Tràn lan kem đánh răng “rởm” gắn mác “xịn” siêu rẻ
Từ kem đánh răng “trần” tới loại gắn mác những thương hiệu “xịn” đều được tung ra thị trường với giá rẻ không ngờ. Nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của những loại kem đánh răng này được chuyên gia cảnh báo.
Lực lượng chức năng thu giữ lô kem đánh răng nghi giả
Giật mình kem đánh răng trôi nổi
Trong vai khách hàng tìm mối đổ buôn kem đánh răng giá mềm, PV Báo Giao thông được một đại lý chỉ ra chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Theo đó, tại một sạp hàng hóa mỹ phẩm, khách không khỏi choáng ngợp bởi đủ các loại kem đánh răng nội, ngoại. Giá cả cũng đa dạng không kém từ vài nghìn tới vài chục nghìn đồng. Đáng chú ý, một loại kem đánh răng với nhãn hiệu khá nổi tiếng dành cho răng nhạy cảm được quảng cáo là hàng xách tay Thái Lan chỉ có giá 26 nghìn đồng/tuýp 100ml, trong khi giá niêm yết tại siêu thị gần 60 nghìn đồng.
Được biết, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng vừa phát hiện lô hàng kem đánh răng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nghi là hàng giả. Cụ thể, đột nhập kho hàng tại Viện Bơm và thiết bị thủy lợi (ngõ 95, số 7, chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hơn 18.000 tuýp kem đánh răng mang nhãn hiệu Sensodyne loại 100 ml và 75ml được đựng trong các thùng các tông. Bao bì sản phẩm ghi được sản xuất tại Anh và toàn bộ thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Thái, không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tương tự, trên các trang bán hàng online, thị trường kem đánh răng giá rẻ cũng sôi động không kém. Tại một địa chỉ chuyên cung cấp bàn chải, kem đánh răng, xà bông cho các nhà nghỉ khách sạn, khi PV ngỏ ý đặt hàng thì được chủ cơ sở quảng bá: “Có nhiều loại lắm, nếu nhà nghỉ bình dân thì thường lấy loại 600 đồng/tuýp không nhãn mác; còn khách sạn từ 2 - 5 sao thì nên lấy hàng xịn hơn”. Theo đó, hàng xịn mà chủ cơ sở này quảng bá là loại kem đánh răng có nhãn hiệu Colgate Cavity Protection chỉ với giá 2 nghìn đồng/tuýp 5g. Bằng mắt thường cho thấy, “hàng xịn” mà cơ sở này quảng cáo là những tuýp đánh răng “trần” có in dòng chữ Colgate Cavity Protection, không rõ xuất xứ, không có hộp. Nếu khách đồng ý, hàng sẽ được đóng vào thùng các tông, mỗi thùng chứa 169 tuýp. “Chị yên tâm, hàng này là hàng công ty, khách sạn hạng sang mới dùng đó”, chủ cơ sở nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng tại kho hàng này, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 4 nghìn tuýp kem đánh răng nhãn hiệu Colgate và hơn 1 nghìn lọ kem mang nhãn hiệu Nivea.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Nguyễn Minh Ngọc (SN 1981, Hà Nội) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của lô hàng và khai nhận số hàng này được mua trôi nổi trên thị trường. Chia sẻ với PV, một cán bộ quản lý thị trường cho biết: “Lô hàng kem đánh răng bị phát hiện có nhiều dấu hiệu là hàng giả. Bởi nếu là hàng xách tay nội địa thì trên bề mặt sản phẩm chỉ sử dụng một ngôn ngữ, không thể vừa tiếng Anh lại vừa tiếng Thái được. Vì vậy, cơ quan chức năng đã tạm giữ để tiếp tục làm rõ sự việc”.
Dùng kem đánh răng giả, nguy hại khôn lường
Theo các chuyên gia, một tuýp kem đánh răng đạt chất lượng phải chứa đủ hàm lượng flour để có tác dụng làm răng chắc khỏe hơn và chống lại những tác động của axit trong thực phẩm đối với răng miệng. Ngoài ra, kem còn phải chứa những chất diệt khuẩn, gây tê, chất chống đóng cao răng, sodium bicarbonate, một số enzim có tác dụng tăng tính sát khuẩn của nước bọt và xylitol giúp tạo vị ngọt.
Tuy nhiên, đối với các loại kem đánh răng trôi nổi, hàng giả, hàng nhái, lượng flour trong sản phẩm thường bị vượt ngưỡng không những không diệt được khuẩn, còn có thể gây tổn hại men răng, tổn hại xương. Đáng nói, bất chấp lợi nhuận nên người sản xuất kem đánh răng giả thường sử dụng những nguyên liệu tạo màu, tạo bọt, diệt khuẩn… rẻ tiền. Những chất này đều chứa thành phần độc hại, không chỉ gây ảnh hưởng đến khoang miệng mà còn có thể thấm vào máu và tích tụ lâu dài.
PGS. TS. BS. Nguyễn Văn Đoàn, chuyên gia cao cấp trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Triclosan là chất hóa học thường được phát hiện trong các loại kem đánh răng giả. Chất này trước đây dùng để sản xuất thuốc trừ sâu và bị cho rằng có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp và ung thư. Bên cạnh đó, kem đánh răng kém chất lượng cũng thường chứa Natri Lauryl Sulfat giống xà phòng, có thể gây loét miệng, kích ứng da và mất cân bằng nội tiết tố; chất đường Sorbitol gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, làm đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy…
“Không chỉ kem đánh răng mà với tất cả các loại hóa mỹ phẩm khác, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm đã được công bố chất lượng, tại những địa chỉ tin cậy, thậm chí có thể yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ bất kể khi nào có nghi ngại. Ngoài ra, hiện danh sách những hóa chất độc hại trong hóa mỹ phẩm đều đã được công bố, người dùng nên đọc kỹ để tránh mua phải những sản phẩm có hại cho sức khỏe”, BS. Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo.