Trái Đất mắc kẹt trong lượng nhiệt lớn "chưa từng có" - Nắng nóng sẽ còn gia tăng?

Trang Ly,
Chia sẻ

Trái Đất nóng lên khiến cho thế giới xuất hiện các trận bão mạnh hơn, các đợt nắng nóng, sóng nhiệt kéo dài.

Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã xác định trong nghiên cứu mới rằng: Bầu khí quyển Trái Đất đang giữ một lượng nhiệt "chưa từng có", với sự mất cân bằng năng lượng của hành tinh năm 2021 tăng gần gấp đôi so với các năm từ năm 2005 đến năm 2019.

Hai nguyên nhân lớn dẫn đến sự mất cân bằng nhiệt của Trái Đất

NASA đã giải thích trong một thông cáo ngày 15/6 rằng, khí hậu của Trái Đất được xác định bởi sự cân bằng giữa lượng năng lượng của Mặt Trời được hấp thụ trong khí quyển, cũng như ở bề mặt - và lượng nhiệt bức xạ hồng ngoại được phát ra vào không gian.

Theo một nghiên cứu gần đây công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters (Mỹ), tổng của 2 phần năng lượng đó quyết định việc Trái Đất nóng lên hay nguội đi.

"Sự gia tăng liên tục của nồng độ khí nhà kính trong khí quyển và quy mô thời gian dài cần thiết để đại dương, băng quyển và đất liền đạt đến trạng thái cân bằng nhiệt, cộng với sự gia tăng liên tục đó dẫn đến tăng năng lượng ròng (NEG), do đó làm cho Trái Đất nóng lên.

Phần lớn năng lượng dư thừa này (khoảng 90%) làm nóng đại dương, phần còn lại làm nóng đất liền, làm tan băng tuyết và làm ấm bầu khí quyển." - Nghiên cứu của NASA, NOAA cho hay.

Trái Đất mắc kẹt trong lượng nhiệt lớn chưa từng có - Nắng nóng sẽ còn gia tăng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Để đưa ra kết luận này, các nhà nghiên cứu của hai cơ quan này đã so sánh dữ liệu từ các cảm biến vệ tinh của Hệ thống Năng lượng Bức xạ của NASA và Hệ thống Năng lượng Bức xạ của Trái Đất (CERES) với một loạt các phép đo toàn cầu từ các vụ phao định hình Argo trên đại dương thế giới.

Sự gia tăng khí nhà kính, như carbon dioxide (CO2) và methane (CH4), không chỉ giữ lại nhiệt trong bầu khí quyển của Trái Đất mà còn "nhốt" lại các nguồn bức xạ, dẫn đến sự ấm lên toàn cầu và sau đó là băng tuyết tan chảy và nhiều thay đổi khác.

Sự mất cân bằng tăng gấp đôi so với giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2019 là do sự gia tăng của các khí nhà kính - hay còn gọi là "sự cưỡng bức do con người gây ra - anthropogenic forcing" - cộng với việc tăng hơi nước và giảm các đám mây, băng biển.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự thay đổi trong Dao động suy giảm Thái Bình Dương (PDO), một dạng biến đổi khí hậu Thái Bình Dương, sang giai đoạn ấm "có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất".

NASA cho biết giai đoạn PDO ấm tương tự vào năm 2014 đến năm 2020 cũng gây ra giảm độ che phủ của đám mây và tăng khả năng hấp thụ bức xạ Mặt Trời.

"Sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất là kết quả của tất cả những yếu tố này", NASA cho biết trong thông cáo.

"Hai cách rất độc lập để xem xét những thay đổi về sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất thực sự rất đáng tin cậy và cả hai đều cho thấy xu hướng rất lớn này, điều này mang lại cho chúng tôi rất nhiều niềm tin rằng những gì chúng ta đang thấy (Trái Đất nóng lên) là một hiện tượng có thật. Điều này rất đáng báo động" - Norman G. Loeb, tác giả chính của nghiên cứu và điều tra viên chính của CERES tại Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA, cho biết trong thông cáo.

Ông nói thêm: "Đó có thể là sự kết hợp giữa sự cưỡng bức do con người gây ra và sự biến đổi bên trong. Và trong khoảng thời gian này, chúng đều gây ra hiện tượng ấm lên, dẫn đến sự thay đổi khá lớn về sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất. Mức độ gia tăng nhiệt là chưa từng có."

Cuối cùng, nghiên cứu xác định rằng trừ khi tốc độ hấp thụ nhiệt giảm đi, Trái Đất sẽ có những thay đổi lớn hơn về khí hậu.

Việc Trái Đất ngày càng nóng lên khiến cho thế giới không chỉ xuất hiện các trận bão mạnh hơn, làm xuất hiện các đợt nắng nóng, sóng nhiệt kéo dài mà còn khiến khí hậu hành tinh bị tác động lâu dài.

Tham khảo: Foxnews

Chia sẻ