Người ta chấm điểm IELTS như thế nào? Nắm chắc những lưu ý sau để đạt kết quả tốt nhất
Ngoài việc ôn luyện sao cho hiệu quả, bí quyết chinh phục bài thi IELTS là hiểu đúng tiêu chí chấm thi.
IELTS là một hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trải dài qua cả bốn kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Bài thi được đồng điều hành bởi ba tổ chức ESOL của Đại học Cambridge, Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục IDP của Úc, được triển khai từ năm 1989.
Điểm tổng Overall của IELTS được tính theo thang điểm từ 1 - 9. Thí sinh sẽ nhận được Giấy báo kết quả ghi rõ điểm tổng và điểm trung bình cho từng bài thi. Phần điểm tổng sẽ được tính dựa trên điểm trung bình cộng của 4 kỹ năng.
Vậy bạn có từng thắc mắc, người ta sẽ chấm điểm thi IELTS ra sao? Có những tiêu chí nào cần lưu ý để đạt được band điểm như mong muốn? Thầy Đỗ Cao Sang - một giáo viên tiếng Anh có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy đã chia sẻ một số điều thí sinh nên lưu ý:
1. Về bài Đọc và Nghe, chấm thi IELTS không có gì phải bàn cãi. Bạn hãy tưởng tượng nó chính xác cũng gần như thi trắc nghiệm lý thuyết bằng lái xe vậy. Tuy bài thi Nghe và Đọc của IELTS không hoàn toàn trắc nghiệm nhưng phương án trả lời cho các phần điền từ cũng mang tính rõ ràng cao, ít khi lập lờ nước đôi và ít gây tranh cãi. Nói cách khác, bạn không phải băn khoăn rằng mình bị "oan" khi nhận kết quả thi Nghe và Đọc. Nếu có, cũng chỉ là một chút nhỏ mà thôi.
2. Điều đáng bàn hơn cả là cách chấm điểm phần thi Nói và phần thi Viết. Với hai bài thi này, bạn phải ghi nhớ rằng cảm tính cá nhân của người chấm điểm là không thể tránh khỏi. Nói cách khác, tính "hên xui" ở hai bài này không thể nào phủ nhận được. Dù là Nói kỹ thuật, Viết kỹ thuật, người ta cũng khó lòng đưa lên bàn cân tiểu ly chính xác để đo lường năng lực của bạn một cách tuyệt đối.
3. Bài Nói của bạn sẽ được ghi âm và gửi về cho ban chấm điểm ở xa chứ không phải người trước mặt bạn chấm điểm. Nhiệm vụ của họ là hỏi vài câu theo mẫu sẵn, nghe bạn nói và ghi âm. Bạn đừng quá lo lắng mình nói khó thế thì người ta có hiểu hay không. Hãy nói hết năng lực ngôn ngữ của bạn.
4. Người ta căn cứ những tiêu chí gì để chấm thi Nói và Viết?
- Ngữ pháp (thì, thể, giống, số, cách) bạn đã dùng ở mức nào?
- Từ vựng của bạn có phù hợp, đắt giá và khác biệt không?
- Các cụm từ cố định (collocations) của bạn có đúng và phong phú không?
- Tính mạch lạc và bố cục của bài Nói rõ ràng không?
- Biện luận của bạn có logic và hợp lý không?
- Phát âm của bạn (so với dân bản ngữ Anh, Mỹ, Úc) giống được cỡ nào?
- Chính tả của bạn viết đúng chưa?
5. Nhìn chung, chấm thi Nói và Viết khá giống nhau về tiêu chí. Khác nhau cơ bản là ở bài thi Nói, người ta chú trọng phát âm (xem nhẹ hơn về ngữ pháp) mà bài thi Viết thì xem trọng ngữ pháp và chính tả hơn.
6. Bí mật của thi Nói và Viết chính là "khoe" ra phần nổi trội của bạn. Không hiểu bí mật này, nhiều người giỏi tiếng Anh đã mất điểm rất "oan ức".
Phần nổi bật ở đây chính là từ vựng và các cụm từ cố định. Bạn phải né tránh từ "very" và một loạt các từ "dễ dãi" để không bị hiểu lầm là trình độ "còi". Để làm điều này, bạn hãy tìm 3 đến 5 từ hiếm để thay thế cho các từ dễ dãi và thuộc kỹ. Lưu ý, chỉ cần thuộc kỹ 3 phương án là quá đủ. Chẳng hạn, từ vựng bình thường là beautiful, chúng ta sẽ thay thế bằng những từ "bậc cao" như gorgeous, charming, appealing, pretty, attractive, alluring.
7. Hãy ghi nhớ, IELTS là kỳ thi thiên về tiếng Anh học thuật. Bởi vậy, cách diễn đạt của bạn phải có tính học thuật. Nghĩa là, bạn phải liên tục bổ sung các cụm từ, cách diễn đạt sách vở, hạn chế cách diễn đạt kiểu "bồi". Nhìn chung, đặc điểm của văn phong học thuật là:
- Bạn không nên đưa "tôi, tớ, người thân" vào trong bài luận để bảo đảm tính vô tư, khách quan, khoa học.
- Tích cực dùng câu bị động thay cho câu chủ động. Văn phong hàn lâm ứng dụng câu bị động rất nhiều. Vì khi dùng câu bị động, chúng ta sẽ né được việc sử dụng các đại từ nhân xưng. Điều này tạo ra tính khách quan, mà các văn bản khoa học rất cần. Ví dụ: It is under careful examination (Vấn đề này đang được điều tra xem xét).
- Nếu có phrasal verb (Ngữ động từ) và từ thường cùng diễn đạt chung một ý thì hãy ưu tiên dùng từ thường. Ví dụ, hãy dùng abandon, quit thay cho give up; dùng come to a decision thay cho make up my mind.
- Nếu có động từ và danh từ diễn tả chung một ý thì hãy dùng cụm danh từ. Ví dụ: He had profound comprehension about the topic (Anh ấy có sự hiểu biết sâu sắc về chủ đề này). Đừng dùng He profoundly comprehended the topic. Cụm danh từ luôn có vẻ trang trọng và danh giá hơn cụm động từ. Cụm động từ thường thì danh giá hơn phrasal verb. Chính vì vậy, bạn cần biết nhiều hình thái của một từ (động từ, danh từ).