"Bộ phim X-men khi tôi xem năm 16 tuổi đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy như đang thấy chính mình trên màn hình vậy và tôi muốn tham gia cùng họ, tôi muốn trở thành một phần của họ." là lời kể của nạn nhân trong vụ thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử.
Trong những thảm họa hạt nhân trầm trọng nhất lịch sử thế giới, chắc hẳn không thể không nhắc đến thảm họa Chernobyl tồi tệ đã xảy ra vào ngày 26/4/1986 khiến Ukraine trở thành một vùng đất nhiễm đầy phóng xạ và bụi phóng xạ hạt nhân. Vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân này ước tính đã phóng ra khí quyển bức xạ gấp 400 lần so với vụ ném bom nguyên tử lên 2 thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến thứ 2.
Theo thống kê của IAEA, vụ nổ nhà máy điện hạt nhân đã khiến 2 công nhân nhà máy phải thiệt mạng, sau đó có 28 kỹ sư và lính cứu hỏa đã chết vì hội chứng bức xạ cấp tính trong những tuần sau thảm họa. Sau vụ nổ, một đám cháy đã hoành hành và không được khống chế cho đến tận ngày 4/5, và trong khi đó, bụi phóng xạ hạt nhân đã bay vào không khí qua bầu khí quyển đến các vùng phía tây châu Âu và Liên Xô.
Phải đến 24 giờ sau thảm họa, các nhà chức trách mới bắt đầu ra lệnh sơ tán các cộng đồng xung quanh khu vực nhà máy Chernobyl. Tổng số người phải di tản khỏi khu vực này lên đến con số 340.000 người. Các báo cáo về ảnh hưởng sức khỏe lâu dài từ thảm họa không thống nhất, nhưng thực tế cho thấy vụ nổ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên khu vực có hàng triệu người sinh sống. Và hiện nay khu vực nhiễm phóng xạ nặng được gọi chung là "Vùng loại trừ".
Các chuyên gia cho rằng, những khu vực gần lò phản ứng hạt nhân sẽ không thể sinh sống được trong khoảng 3000 năm nữa. Thảm họa này cũng đã khiến cây trồng và vật nuôi xung quanh khu vực này bị đột biến hoặc có dấu hiệu bất thường. Theo một thống kê sơ bộ, có khoảng 7 triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ hạt nhân và ít nhất 25.000 người đã chết do phơi nhiễm phóng xạ. Số người còn lại hiện đang phải đối mặt với những biến chứng về sức khỏe.
Đối với Janina Scarlet, đây là một kí ức đầy đau khổ. Cô lớn lên ở Ukraine trong thời kỳ Xô Viết và vài tháng sau sinh nhật lần thứ ba, cô đã tiếp xúc với bức xạ của vụ nổ hạt nhân từ nhà máy Chernobyl. Điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch của cô, dẫn đến việc cô thường xuyên bị chảy máu mũi, đau nửa đầu, co giật và buồn nôn mãn tính.
"Đó là năm 1995, khi đó tôi 12 tuổi và là một học sinh mới của trường Brooklyn, New York. Vào thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: Chernobyl.