Tranh cãi nảy lửa chuyện đoàn Chữ thập đỏ bỏ về sau động đất ở Nepal
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin đoàn công tác của Hội chữ thập đỏ Việt Nam qua Nepal học cách ứng phó với động đất, nhưng ngay khi gặp động đất thật, đoàn lại quay về nước, trong khi nhiều công dân Việt vẫn đang mắc kẹt tại Nepal.
Thờ ơ trước việc nhân đạo hay cần tỉnh táo để cứu hộ?
Theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam gồm 10 người sang Nepal từ ngày 19/4 để học tập kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất của Nepal. Theo lịch trình, ngày 26/4, đoàn sẽ về nước, nhưng trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm 25/4 đã khiến lịch trình của đoàn bị thay đổi.
Trưa 28/4, họ là những người Việt đầu tiên gặp nạn ở Nepal trở về nước an toàn. Trước thông tin đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam bỏ về sau động đất, trên nhiều diễn đàn và trang cá nhân có rất nhiều ý kiến trái chiều. Một bên chất vấn, những người này sang Nepal để học cách ứng phó với động đất từ kinh nghiệm của nước bạn, và với tinh thần “chữ thập đỏ”, họ nên là những người Việt cuối cùng rời nước bạn, sau khi đã giúp đỡ bạn khắc phục hậu quả của trận động đất 7,8 độ richter ở Nepal.
Cô gái Việt nổi tiếng vì sống sót qua bão tuyết ở Nepal hồi năm ngoái, Võ Thị Mỹ Linh cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này trên trang cá nhân. Chia sẻ những câu chuyện về sự xông xáo của các tình nguyện viên quốc tế, những người bạn của Linh đang mắc kẹt tại Nepal sau động đất và tích cực giúp đỡ nước chủ nhà, cô gái trẻ có phần không đồng tình với sự trở về vội vã của đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam.
Một người dùng mạng có nick Nguyen Duy Minh cũng phân tích: “Cứu giúp người trong hoạn nạn là việc đương nhiên của bất cứ ai có tình thương với đồng loại. Trong thảm cảnh ở Nepal như thế, chắc chắn việc cứu giúp các nạn nhân không phải là việc chỉ dành cho những nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp hay những người chính thức được giao nhiệm vụ. Bất cứ ai làm được gì trực tiếp hay gián tiếp giúp các nạn nhân đều hợp với đạo làm người”.
Bạn Thuy Vinh Nguyen cũng chất vấn: “Ít nhất mục đích ở đây là đi học hỏi, không giúp được gì hay không có khả năng giúp thì cũng ở đó mà quan sát cách người ta ứng phó mà rút kinh nghiệm cho đất nước sau này chứ?”
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đó, nhiều người khác cũng cho rằng, cách xử lý tình huống như vậy là hợp lý. Nhà văn Tâm Phan – người có chồng tham gia cứu trợ Nepal sau thảm họa chia sẻ quan điểm: “Việc quyết định đi hay ở lại Nepal hoàn toàn là việc cá nhân của mỗi người, ta nên tôn trọng. Nó không liên quan gì đến đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác trong Hội Chữ thập đỏ. Nếu bạn đang trong vùng thảm họa, muốn ở lại làm tình nguyện viên giúp đỡ cứu người thì đó là quyết định của cá nhân bạn. Còn đoàn CTĐ Việt Nam sang tập huấn, kết thúc khóa tập huấn là phải về. Nếu ở lại, họ không có tư cách can thiệp như là người của Hội CTĐ mà chỉ là khách du lịch xin làm tình nguyện viên. Việc họ có được chấp nhận hay không là do Tổ chức ở Nepal quyết định. Chưa kể visa cấp cho họ dựa trên chương trình đã vạch sẵn và thư mời của Hội CTĐ Nepal (không bao gồm có động đất). Hết hạn visa mà họ vẫn cố tình ở lại (dù là để giúp ai) thì họ sẽ được coi là nhập cư trái phép, sẽ không có một Tổ chức nào nhận họ dù là làm tình nguyện viên. Nên nhớ trận động đất có thật này không nằm trong chương trình đào tạo. Mọi động thái ngoài chương trình tập huấn đều là tự phát cá nhân”.
Một người dùng mạng có nick Tàu Hủ Đá cũng cùng quan điểm trên và bình luận: “Theo cá nhân mình nghĩ thì họ về cũng có phần chấp nhận được, vì như trên báo đọc được thì cả đoàn đã phải dùng đến những chai nước suối và cả những gói mì tôm cuối cùng để tồn tại, bản thân họ còn túng thiếu cá nhân thì khó mà lo cho những nạn nhân khác, với lại những đoàn Hội chữ thập đỏ từ các nước khác cử sang không phải tự phát muốn giúp là giúp mà phải trang bị đầy đủ, liên kết với nước bạn, còn đây ta chỉ có người thôi, mà còn là người đang đi học, chưa có kinh nghiệm, từ lý thuyết đến thực tiễn cách xa nhau lắm không phải muốn áp dụng là được”.
Bạn Hồng Ngọc cũng phân tích: “Nói thật là em nghĩ các bác này về sẽ tốt cho đất nước bạn hơn. Ngày hôm qua đọc một bài viết của một người con Nepal xa nhà, họ bảo đại ý là hãy quan tâm một cách thiết thực: đừng gửi đến những thiện nguyện viên không thật sự có kinh nghiệm, bởi Nepal giờ đang thiếu quá nhiều thứ từ chỗ ở, thức ăn, nước uống. Sự hiện diện của quá nhiều người nước ngoài vô hình chung lại cướp đi những thứ lẽ ra có thể dành để cứu trợ cho người dân. Thực tế thì ở vùng vừa xảy ra thiên tai, người ta cần nhất ở các đoàn cứu trợ là thuốc men, lương thực, đồ dùng thiết yếu... Người cũng cần nhưng không thiếu. Đoàn này đi công tác nên làm gì có gì, ở lại thì nhìn thôi chứ làm được gì đâu, về cho đỡ chật chứ sao. Nước nào cũng thế, khi thiên tai xảy ra, việc đầu tiên là sơ tán mọi công dân về nước, sau đó muốn cứu trợ thì gửi đoàn chuyên nghiệp tử tế đến, với đầy đủ trang thiết bị cứu trợ và thuốc men, lương thực... chứ không thể gửi bừa vài người sang như thế được”.
Người trong cuộc lên tiếng
Về vấn đề này, trả lời trên Tri thức trẻ, ông Đoàn Văn Thái – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội chữ thập đỏ cho hay, đoàn của Hội chữ thập đỏ Việt Nam được cử sang Nepal không phải chỉ để học hỏi kinh nghiệm động đất mà là trong một dự án hoạt động phòng ngừa ứng phó thảm họa dựa vào cộng đồng nói chung, động đất chỉ là một phần trong đó.
Theo ông Thái, khi động đất xảy ra, “đoàn của Hội chữ thập đỏ Việt Nam ở trong khách sạn, anh em đã ngay lập tức mặc áo chữ thập đỏ và liên hệ quản lý khách sạn, hướng dẫn khách du lịch chạy ra ngoài sân theo tinh thần “chữ thập đỏ”. Ai không kịp chạy ra sân thì được hướng dẫn chạy ra những vị trí góc tường để có xảy ra vấn đề gì thì người còn an toàn. Bảo anh em bỏ bạn về là không đúng”.
Phát biểu về lý do đoàn Việt Nam trở về trong khi ở nước bạn, tình trạng động đất vẫn còn xảy ra, vị này cho hay: do không có phương tiện, không có cơ sở vật chất, không có liên lạc… nên đoàn không thể tham gia cứu trợ được. “Bản thân anh em trong đoàn chỉ quyên góp được một khoản tiền để ủng hộ anh em Nepal. Cũng có thành viên Hội chữ thập đỏ Nepal khi nhận được đề nghị của thành viên Việt Nam là ở lại, họ có bảo mình về nước để vận động ủng hộ đất nước Nepal vì còn lâu mới khắc phục được hậu quả này”.
Trả lời phỏng vấn VTV sau khi trở về Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Duy, điều phối viên chương trình Hội chữ thập đỏ Na Uy tại Việt Nam và ông Vũ Ngọc Kiên, cán bộ dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng” cũng chia sẻ những ký ức kinh hoàng về trận động đất cũng như cho rằng, mình đã học hỏi được kinh nghiệm thực tế quý báu trong sự cố này. Cũng theo VTV, đoàn không ở lại Nepal vì 2 lý do. Một là, đoàn đã cố gắng liên hệ với đoàn Chữ thập đỏ Nepal, nhưng họ đang phải giải quyết quá nhiều việc nên không thể làm việc với đoàn Việt Nam; hai là, chuyến đi của đoàn Việt Nam là phối hợp với phía Na uy tổ chức nên mọi hành trình phải tuân thủ chặt chẽ kế hoạch chung.
Liên quan tới tình trạng người Việt mất tích ở Nepal sau động đất: - Hai đoàn Công tác đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã đến Nepal bằng đường hàng không và đường bộ để tiến hành các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ công dân Việt Nam đang ở Nepal. - Ngoài đoàn 10 người của Hội chữ thập đỏ Việt Nam, chiều 28/4, có 2 người Việt đã đáp chuyến bay từ Nepal sang Malaysia an toàn; nhóm 6 người trong doanh trại quân đội sẽ về nước bằng máy bay vào ngày 6/5 tới. - Với nhóm 5 người đang bị kẹt trên đỉnh Namche, trưa 29/4, anh Lưu Lê Minh Khải, một thành viên trong nhóm cho biết, nhóm sẽ tự tìm cách xuống chân núi và tìm gặp đội cứu hộ ở chân núi. Tình hình sức khỏe, lương thực, nước uống và thuốc men của cả nhóm đều ổn. Dự đoán, khoảng 2 ngày nữa nhóm sẽ xuống được chân núi. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho biết, trong 2 ngày tiếp theo, tại đỉnh Namche sẽ có thể có mưa, tuyết rơi, nhiệt độ xuống mức thấp, ban ngày không quá 12 độ, ban đếm -5 - -4 độ. Thời tiết bất lời như thế có thể gây khó khăn cho nhóm khi tìm đường xuống núi. Tối 29/4, theo tin từ VTV, họ đã mất liên lạc với nhóm 5 du khách này. |