Tranh cãi ầm ĩ chuyện ca sĩ Lệ Quyên bị phạt tiền vì cho con tè vào túi nôn
Việc ca sĩ Lệ Quyên bị phạt 4 triệu đồng vì cho con tè vào túi nôn trên chuyến bay VN240 đã làm cư dân mạng ầm ĩ tranh cãi với 2 luồng ý kiến trái chiều. Ai cũng có những lập luận bảo vệ ý kiến của mình khá gay gắt.
Ngày 16/7/2015, trên chuyến bay VN240, hành trình TP Hồ Chí Minh – Hà Nội, khi máy bay đang giảm độ cao để hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, lúc này nếu cần thiết, hành khách vẫn có thể sử dụng nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, hành khách Vũ Lệ Quyên (ca sĩ Lệ Quyên, ngồi ghế 11B) và hành khách Lê Đức Huy (chồng ca sĩ Lệ Quyên, ngồi ghế 11C) đã cho con là L.K.A (sinh năm 2011, ngồi ghế 11A) đi tiểu vào túi nôn được trang bị trên tàu bay ngay tại vị trí ghế ngồi của hành khách.
Vì hành động này ca sĩ Lệ Quyên và chồng, mỗi người đã bị phạt tiền 4 triệu đồng. Sự việc này cũng khiến dân mạng nổ ra một cuộc tranh luận khá gay gắt với 2 luồng ý kiến trái chiều.
Những ý kiến cho rằng trẻ em không thể kiểm soát được việc đi tè của mình và trong trường hợp mà ca sĩ Lệ Quyên mắc phải thì nên được thông cảm.
Một phần cư dân mạng cho rằng, trẻ em ham chơi nó đến lúc mót quá mới nói, máy bay lại đang hạ cánh đi vào nhà vệ sinh rung lắc nguy hiểm, đây là trường hợp cấp bách, không nên soi vào việc đi tè của 1 đứa trẻ.
Bảo vệ ý kiến này, thành viên Nguyễn Tấn Thi bình luận: “Việc xử phạt hành chính là dựa trên hành vi vi phạm hành chính. Ai thực hiện hành vi vi phạm thì phạt người đó. Cô ca sĩ lấy túi nôn để hứng nước tiểu của con, tức cô ta đã ngăn chặn con tè làm bẩn sàn. Như vậy cô ta đã có hành vi tích cực chứ không có lỗi, hành vi này không phải là hành vi vi phạm hành chính để xử phạt. Vậy thì còn lại là hành vi tè của con cô ca sĩ mà không vô nhà vệ sinh. Chúng ta biết việc tè của trẻ con là hết sức tự nhiên, không thể cản được. Hơn nữa chỉ là đứa trẻ, chưa đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hành chính. Nói về mặt pháp luật, điều này là không thể xử lý được.
Về phương diện văn hóa, ứng xử. Chúng ta thấy thời điểm này là phải thắt dây an toàn, máy bay đang trong tình trạng hạ cánh (quy định là phải ngồi thẳng, thắt dây an toàn) nên việc bồng con đi trên hành lang máy bay có nguy cơ bị té, ngã… gây nguy hiểm. Cách hành xử của cô ca sĩ là hoàn toàn phù hợp với thời điểm đó, không thể khác được.
Cũng xin nói thêm rằng, các hãng hàng không đã không lường tình huống này để chăm sóc khách hàng, nếu buộc phải đi vào nhà vệ sinh trong khi vẫn bị buộc phải cài dây an toàn là vô lý, gây nguy hiểm cho khách hàng, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi, người khuyết tật. Nói vui là các hãng hàng không đã thiếu trang bị túi… tè cho trẻ em”.
Bạn Nguyễn Thu Trang cũng đồng tình: “Rõ khổ, ở hoàn cảnh thông báo “hạn chế sử dụng nhà vệ sinh” mà thằng nhỏ mót quá rồi thì phải làm sao? May là có cái túi nôn ở đó chứ không nó tè ra sàn thì lại mất ối tiền…”
Một số ý kiến cho rằng việc xử phạt là đúng và các bậc phụ huynh khác cũng nên rút kinh nghiệm.
Một số người cho rằng, việc xử phạt này hoàn toàn đúng, đặc biệt là có tính chất làm gương cho những hành khách khác, nếu không phạt, sẽ có rất nhiều trường hợp tái diễn việc cho con đi vệ sinh vào túi nôn ngay chỗ ghế ngồi, vừa gây mất thẩm mĩ, vừa không tôn trọng những hành khách khác và vi phạm vào quy định hàng không dân dụng.
Một facebooker bình luận: “Đừng cổ xúy cho hình ảnh không đẹp. Khổ nỗi dân ta đã quá quen tự do với chuyện này rồi nên thoải mái các kiểu. Mình cũng không bao giờ thấy các nơi văn minh người ta xi tè trẻ con ngoài đường bao giờ cả, còn ở thủ đô ta là chuyện thường ngày ở huyện. cái gì cũng phải học thì mới tiến được, nhưng cũng không dễ nhỉ, chúng mình cùng cố gắng vậy”.
Bạn Nguyễn Mỹ Hạnh bức xúc trích dẫn bài báo của nước ngoài viết về sự việc này, theo ý bạn Hạnh, người nước ngoài cho rằng đây là một hành động thiếu văn minh.
Một bạn khác cũng bất bình lên tiếng: “Con nhỏ thì đóng bỉm trước khi lên máy bay hay phương tiện công cộng, lớn chút thì xi tè khi máy bay ổn định, đừng mang kiểu sinh hoạt bần nông lên rồi lu loa. Có lỗi thì nhận lỗi, không lẽ đói được ăn vụng, túng làm liều à?”
Ai cũng có những lập luận của riêng mình và bảo vệ ý kiến cá nhân, song thiết nghĩ, đây cũng là một bài học để các bậc phụ huynh khác nắm bắt được khi cho con em đi máy bay hay các phương tiện giao thông công cộng khác. Đầu tiên là phải lường trước tình hình để chuẩn bị chu đáo nhằm tránh trường hợp vi phạm những luật lệ mà mình đôi khi vô tình không hề biết. Ngoài ra cũng là cách dạy cho con em mình biết những quy định ở nơi công cộng ngay từ khi còn bé, để trẻ có ý thức hơn.