Trần tình của cô gia sư cho con nhà siêu giàu: "Con họ học phí cả tỷ đồng nhưng vẫn quên trả tiền cho tôi"
Cô Blythe Grossberg chia sẻ về nghề gia sư cho những đứa trẻ đến từ gia đình giàu có tại New York, Mỹ trong một cuốn sách tên "I Left My Homework in the Hamptons".
Hầu như không có buổi dạy kèm nào trôi qua khi Lily, một học sinh trung học mà tôi dạy kèm, lại không nhận được một kiện hàng quần áo giá khủng. Quản gia của cô, Ruby, một người phụ nữ nghiêm nghị đến từ Barbados đang học để lấy bằng đại học, luôn bận rộn nhận các gói hàng từ J. Crew và Splendid. Điều này dường như khiến Lily vui sướng tạm thời trong khi vẫn phải viết bài và ôn tập toán với đội ngũ gia sư của cô bé ở hầu hết mọi môn học.
Lily là một cô gái hơi bụ bẫm với mái tóc vàng, làn da nhợt nhạt và đôi mắt xanh. Mẹ cô bé nhỏ nhắn và gầy gò, chị nói to rằng chị hy vọng "bí đao sẽ giúp Lily giảm bớt mỡ thừa". Mẹ cô có một cuốn lịch rất chính xác để các buổi dạy kèm của con gái được sắp xếp xen kẽ nhau một cách gọn gàng.
Ngay giữa các buổi dạy kèm, Lily xé toạc những chiếc hộp để lộ những bộ trang phục có vẻ quá nhiệt đới để mặc vào tháng Hai ở Thành phố New York. Chúng cũng có vẻ quá táo bạo khi mặc đến trường - chẳng hạn như bộ áo liền quần họa tiết da báo có lỗ khoét tay dài quá chiếc áo lót màu hồng của cô bé.
Học sinh tôi dạy kèm mặc quần áo xịn hơn tôi
Cô bé tự lập ngân sách và tự mình chọn quần áo. Em ấy cũng thích Comme des Garçons, và khiến tôi nhanh chóng yêu thích những đôi giày thể thao canvas cao cấp và những chiếc áo sơ mi thủy thủ có hình trái tim cho đến khi tôi phát hiện ra rằng những đôi giày đó có giá lên tới 135 USD (3,3 triệu đồng) (nhiều đôi có giá vài trăm đô la) và một chiếc áo thun cotton đơn giản có giá hơn 150 USD (3,7 triệu đồng). Tức là một giờ dạy kèm sẽ không đủ tiền mua chiếc áo đó cộng thêm thuế.
Tôi nhanh chóng quen với việc mặc quần áo rẻ hơn hầu hết những đứa trẻ mà tôi dạy và phụ đạo. Một cô bé lớp bảy hơi xấu tính có quần áo đẹp hơn tôi nhiều hỏi tôi: "Cô bới cái áo vest đấy ở đâu ra thế?". Đó là chiếc áo vest mà tôi nghĩ mình đã mua ở một trong những cửa hàng đồ cũ, chắc chắn không phải loại sang trọng, và mặc dù tôi không tự hào thừa nhận điều này, nhưng tôi không bao giờ mặc nó nữa.
Quần áo thường là một kiểu quà tặng đối với Lily. Mới 16 tuổi, cô bé đã có phong cách riêng và quần áo được dùng làm phần thưởng. Là con một, em thường không hài lòng với những chuyến công tác liên tục của bố mẹ và họ cho phép Lily lục tủ quần áo của mẹ để em không phàn nàn quá nhiều.
Cha mẹ cô bé trở về nhà từ Paris hoặc Tokyo với những bộ quần áo đắt tiền. Những ngày nghỉ với mẹ, một giám đốc điều hành bận rộn, cả hai thường dành thời gian để mua sắm, vì đó là cách mẹ em thư giãn. Lily và mẹ đi đến Đại lộ Madison và sau đó dừng lại để ăn gelato hoặc bánh ngọt tại Sant Ambroeus, chi nhánh New York của một tiệm bánh ngọt Milan cao cấp.
Đối với tôi, việc dạy kèm chính là kế sinh nhai
Mẹ của Lily, Lisa, chỉ chia sẻ tên tôi với những người bạn thân nhất, những người phụ nữ cùng tập Pilates với chị ấy, và tôi rất hãnh diện khi các bà mẹ nghĩ tôi là một kiểu gia sư cứu thế. Ngoài bà tôi ra, trước đây chưa từng có ai ban cho tôi sức mạnh như vậy.
Có một bà mẹ ở Đại lộ số 5 suýt nữa không thuê tôi khi tôi hỏi chị: "Chị sống ở phía nào của Đại lộ 5?" Chị ấy dừng lại một lúc lâu đầy đe dọa và trả lời một cách chua chát: "Chỉ có một bên phố". Tôi đã không nhớ rằng một bên của Đại lộ số 5 là lối vào Công viên Trung tâm và phía còn lại là khu đất vàng. Tôi đau khổ về sai lầm "nhà quê" suốt hơn một tháng, nhưng tôi vẫn nhận được công việc đó.
Đối với tôi, nhận được hợp đồng dạy kèm không chỉ là một niềm vui. Tôi chẳng cần bằng cấp hay chứng chỉ gì mà đối với tôi, chỉ việc đi dạy thêm mới giúp đủ chi phí trả tiền trông trẻ cho con trai tôi. Nó cũng là việc giúp tôi tự do vắt chéo chân mà không sợ để lộ lỗ thủng trên một đôi giày nát.
Nhưng tôi vẫn vật lộn trong việc thuyết phục các phụ huynh giàu có trả lương cho tôi đúng hạn
Bởi vì rất nhiều học sinh trường tư phải vật lộn với các lớp học với độ khó cấp đại học do các tiến sĩ giảng dạy, mà những người này lại không tin vào việc phụ đạo, nên ngành dạy kèm ở Manhattan và các vùng của Brooklyn cực kỳ phát triển.
Mức lương tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Có những gia sư tính phí vài trăm USD một giờ. Gia sư SAT và ACT có đẳng cấp riêng. Một số công ty đã nhảy vào mảnh đất vàng này nhiều năm trước với mức giá bắt đầu từ 300 USD và lên tới 800 USD - một giờ (7,3-20 triệu đồng).
Tôi tính phí từ 125 đến 175 USD (3-4,3 triệu đồng) mỗi giờ. Dù vậy, tôi có bảng giá linh hoạt cho các gia đình có nhu cầu và tôi đã tình nguyện dành thời gian làm gia sư cho các tổ chức giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được học trường tư hoặc giáo dục tương đương. Tôi cũng không bao giờ tăng mức phí của mình, mặc dù nhiều người nói với tôi rằng tôi nên làm vậy.
Bất kể giá nào, đôi khi rất khó để thuyết phục các gia đình thanh toán hóa đơn của họ, ngay cả những người có nhà ở Hamptons (Hamptons bao gồm khu nghỉ dưỡng đắt đỏ đến choáng ngợp ở cuối Long Island, nơi tôi không đủ tiền ăn trưa, chưa nói đến việc sống tại đó) và gửi con đến trường tư với học phí 50.000 USD (1,2 tỷ đồng) một năm mà không cần bất kỳ hỗ trợ tài chính nào. Ngay cả khi họ đồng ý trả số tiền này, họ cũng không thực sự thanh toán khi đến kỳ hạn. Hầu hết vẫn trả thôi, nhưng luôn có một vài người nhất quyết không trả.
Phụ huynh đôi khi dường như không biết rằng tôi ở một tầng thu nhập khác
Có một bà mẹ đã không trả tiền cho tôi suốt nhiều tháng. Trong khi đó, tôi thấy hình ảnh chị ấy trên các tạp chí bóng loáng xuất hiện tại các sự kiện xã hội. Kế toán của tôi bảo tôi quên khoản tiền đó đi, nhưng tính bướng bỉnh của Kim Ngưu trong tôi đã khiến tôi gọi cho bà mẹ siêu giàu này mỗi ngày trong hai tuần cho đến khi tấm séc 600 đô la - khi đó là một khoản tiền lớn đối với tôi - xuất hiện trong hòm thư của tôi, được viết từ tài khoản quản lý tài sản cá nhân của chị ấy.
Các bậc cha mẹ khác mất nhiều thời gian để thanh toán vì kế toán xử lý mọi khoản thanh toán họ thực hiện và họ thực sự không thể viết bất kỳ séc nào - hoặc đấy là họ nói vậy.
Các bậc cha mẹ khác không bao giờ đề cập đến tiền bạc. Khi tôi nói chuyện với họ về dịch vụ của mình, họ thậm chí còn không hỏi mức phí của tôi. Thật khó tin. Tôi cảm thấy lo lắng, không biết nên đề cập vấn đề đó khi nào và như thế nào, vì vậy tôi thường gửi cho họ một email thứ hai để nói cho họ biết mức phí. Thật ngạc nhiên là tiền không phải là thứ họ nói tới.
Họ dường như hoàn toàn vô tri về chi phí, giống như khi họ hỏi tôi có đến Hamptons vào mùa hè không. Loại câu hỏi này cho thấy không có nhận thức về những gì người bình thường kiếm được và mọi thứ có giá bao nhiêu. Một số bậc cha mẹ được thừa kế tiền, nhưng một số lại tay trắng làm nên. Chắc chắn họ phải nhận ra rằng giáo viên của con họ kiếm được dưới 100.000 USD.
Mặc dù mức giá trên nghe có vẻ nhiều ở quy mô quốc gia, nhưng ở thành phố New York thì không hề. Mức thu nhập đó hầu như không đủ trả tiền thuê một căn hộ hai phòng ngủ cơ bản và chi phí sinh hoạt, trừ khi ta đủ may mắn mua được một căn hộ nhiều năm trước khi nhiều khu dân cư ở New York được đô thị hóa.
Một bà mẹ từng nhìn đôi ủng đen của tôi và hỏi tôi: "Prada à?".
"Banana Republic", tôi trả lời, tự hỏi làm sao chị ấy có thể nghĩ rằng tôi có thể mua được đôi giày trị giá 800 USD. Banana Republic mà tôi đến là một cửa hàng mua sắm ở Massachusetts, nơi giá giày thấp hơn một chuyến taxi từ Brooklyn đến Manhattan.