Trầm cảm khi mang thai: Nguy hiểm cho mẹ, bất lợi cho con

HN,
Chia sẻ

Trầm cảm khi mang thai là nỗi ác mộng của tất cả mẹ bầu vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động xấu đến tâm sinh lý của thai nhi. Do đó, hiểu được nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cả hai mẹ con.

Dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu bị trầm cảm khi mang thai

Khi có một trong những biểu hiện dưới đây, mẹ bầu không được chủ quan mà cần lưu ý bởi rất có thể mẹ đã bị trầm cảm khi mang thai:

- Luôn cảm thấy buồn bã, buồn nhiều hơn vui, tâm trạng không thoải mái, hay chán nản, bực tức;

- Dễ nổi giận vô cớ dù chuyện xảy ra không quá to tát để giận dỗi;

- Mẹ bầu thường xuyên cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng;

- Dễ khóc là biểu hiện điển hình của trầm cảm khi mang thai;

- Cảm thấy không còn hứng thú với những thứ mà trước đây bản thân rất yêu thích;

- Dễ kích động hoặc chậm chạp hơn hẳn so với trước đây;

- Khó ngủ hoặc mất ngủ trong thời gian dài;

Trầm cảm khi mang thai: Nguy hiểm cho mẹ, hại cho con - Ảnh 1.

Mẹ bầu bị trầm cảm thường có suy nghĩ tiêu cực, hay lo lắng

- Ngại tiếp xúc với những người xung quanh, kể cả bạn bè, người thân trong gia đình, có xu hướng cô lập bản thân;

- Có ý chống đối sự hướng dẫn của bác sĩ, không đi khám thai định kỳ;

- Có xu hướng thích sử dụng các chất độc hại như rượu bia, hút thuốc;

- Nhịp tim tăng nhanh, thi thoảng choáng ngất;

- Đôi khi còn suy nghĩ đến cái chết để thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng này.

Có một vài triệu chứng của trầm cảm rất giống với ốm nghén ở bà bầu. Mẹ hãy quan sát thật kỹ, nếu những triệu chứng này xuất hiện với tần suất nhiều và kéo dài thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Mẹ bầu bị trầm cảm nguy hiểm như thế nào cho cả mẹ và thai nhi?

Trầm cảm sau sinh tuy chỉ là các rối loạn tâm lý ở mẹ nhưng nó lại gây ra hậu quả rất lớn đối với mẹ bầu và cả thai nhi nếu không được điều trị kịp thời.

Nếu mẹ bầu mắc trầm cảm ở 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ cao gây sinh non, sảy thai, thai nhi phát triển kém, còi cọc, nhẹ cân, tiểu đường thai kỳ… Trường hợp nặng, bé có thể bị chậm phát triển sau khi sinh. Rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, chậm phát triển ngôn ngữ, thậm chí bị tự kỷ là những nguy cơ mà trẻ có thế gặp nếu mẹ bị trầm cảm khi mang thai.

Trầm cảm khi mang thai: Nguy hiểm cho mẹ, hại cho con - Ảnh 2.

Khi mang thai, mẹ bầu bị trầm cảm sinh ra em bé có nguy cơ cao bị tự kỷ.

Ngoài ra, khi bị trầm cảm, mẹ bầu sẽ có những suy nghĩ, lời nói, hành động thiếu tỉnh táo. Thậm chí có những mẹ bị trầm cảm nặng còn tự tìm đến cái chết trong phút chốc thiếu suy nghĩ.

Do đó, khi nhận thấy mình có những dấu hiệu của bệnh, mẹ nên đi khám bác sĩ ngay. Đừng chủ quan để bệnh tình diễn biến nặng hơn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Các biện pháp giúp mẹ bầu vượt qua trầm cảm

Trầm cảm khi mang thai rất nguy hiểm đối với bà bầu và thai nhi nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng nhiều cách khác nhau nhằm tăng hiệu quả điều trị. Mẹ bầu có thể tham khảo một số biện pháp sau:

Điều trị bằng thuốc

Khi nhận thấy mình có các dấu hiệu trầm cảm, mẹ bầu hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn sử dụng một số loại thuốc phù hợp. Trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm, mẹ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt… nhưng đừng quá lo lắng mà hãy tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Liệu pháp tâm lý

Mẹ hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ tâm lý, trò chuyện với người thân, bạn bè nhiều hơn. Hãy dành cho mình thời gian để thư giãn, đọc sách, thay vì suy nghĩ những vấn đề tiêu cực.

Trầm cảm khi mang thai: Nguy hiểm cho mẹ, hại cho con - Ảnh 3.

Người thân, bạn bè quan tâm, trò chuyện thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu hết trầm cảm

Đặc biệt, mẹ nên đảm bảo ngủ đủ giấc, 8-9 tiếng mỗi ngày để cơ thể được nghỉ ngơi và đảm bảo sức khỏe. Hãy làm những điều mình yêu thích thay vì ép bản thân làm những việc theo ý kiến của người khác để bản thân được cảm thấy vui vẻ, thoải mái nhất.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục không chỉ giúp mẹ cảm thấy khỏe khoắn, các cơ được hoạt động mà còn giúp tinh thần sảng khoái hơn. Mẹ được vận động, được ra ngoài giao lưu với nhiều người xung quanh sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn, tránh suy nghĩ tiêu cực.

Vai trò của người thân, bạn bè

Vai trò của những người thân xung quanh là rất lớn trong việc chữa trị trầm cảm cho mẹ bầu. Người thân, bạn bè, đặc biệt là chồng hãy dành cho phụ nữ mang thai sự quan tâm, động viên mỗi ngày. Chỉ cần nhận được sự quan tâm của những người xung quanh, chứng trầm cảm của mẹ sẽ dần biến mất.

Trầm cảm khi mang thai là mối nguy hại đối với cả mẹ bầu và thai nhi. Thậm chí đã có nhiều mẹ bầu trong một phút suy nghĩ tiêu cực đã tự kết liễu đời mình và cả em bé. Vì thế, phát hiện và điều trị sớm là việc làm vô cùng quan trọng để bảo vệ cả hai mẹ con.

Trầm cảm khi mang thai: Nguy hiểm cho mẹ, hại cho con - Ảnh 4.

Chia sẻ