"Đi học kinh nghiệm ứng phó với động đất, gặp động đất thì ta đi về"
Trưa qua, đoàn công tác 10 người của Hội chữ thập đỏ Việt Nam mắc kẹt ở Nepal do động đất đã về đến Hà Nội an toàn. Đoàn sang để học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất của Nepal. Họ dự định về nước hôm 26-4 nhưng bị mắc kẹt lại do trận động đấtmột ngày trước đó.
Đã đành về theo lịch đã định trước, nhưng dư luận không thể không băn khoăn: Hội Chữ thập đỏ VN là một tổ chức mà tính thiện nguyện phải đặt lên hàng đầu, là những người luôn có mặt để trợ giúp người khác khi có thiên tai, thảm họa. Đoàn qua đây để học cách ứng phó với động đất từ kinh nghiệm của nước bạn, thế thì sao gặp động đất lại quay về?
Tại sao không ở lại xắn tay cùng người dân Nepal, giúp đỡ họ và qua đó học thêm kinh nghiệm? Nếu ở lại việc ăn ở có thể gây gánh nặng cho họ thì có thể liên hệ với bên nhà, và bản thân người làm công tác thiện nguyện thì phải biết làm thế nào để đối phó với những khó khăn trong sinh hoạt ở vùng thảm họa chứ.. Và nếu không giúp đỡ được người dân Nepal, việc quan sát cách vận hành guồng máy cứu trợ, giúp đỡ người dân của các lực lượng tại Nepal cũng là những bài học trực quan sinh động rất quý giá hơn bất kỳ sự học hỏi nào. Thế vì sao lại không làm? Vì sao lại trở thành những người Việt đầu tiên rời thảm họa khi còn bao nhiêu đồng hương của mình kẹt lại?
Mệt mỏi sau chặng bay dài, anh Nguyễn Xuân Duy, 43 tuổi, điều phối viên của Hội chữ thập đỏ Nauy tại Việt Nam đang kể chuyện thoát chết trong gang tấc. Ảnh: Vnexpress
Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, với chức năng của Hội chữ thập đỏ, khi mà VN chưa có lãnh sự tại Nepal, 10 nhân viên chữ thập đỏ VN nói trên hoàn toàn có thể trở thành một chiếc cầu nối giúp ngay chính những đồng hương VN của mình còn kẹt lại Nepal kết nối với lãnh sự quán tại Ấn Độ và gia đình và các cơ quan chức năng sở tại.
Trong tai ương ai cũng muốn về. Nhưng là những người có sứ mệnh trợ giúp người hoạn nạn thì không nên trở thành người đầu tiên quay về khi thảm họa xảy ra!