Trải nghiệm đắt giá khiến người trẻ thức tỉnh về quản lý tài chính và đa dạng thu nhập
Nhờ những trải nghiệm từng gặp trong quá khứ, người trẻ đã tiết kiệm được nhiều tiền hơn và chủ động đa dạng thu nhập.
Hầu hết người trẻ nào cũng được nhắc nhở về tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân song không phải ai cũng có thể kiểm soát túi tiền của mình hiệu quả. Tiêu tiền cho các chuyến du lịch, trải nghiệm cá nhân hay mua sắm bốc đồng... là vô vàn những nguyên nhân khiến người trẻ không đạt được mục tiêu tài chính đã đề ra.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc quản lý ví tiền, hãy thử lắng nghe câu chuyện của hai bạn trẻ dưới đây. Họ từng nhiều lần tiêu tiền sai lầm trong quá khứ, song đã gặp trải nghiệm khiến họ rút kinh nghiệm về tầm quan trọng của kiểm soát tài chính hiệu quả.
Nhận ra cần tiết kiệm tiền sau một lần đi chữa bệnh
Ngọc Ánh (23 tuổi, nhân viên Marketing) có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hiện cô nàng vẫn đang sống cùng bố mẹ ở Hà Nội. Hàng tháng, Ngọc Ánh đều đặn gửi phụ huynh 3.5 triệu đồng bao gồm tiền nhà, điện nước và tiền ăn uống.
"Đó không phải là một con số lớn. Trên thực tế, nếu mình sống riêng, từng đó tiền có lẽ chỉ đủ thuê nhà và chi trả điện nước, tất nhiên là trong trường hợp sống cùng bạn bè. Tuy nhiên, mình nghĩ bản thân đã đi làm hơn 1 năm và nên gửi bố mẹ một số tiền trong chi phí sinh hoạt hàng ngày. Để bố mẹ nuôi hoàn toàn khiến mình cảm thấy không thoải mái", cô nàng tâm sự.
Sau khi gửi bố mẹ, cô bạn còn khoảng 6.5 triệu đồng. Hiện mỗi tháng cô đều trích được khoảng 1 triệu đồng phòng trừ những trường hợp khẩn cấp.
Ngọc Ánh chia sẻ rằng do tính chất công việc cần ra ngoài gặp gỡ mọi người nhiều nên cô luôn phải chi tiêu cho việc ăn uống, cà phê hàng quán. Chưa kể, cô bạn cũng phải mua thêm quần áo để phục vụ công việc. Do vậy, có những thời điểm Ngọc Ánh gần như không tụ tập bạn bè, ai rủ cũng đều từ chối để dành tiền cho gặp gỡ công việc.
Với những người trẻ mới ra trường, việc để dành được một khoản tiết kiệm khi tiền lương chưa cao là điều khó khăn. Ngọc Ánh đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, cô bạn đã nhận ra tầm quan trọng của tiền tiết kiệm sau khi gặp phải một sự cố cần vào bệnh viện.
Ngọc Ánh nhớ lại: "2 tháng trước mình bị đau răng và phải chữa viêm tủy, chi phí hơn 10 triệu đồng. Đó cũng là khoản tiền mình có sau 1 năm đi làm. Tức là sau khi chữa răng mình gần như không có đồng tiết kiệm nào. Đó cũng là lúc mình nhận ra việc tiết kiệm tiền thật sự rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày".
Sau đó, Ngọc Ánh đã cố gắng tăng khoản tiết kiệm mỗi tháng. Mục tiêu gần nhất của cô bạn là có một quỹ khẩn cấp là 6 tháng chi phí sinh hoạt. Tức là nếu mỗi tháng trung bình chi 6 triệu tháng, cô bạn cần tiết kiệm được 36 triệu đồng. Quỹ này dùng để phòng tránh những trường hợp bất ngờ như thất nghiệp hay ốm đau cần sử dụng nhiều tiền. Hiện tại, Ngọc Ánh đã tìm thêm một công việc part-time để gia tăng thu nhập, đồng thời hạn chế những buổi gặp mặt ăn uống không cần thiết.
Thắt chặt quản lý tài chính, đa dạng thu nhập sau một lần đến thăm họ hàng
Một trường hợp khác là Quang Minh (25 tuổi) đang làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Bên cạnh công việc chính, chàng trai còn nhận nhiều job freelancer bên ngoài như thiết kế, photographer nghiệp dư và quản lý nền tảng mạng xã hội. Trung bình mỗi ngày Quang Minh dành 9 - 10 tiếng cho công việc. Thậm chí, có những ngày bận rộn, chàng trai sẽ làm liên tục từ 8h - 12h đêm mới hoàn thành hết deadline theo kế hoạch.
Theo Quang Minh, anh chàng chịu ảnh hưởng quan điểm tài chính lớn từ bố mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ anh có thói quen chuẩn bị trước cho kế hoạch tài chính trong tương lai và nhắc nhở con cái tầm quan trọng của việc kiểm soát chi tiêu. Cũng vì thế, không chỉ luôn ý thức cần tiết kiệm tiền bạc, Quang Minh còn chăm chỉ làm việc để đa dạng thu nhập.
Quang Minh nhớ lại, dù có ý thức về tiền bạc song như nhiều bạn trẻ khác, chàng trai cũng từng gặp khó khăn trong chuyện tiết kiệm tiền. Thời điểm bấy giờ, anh chàng vẫn thường xuyên chi tiền cho các khoản mua sắm không cần thiết và trải nghiệm cá nhân như đi du lịch, mua vé xem ca nhạc...
"Mình đã lên kế hoạch tài chính rõ ràng hơn sau một lần đến thăm người bác đi khám ở bệnh viện tư cách đây 1 năm. Nhìn thấy người bác được hưởng cơ sở vật chất và điều kiện khám bệnh tốt, mình suy nghĩ rằng nếu bố mẹ bị bệnh, bản thân có cho họ được vào những bệnh viện tốt thế này không?
Cũng từ đó, mình suy nghĩ thêm: Nếu lỡ một ngày bản thân bị thất nghiệp thì tài khoản còn bao nhiêu tiền?. Mình là dạng người overthinking nên càng tạo động lực và cả áp lực để bản thân cố gắng tiến lên".
Theo Quang Minh, tiết kiệm tiền và đa dạng thu nhập đều quan trọng như nhau. Anh nhấn mạnh, kiểm soát chặt tài chính không phải tính toán từng đồng một mà là biết tiêu tiền đúng cách. Đơn cử như với số tiền phung phí cho sở thích cá nhân trong quá khứ, Quang Minh đã chuyển chúng để học thêm kiến thức và đầu tư cho các mối quan hệ công việc.
Bên cạnh đó, chàng trai cho rằng việc xác định bản thân sẽ đi đến đâu trong tương lai là tiền đề cơ bản để biết cách quản lý tài chính và nỗ lực làm việc hiệu quả.
"Mục tiêu của mình là mua được nhà trong 3-4 năm tới, đồng thời tích góp tiền và kinh nghiệm để tự bản thân điều hành công việc kinh doanh, như mở quán cafe hay buôn bán gì đó. Bản thân mình có nhiều nhu cầu như tự mua nhà và có xe. Ngoài ra, mình cũng muốn lo đầy đủ cho người thân và gia đình trong tương lai. Khi đã xác định bản thân muốn trở thành ai, bản thân sẽ có ý thức kỷ luật và kiểm soát tốt các kế hoạch tài chính hơn", Quang Minh tâm sự.