Trầm cảm 15 năm vì bị cưỡng hiếp, nạn nhân xin được chết
Một nạn nhân bị cưỡng hiếp từ nhỏ tại Hà Lan được cho phép tiêm thuốc độc để chấm dứt cuộc sống vì cô không thể chịu đựng nổi các chấn thương tâm lý.
Trang Daily Mail ngày 12-5 đưa tin cô gái trẻ này, chỉ mới trong độ tuổi 20, được tiêm thuốc độc sau khi các bác sĩ và nhà tâm lý quyết định rằng chứng rối loạn căng thẳng và các tình trạng khác của cô đã vô phương cứu chữa.
Nạn nhân giấu tên này bắt đầu chịu đựng chứng rối loạn tâm lý 15 năm trước đây sau khi bị lạm dụng tình dục, theo các báo cáo được công bố của Ủy ban An tử Hà Lan. Mốc thời gian cho thấy cô bị cưỡng hiếp trong độ tuổi từ 5 đến 15.
Báo cáo cho biết nạn nhân, được tiêm thuốc độc vào năm 2015, mắc chứng rối loạn căng thẳng kháng lại quá trình điều trị. Tình trạng bệnh bao gồm chán ăn, trầm cảm kinh niên, thường muốn tự tử, có khuynh hướng tự làm bị thương bản thân, ảo giác và ám ảnh cưỡng chế.
Ngoài ra, nạn nhân cũng gặp nhiều khó khăn về thể chất và gần như nằm liệt giường. Chuyên viên tâm lý của cô cho biết: “Không có triển vọng hay hy vọng nào cho cô ấy. Bệnh nhân cảm thấy tình trạng đau khổ của mình không thể chịu đựng nổi”.
Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy 2 năm trước khi quyết định tìm chết cái chết, bệnh nhân được điều trị theo hướng mới và “tạm thời thành công một phần”. Đáng tiếc là phương pháp điều trị chuyên sâu này bị dừng lại 1 năm sau đó khi các chuyên gia tư vấn được mời đến và nhận xét trường hợp của bệnh nhân không còn hy vọng nào.
Ngoài ra, các tư vấn viên này cho biết thêm rằng mặc dù “không thể chịu đựng nổi” nỗi đau thể chất và tinh thần, bị trầm cảm lẫn tâm trạng thất thường, cô gái đáng thương trên vẫn hoàn toàn đủ sức đưa ra quyết định kết liễu cuộc đời mình.
Hình minh họa
Tin tức về trường hợp tuyệt vọng của cô gái này khiến các nghị sĩ quốc hội và những nhà hoạt động vì người khuyết tật tại Anh phẫn nộ.
Hôm 11-5, ông Robert Flello – nghị sĩ đảng Lao động Anh – lên tiếng chỉ trích đây là việc làm “khủng khiếp. “Nó gần như gửi đi thông điệp rằng nếu bạn bị tấn công tình dục dẫn đến tổn thương tinh thần, bạn sẽ bị trừng phạt bằng cái chết” – ông Flello bày tỏ ý kiến.
Bà Fiona Bruce – chủ tịch Nghị viện All-Party Pro-Life Group – bức xúc: “Bi kịch này cho thấy hình thức an tử không nên được hợp pháp hóa ở Anh. Điều người phụ nữ này cần, tại thời điểm tuyệt vọng khi vẫn còn quá trẻ, là sự giúp đỡ và ủng hộ để vượt qua khủng hoảng chứ không phải cái chết”.
Vụ việc xảy ra khi các tranh cãi tiếp tục xoay quanh vấn đề trợ tử ở Anh. Có nhiều người rời khỏi nước này đến các bệnh viện ở Thụy Sĩ để được chết một cách hợp pháp trong khi các thẩm phán và phiên tòa tại Anh có vẻ nghiêng về phía hợp pháp hóa hình thức trợ tử.
Chi tiết về vụ án ở Hà Lan được chính phủ đưa ra nhằm bào chữa cho luật an tử và chứng minh rằng hình thức này được thực hiện dưới sự giám sát y tế chính xác và đầy đủ.