TPHCM yêu cầu thầy cô không "đánh úp" đầu giờ: Có nên dẹp bỏ?
Nhiều học sinh thấy áp lực, lo lắng khi bị giáo viên gọi tên kiểm tra bài đầu giờ học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đây là việc bình thường, giúp ôn lại kiến thức, không có lỗi gì mà cần bàn để dẹp bỏ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, hoạt động kiểm tra miệng, trả bài ngẫu nhiên vào đầu giờ học khiến học sinh căng thẳng, lo lắng. Thế nên Sở này đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài đầu giờ.
Nhiều ý kiến trái chiều
Thông tin này mấy ngày qua được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn học sinh, cha mẹ học sinh với nhiều ý kiến trái chiều.
Nguyễn Minh, học sinh trường THCS ở Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra đầu giờ đã được giáo viên các bộ môn khá linh hoạt. Tuy nhiên, các thầy cô bộ môn vẫn sử dụng hình thức này để kiểm tra học sinh.
Tuy nhiên, Minh cho rằng, nhiều môn giáo viên dù gọi bất ngờ hoặc ngẫu nhiên như xổ số nhưng em vẫn cảm thấy không quá áp lực như mọi người lo lắng. Vì nếu có hình thức kiểm tra này thì học sinh sẽ có ý thức học hành hơn.
Với Đỗ Đức Phúc, học sinh lớp 7 của trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) cho rằng, em không quá sợ khi bị kiểm tra đầu giờ vì đây là việc vẫn thường xuyên không có gì quá bất ngờ cả. “Đằng nào cũng phải học bài cẩn thận nên việc kiểm tra bài đầu giờ em cho là cần thiết. Thực tế, nhiều môn, nhiều buổi được gọi bất chợt nhưng không có gì là căng thẳng quá cả”- Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Thanh Phước, một học sinh lớp 7 khác ở một trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết, với em khoảng 15 phút đầu giờ luôn là thời gian "đáng sợ". Nam sinh và bạn bè đã quen với hành động đầu tiên của giáo viên khi vào tiết là nhìn danh sách lớp gọi khảo bài ngẫu nhiên.
Phước cho rằng, em sợ nhất mỗi khi bị gọi kiểm tra đầu giờ mà vào các môn mà mình không học kĩ, lại không thích nên gọi lên bảng vẫn quên trước quên sau do căng thẳng.
“Quả thực không khí lớp mình trong khoảng 10-15 phút đầu giờ rất trầm, ai cũng run vì không biết có bị gọi tên hay không và lo lắng”- Phước chia sẻ.
Em Ngô Thị Thùy Linh, sinh viên năm 3 trường ĐH Hà Nội cho biết, đến giờ em vẫn thấy sợ những lần kiểm tra bài đột xuất của giáo viên. Tuy nhiên, Linh cho rằng, đó là một trong rất nhiều hình thức kiểm tra bài để tốt hơn cho học sinh.
“Em nghĩ với học sinh thì việc học gắn với kiểm tra, đánh giá là cần thiết. Nếu cứ nghĩ việc kiểm tra đầu giờ khiến học sinh căng thẳng, không được làm thì còn học hành gì nữa. Giờ bọn em vào đại học, có bao áp lực học hành căng thẳng hơn. Vì thế, nếu cách kiểm tra đầu giờ có 10- 15 phút mà nghĩ gây áp lực mà cấm thì không nên”- Linh chia sẻ.
Không nên bỏ?
Em Lê Vũ Anh Thư, du học Việt Nam tại Úc chia sẻ, cá nhân em thấy việc kiểm tra đầu giờ không có gì sai. Em thấy việc kiểm tra đầu giờ sẽ có được sự linh hoạt hiếm có trong việc kiểm tra kiến thức. Tránh được việc học đối phó, học luyện đề.
"Vả lại, việc lo lắng cho bài vở cũng sẽ đốc thúc chính học sinh đó học tốt hơn, và cũng chuẩn bị cho những thử thách tiếp theo như thi đại học, học đại học, kiếm việc làm”- Thư chia sẻ.
Theo Thư, muốn áp dụng kiểu học không áp lực từ nước ngoài, thì học sinh phải có sự tự giác, tự lập nhất định. Cũng như giáo viên cũng phải có năng lực điều khiển, cổ vũ, thử thách và tạo cảm hứng cho học sinh chứ không thể áp dụng ngay kiểu học không áp lực.
“Việc kiểm tra đầu bài sáng là việc nhỏ trong việc học, và nó rất quan trọng trong việc đánh giá học sinh. Đối với giáo viên, đó cũng là thử thách khá lớn khi vừa phải dạy đủ bài, vừa phải đảm bảo lấy đủ đầu điểm. Nên em thấy những thứ " bất chợt" như thế mới phản ánh đúng tình trạng học hành của các bạn”- Thư chia sẻ.
Vì thế, Thư cho rằng, không có lí do gì dẹp bỏ cả, hãy giữ nguyên. Nên chăng, giáo viên có cách hỏi để kiểm tra cũng như đánh giá đúng với năng lực của học sinh.
"Theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT, việc đánh giá học sinh có đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, gồm hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập... Đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình.
Quá trình này nhằm cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên, học sinh để kịp thời điều chỉnh trong quá trình dạy - học. Đánh giá thường xuyên nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ, xác nhận kết quả đạt được của học sinh...
Hình thức trả bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng không đạt được mục tiêu như đã nói ở trên. Việc kiểm tra bất ngờ, mục đích không rõ ràng, nội dung nặng về nhớ kiến thức sẽ gây căng thẳng, lo lắng cho học sinh" - ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM.