Tranh cãi quanh câu chuyện thiếu 20.000₫ tiền xe của đôi vợ chồng già

Huyền Trang,
Chia sẻ

Câu chuyện về hai cụ già xin anh phụ xe bớt 20.000 đồng tiền vé xe khách đang khiến dân mạng tranh luận nảy lửa về tình người trong thời hiện đại.

Từ trang cá nhân của Facebooker Trần Đông Phương, câu chuyện hai ông bà cụ xin bớt tiền vé trên một chuyến xe khách, sau khi được một fanpage của giới trẻ đã gây tranh cãi nảy lửa. Câu chuyện ấy được viết giản dị thế này: “Đang trên xe về quê. Gặp hai vợ chồng cụ già người Thanh Hóa. Anh phụ xe thu tiền vé. Tới lượt hai cụ. 

-    Anh phụ nói: hai cụ 140.000 đồng.
-    Hai cụ: Chúng tôi đi viện về còn 120.000 đồng, cho chúng tôi xin.
-    Anh phụ: Chúng con không lấy đắt cụ đâu. Đúng giá.
Một chị ngồi bên cạnh rút ra 50.000 đồng nói: "Con biếu hai cụ". Mình ngồi kế bên chợt bật khóc, cũng lấy 50.000 đồng biếu hai cụ.
Chả hiểu sao lại khóc. Khóc vì sự lạnh lùng của anh phụ xe xử sự với hai cụ hay khóc vì cái nghèo và sự già nua khắc khổ trên khuôn mặt của hai cụ.
Rồi bất chợt nghĩ nhiều về bố và mẹ. Về những lời tâm sự về một người bố trong đêm nhạc hôm qua. Viết status này mà không cầm được nước mắt. Chỉ ước sau này có nhiều tiền để có thể đi làm từ thiện. Giờ vẫn còn nghèo quá...


Khi được chia sẻ lại trên một fanpage nổi tiếng, quản trị viên đã viết thêm trước câu chuyện lời bình: “Hai cụ đã lên tiếng xin, tại sao lại còn không cho? Ngày bé mình từng hỏi mẹ mình: Sao Chính phủ không in tiền rồi phát cho người nghèo hả mẹ, như thế thì sẽ không còn ai nghèo nữa?, mẹ mình chỉ trả lời đúng một câu: Làm như thế đồng tiền sẽ không còn giá trị”.

gây tranh cãi
Câu chuyện 20.000 đồng tiền xe còn thiếu gây tranh cãi trong cộng đồng mạng.

Câu chuyện tưởng như “nhỏ nhặt”, có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào trong cuộc sống của chúng ta bỗng trở thành ngòi nổ tranh cãi của dân mạng, mà tâm điểm là cách xử lý tình huống của anh chàng phụ xe. Đồng quan điểm với người kể lại câu chuyện này, không ít dân mạng lên án gay gắt câu nói cương quyết “Đúng giá” của anh phụ xe và cho rằng, anh ta quá ư vô cảm, lạnh lùng trước hoàn cảnh của hai khách hàng lớn tuổi. Nhiều người cho rằng, anh phụ xe có rất nhiều cách để giúp đỡ hai cụ như “du di” cho qua chuyện hoặc tự bỏ tiền túi ra cho, vì 20.000 đồng không phải là số tiền quá lớn.

Một người dùng mạng phân tích: “Được 20.000 đồng cũng không giàu lên được, cho hai người 20.000 đồng cũng không nghèo đi được. Đừng lấy cái lý do phải nuôi gia đình con ăn học, bố mẹ già cả hay gì gì đó, đã đi làm phụ xe thì đã là người đàn ông sức dài vai rộng, một ngày kiếm phải được mấy cái 20.000 đồng ấy chứ. Bố mẹ già ở nhà biết cũng ủng hộ việc đó nhé!”. Admin của fanpage chia sẻ câu chuyện trên lên tiếng: “Kể là 200.000 đồng đã đành, nhưng chỉ có 20.000 đồng thì không đáng để tính toán đâu. Mẹ mình nhiều lần cũng bảo, ăn trộm, ăn cắp thì không nói làm gì, nhưng gặp người nghèo mà họ đã mở miệng ra xin rồi thì nếu cho được, cứ cho”.

Facbooker Hoàng Dung cũng bình luận gay gắt: “Đây là xe khách chứ không phải xe bus, nó có sẵn bảng giá. Khách nhận vé thì phải trả đúng số tiền ghi trong vé. Còn những khách không nhận vé thì có thể trả giá, và vì khách không nhận vé làm căn cứ nên phụ xe và lái xe có thể chia nhau ăn số tiền đó mà chủ xe không hề hay biết. Nên, nếu như anh phụ xe có ý muốn giúp đỡ cụ thì chẳng cần xuất vé ra thì chủ xe chẳng có căn cứ để phạt anh ta.
Hai là, hai cụ này không phải là ăn xin mà là thiếu tiền bất đắc dĩ. Hai cụ cũng trả số tiền mà hai cụ đang có. Nếu là lừa đảo thì chẳng dại gì hai cụ bỏ ra 120.000 đồng để đi xin về 20.000 đồng.
Đúng là trên đời này chẳng thể tin ai, và 20.000 đồng đối với nhiều người là số tiền lớn, nhưng cũng tùy theo trường hợp mà hành xử.
Và không một ông phụ xe khách đường dài nào mà nghèo khổ tới mức vì 20.000 đồng mà vợ con bị đói đâu. Hãy thấy cảnh họ ăn nhậu sau khi chuyến đi kết thúc đi rồi hãy phán
”.

gây tranh cãi
Có hàng nghìn bình luận cãi nhau chí chóe về câu chuyện này.

Ngược lại với những ý kiến “ném đá” gay gắt, nhiều dân mạng ra sức bênh vực anh phụ xe, như ý kiến của Faceboker Anh Quân: “Cho thì anh phụ xe bị trừ lương thì sao? Biết đâu anh phụ xe cũng phải kiếm từng đồng nuôi con ăn học hay bố mẹ già yếu, cái gì cũng nên nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía. Đúng là ở Việt Nam, đi ngược lại dư luận thì chỉ có no gạch”. Bình luận này được hơn 1.500 lượt like ủng hộ. Nick Kiều Trang cũng cho rằng, hành động của anh phụ xe là hoàn toàn bình thường, vì: “Đầy người lên xe mặc cả kiểu đấy, phụ xe tưởng là ông cụ mặc cả thì sao? Ông bà mới nói một câu đã có người rút tiền cho chứ phụ xe đã làm căng gì đâu”. Một người khác cũng phân tích: “Thật sự mà nói thì nhiều khi 20.000 đồng cũng được hai bữa ăn đấy mọi người ạ, anh phụ xe kia cũng chỉ là kẻ làm thuê theo mệnh lệnh của cấp trên thôi, không trách anh ta được”.

Trước hàng trăm comment mắng nhiếc anh chàng phụ xe trong câu chuyện, “phe” bênh vực anh không chỉ nói về “thế kẹt” của người phụ xe (là người làm thuê, phải làm đúng nhiệm vụ, sợ bị phạt, sợ thất thu…), mà còn đề cập đến thái độ của những người mà họ gọi là “anh hùng bàn phím”. Nick Anh Nguyễn thẳng thắn bình luận: “Các bạn sống sướng nó quen rồi, 20.000 đồng hay 200.000 đồng chắc cũng là chuyện nhỏ, nhưng với nhiều người nghèo khổ từ nhỏ, họ rất quý trọng đồng tiền. Điển hình như mình, hồi nhỏ đi vác gạch cả buổi mới được 30.000 đồng, nên như mình thì mình cũng không cho”. Nick Thế Tùng cũng lên tiếng: “Thực ra cho hay không quyền người ta, ở đâu cái kiểu không cho thì bị chửi bới, bôi nhọ như thế này? Tôi làm phụ xe thì 20.000 đồng chứ 50.000 đồng vẫn cho, nhưng anh phụ xe kia cũng làm thuê, cho được thì tốt, không cho có gì sai?

Bình tĩnh hơn, thành viên Nguyễn Đình Quý phân tích: “Thu tiền là công việc của phụ xe, tiền họ thu không phải của họ nên họ không có quyền cho hay bớt. Nếu là người tốt thì họ sẽ bù 20.000 đồng tiền túi của mình vào. Nhưng các bạn thử nghĩ xem, chặng đường dài, ngày ngày họ đều phải trên xe làm việc chuyện gặp tình trạng người xin đi nhờ, kẻ khổ thật kẻ khổ giả... Các bạn có sẵn lòng bỏ tiền mình của mình ra nhiều lần không? Mà kẻ làm thuê thì đâu có giàu có gì. Đừng nghĩ bạn bỏ ra 20.000 đồng là nghĩ người ta vô cảm hơn bạn, nếu không thể thấu hiểu hoàn cảnh của người khác, thông cảm cho người ta thì bạn vẫn là đồ hẹp hòi hoặc quá nông cạn về nhận thức”.

Song song với cuộc khẩu chiến của hai “phe” bênh vực và lên án hành động của người phụ xe, cũng có những ý kiến rất công bằng như thế này: “Mình đọc thì thấy anh phụ xe nói chuyện rất tôn trọng hai cụ, đó là công việc và tình huống đó anh phụ xe đã gặp rất nhiều lần. Cũng như chúng ta đã vô cảm với những người nghèo khổ mời mua vé số đó sao, họ có mời nhưng chúng ta cũng có mua đâu, vì đó là những điều xảy ra với mình hằng ngày. Đừng trách anh phụ xe mà hãy cảm ơn hai người tốt bụng” – Facebooker Phạm Hồng Hiếu.

Quả vậy, hai hành khách lớn tuổi đi trên xe khách và người phụ xe, ai cũng có câu chuyện riêng, có cái khó riêng của mình, và có lẽ, thay vì đặt vấn đề sự thật đằng sau câu chuyện, chất vấn người phụ xe hoặc nghi ngở ông bà cụ cố tình bịa chuyện để làm mủi lòng người khác, hãy cứ mỉm cười, vì cuộc đời còn những tấm lòng đẹp, còn rung cảm trước sự khó khăn của người khác.

Chia sẻ