TP.HCM xây vệ sinh 5 sao, Hà Nội xây nhà vệ sinh dát vàng
Sở Xây dựng Hà Nội tái đề xuất kiến nghị tiếp tục đầu tư 14 nhà vệ sinh bằng thép - bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo.
Cụ thể, theo Sở Xây dựng, thành phố có 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 236 nhà vệ sinh xây cố định, phân bố trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được đặt tại nơi công cộng, vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt...
Theo ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng, các nhà vệ sinh được bố trí chưa đồng đều, chưa phục vụ được khách vãng lai và khách du lịch. Do vậy, cơ quan này cho rằng vẫn cần lắp đặt thêm nhà vệ sinh để phục vụ người dân và kiến nghị tiếp tục xây dựng 14 nhà vệ sinh bằng thép mà Ban dự án chỉnh trang đô thị Hà Nội từng lập dự án trị giá 15 tỷ đồng.
Sở Xây dựng cũng cho biết đã lập dự án đầu tư nâng cấp 7 nhà vệ sinh cho khách du lịch tại quận trung tâm Hoàn Kiếm trị giá 3,2 tỷ đồng. Những nhà vệ sinh này được đặt tại 165 Phùng Hưng, phố Gia Ngư, ngõ 29 Hàng Khay, 5 Hàng Giầy, 38 Hàng Giầy và vườn hoa Phùng Hưng - Lê Văn Linh, phố Phùng Hưng - Cửa Đông.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng đề xuất chi 1,5 tỷ đồng mỗi năm để cải tạo sửa chữa các nhà vệ sinh hiện có và yêu cầu các quận trung tâm bàn giao những nhà vệ sinh đã xuống cấp cho đơn vị chuyên ngành để duy trì và quản lý.
Dự án này được Ban Quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra vào cuối tháng 10/2013. Dự toán cụ thể được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra: chí phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến khoảng 358 triệu đồng.
Dự án đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều đại biểu Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ "đề án này là lãng phí vì nhiều nhà vệ sinh không sử dụng hết công suất, khóa cửa cả ngày; nhà vệ sinh có dát vàng cũng không đắt như vậy...". Nhiều ý kiến khác thì cho rằng nên để xã hội hóa và không thu phí.
Trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành, quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác sử dụng hiệu quả.
Ông Thảo cũng chỉ đạo việc xây dựng các công trình nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm và tránh lãng phí.
Vậy nhưng, bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Xây dựng lại tiếp tục đề xuất xây 14 nhà vệ sinh công cộng tiền tỉ. Thật khó lý giải sự mâu thuẫn trong lần tái xuất của đề án này.
Mặc dù, trước đó ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định: "Đề xuất làm 14 nhà vệ sinh của Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội chỉ là một nội dung để tham khảo, chúng tôi chưa chắc đã xây dựng tất cả 14 nhà vệ sinh đều bằng kim loại".
Ông Hùng cho biết thêm, hiện Sở đang rà soát toàn bộ nhu cầu trên toàn thành phố, khu vực nào phù hợp với loại nhà vệ sinh nào sẽ xây dựng loại nhà vệ sinh kiểu đó.
Điều đáng nói, trong khi Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo ra sức kêu gọi Hà Nội tiết kiệm, chống lãng phí đề xuất này của Sở Xây dựng Hà Nội gần như lại đang đi ngược lại.
Trong khi đó, thông tin mới nhất từ TP.HCM cũng cho biết sẽ xây dựng 11 nhà vệ sinh với đẳng cấp 4-5 sao để phục vụ cho nhu cầu cho người dân và du khách. Được biết, Nhà nước sẽ không tốn đồng nào và người dân sẽ được sử dụng hoàn toàn miễn phí.
Vị trí xây 11 nhà vệ sinh công cộng và trạm ATM tại các công viên 23/9, Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định, bến xe Chợ Lớn, bến xe Đầm Sen và sẽ được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, việc xây dựng các công trình này được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, các ngân hàng sẽ chi trả toàn bộ chi phí với số vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng mỗi cái (diện tích 60 m2).
Các nhà vệ sinh này đều phải đảm bảo tiêu chuẩn 4-5 sao. Do còn chưa đầy một tháng nữa là Tết nên chỉ có thể hoàn thành khoảng 3 nhà vệ sinh kèm máy ATM để phục vụ người dân.
"Nhà nước không tốn đồng nào và khi đưa vào sử dụng sẽ miễn phí hoàn toàn. Các đơn vị này cũng phụ trách việc thuê nhân công lau chùi tại các nhà vệ sinh này và cả chi phí điện, nước.
Theo yêu cầu của UBND TP, tại các điểm này không được quảng cáo mà chỉ có các áp phích tuyên truyền, cổ động", ông Cường nói và cho biết nếu việc thí điểm thành công, thành phố sẽ cho phép nhân rộng mô hình này.