấng sinh thành và các con mà cần được xem là hung thủ và nạn nhân. Lee cũng tin rằng việc cần làm để ngăn chặn những vụ bạo hành trẻ em tại nhà là nhờ đến lực lượng cảnh sát.
“Cảnh sát cần phải sàng lọc và xem xét vụ việc có cần phải truy tố hay chỉ cần đưa những kẻ bạo hành đến các trung tâm giáo dưỡng” - Lee nói.
Tại Mỹ, khi trường hợp bạo hành hoặc bỏ bê trẻ em được báo cho cảnh sát thì cơ quan thực thi pháp luật hợp tác với các Dịch vụ xã hội trẻ em để giải quyết. Sau đó, họ sẽ tiến hành điều tra, bắt giữ những kẻ phạm tội trước khi đưa ra các cáo buộc hình sự thích hợp.
(Nguồn: Korea Herald)