Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát

Phong Linh - Chí Toàn,
Chia sẻ

Không ít nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội đang bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích hoặc bị các dịch vụ kinh doanh gần đó “lấn sân”.

Hơn 1 tỉ đồng để xây 1 nhà vệ sinh công cộng

Mới đây, thông tin Hà Nội sắp xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép (gồm 10 nhà vệ sinh 2 buồng, 4 nhà vệ sinh 4 buồng) với chi phí khoảng 15 tỷ đồng(bình quân hơn 1 tỷ đồng/1 nhà vệ sinh) đã gây nhiều luồng dư luận trái chiều.

Khoan hãy bàn đến chuyện chi phí “khủng”, việc lắp đặt thêm các nhà vệ sinh công cộng đủ tiêu chuẩn là thực sự cần thiết khi Hà Nội ngày càng thu hút nhiều hơn khách du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu tế nhị của nhân dân.

Hà Nội cũng đang lên kế hoạch cải tạo 7 nhà vệ sinh công cộng ở các địa điểm: đối diện số nhà 165 F phố Phùng Hưng, ngã ba Phùng Hưng - Cửa Đông, vườn hoa Phùng Hưng, số 5 phố Hàng Giầy, số 38 Hàng Giầy, phố Gia Ngư và số 29 Hàng Khay theo tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch của Tổng cụ Du lịch như phải có đủ tiện nghi cần thiết, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng, chiều cao tối thiểu 2,5m, diện tích tối thiểu 2,5m2 cho một buồng, có khu vực phòng vệ sinh, khu vực rửa tay dành riêng cho nam và nữ, cung cấp nước sạch 24/24 giờ...

Tuy nhiên, có một thực tế là, Thủ đô hoàn toàn không thiếu nhà vệ sinh công cộng. Hiện tại, 4 quận nội thành cũ của Hà Nội có 310 nhà vệ sinh công cộng do Công ty Môi trường đô thị Hà Nội quản lý, riêng khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm (nơi tập trung đông khách du lịch) cũng có đến 16 điểm.

"Uống và 'xả' cùng một chỗ"

Cái sự “mang tiếng” vì nhà vệ sinh công cộng đến từ nhiều phía, không chỉ vì sự bẩn thỉu, cũ kĩ, nhếch nhác của một số địa điểm mà còn bởi nhiều nhà vệ sinh công cộng bị sử dụng sai mục đích.

Chuyện nhà vệ sinh công cộng mất vệ sinh, xuống cấp có lẽ không cần bàn thêm, vì bên cạnh đó, những nhà vệ sinh sạch sẽ, mới, đẹp và tiện lợi cũng không thiếu. Điều cần bàn đến hơn có lẽ là tình trạng nhiều nhà vệ sinh công cộng, thay vì là nơi “giải quyết nỗi buồn” của du khách và nhân dân có nhu cầu đã bị chiếm dụng dẫn đến biến hình đổi dạng. Một số nhà vệ sinh đã bị “hô biến” thành nhà kho để hàng hóa, nơi để xe, thậm chí là cửa hàng kinh doanh khác.

Hệ thống nhà vệ sinh công cộng được ưu tiên đặt ở những vị trí thuận tiện, dễ tìm, cũng vì thế, nó trở thành đang là địa điểm lý tưởng cho không ít người víu vào đó mà mưu sinh. Tận dụng lợi thế là nơi đông người, lại không mất tiền thuê mặt bằng, một số nhà vệ sinh công cộng đã bị “tận dụng” biến thành địa điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm, đồ uống giải khát.

Điển hình nhất của nhà vệ sinh “đa năng” kiểu này là nhà vệ sinh trên phố Đinh Tiên Hoàng. Nếu không phải người bản địa hoặc chịu khó quan sát, không dễ để phát hiện thấy nhà vệ sinh này, dù nó được dựng ở một vị trí đẹp ngay mặt tiền phố Đinh Tiên Hoàng.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 1
Mặt trước nhà vệ sinh trên phố Đinh Tiên Hoàng chẳng khác nào một cửa hàng tạp hóa.

Bởi lẽ, nhìn thoáng qua, nhà vệ sinh này được thiết kế giống như một cửa hàng tạp hóa, kinh doanh các loại đồ ăn vặt, nước giải khát, kem. Bên trên tường, những chiếc nón lá cũng được bày biện cùng mặt nạ tre, bưu thiếp để bán cho khách du lịch làm đồ lưu niệm.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 2
Mặt sau mới là khu vệ sinh.

Mặt sau mới là khu vệ sinh gồm 8 phòng quay ra hồ. Dù khu nhà vệ sinh này khá sạch sẽ, được dọn dẹp thường xuyên nhưng việc bán nước uống, đồ ăn ở phía trước có lẽ không được “thẩm mỹ” cho lắm và phần nào đó ảnh hưởng đến nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” của du khách và người dân.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 3
Sự "đa năng" này nhiều lúc đã đem đến những tình huống bi hài cho khách có nhu cầu vệ sinh.

Cũng là một địa điểm nhà vệ sinh kiêm… quán giải khát là nhà vệ sinh công cộng ở gần Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tại ngã ba phố Triệu Quốc Đạt và Hai Bà Trưng. Tiếng là có hai buồng vệ sinh kèm theo dịch vụ tắm nóng lạnh nhưng nhà vệ sinh này ít khi có khách đến (hay đúng hơn là dám đến). Bởi lẽ, vây xung quanh khu vệ sinh này là nơi gửi xe cho khách vào việc C và ngay sát phòng vệ sinh là một quầy bán nước giải khát, đồ ăn nhẹ cũng như trông giữ mũ bảo hiểm.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 4
Nhà vệ sinh công cộng ở gần Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng bị "bao vây" bởi quầy nước giải khát.

Những người sống gần khu vực này cho biết, khu vệ sinh này rất hiếm khi mở cửa, nhiều khách định vào nhưng ngại hàng nước nên lại quay ra. Khi phát hiện ra chúng tôi đang chụp ảnh, một số thanh niên trông xe xung quanh và đang ngồi ở quán nước nói trên tỏ ra khó chịu, lập tức xông ra dọa nạt, cản trở chúng tôi tác nghiệp.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 5
Hiếm khi nhà vệ sinh này có khách.

Không đến mức lộ liễu như hai nhà vệ sinh kể trên, nhưng cũng bị “xâm lấn” là nhà vệ sinh số 5 và số 38 Hàng Giầy. Nếu không có tấm biển xanh ghi chữ “Nhà vệ sinh công cộng số 5” được treo cao để dễ nhìn, rất dễ lầm nhà vệ sinh này với những nhà kinh doanh khác.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 6
Nhà vệ sinh số 5 Hàng Giầy lọt thỏm giữa những cửa hàng kinh doanh bánh kẹo.

Chỉ chừa đúng một lối vào, toàn bộ phần tường ở mặt tiền nhà vệ sinh này bị các cửa hàng xung quanh “ké” chỗ để hàng hóa, bánh kẹo và để xe máy.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 7
Trừ một lối đi nhỏ xíu...

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 8
... còn tường nhà vệ sinh trở thành chỗ chất hàng hóa của các hộ lân cận.

Cửa nhà vệ sinh công cộng số 38 Hàng Giầy có vẻ “dễ thở” hơn, chỉ bị một hàng bún gánh (bán buổi sáng) và một người bán hàng nước để ké. Bên trong nhà vệ sinh này cũng được tận dụng làm kho chứa hàng.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 9
Cạnh nhà vệ sinh 38 Hàng Giầy cũng là chỗ "lý tưởng" để bán hàng.

Theo người đàn ông bán hàng nước bên ngoài, hồi chưa thu tiền phí dịch vụ (2.000 đồng/lần với dịch vụ “nhẹ” và 3.000 đồng/lần với dịch vụ “nặng”) thì nhà vệ sinh này cũng khá mất vệ sinh, còn bây giờ có nguồn thu, có người dọn dẹp nên sạch sẽ hơn hẳn. Ông này cũng tiết lộ, người trông nom nhà vệ sinh này vốn là công nhân của Công ty Môi trường Hà Nội, giờ đã về hưu và nhận khoán lại nhà vệ sinh để có thêm thu nhập.

Rùng mình cảnh vào nhà vệ sinh công cộng… uống nước giải khát 10
Lối vào nhà vệ sinh được "trang trí" bằng biển quảng cáo nước giải khát.

Dù bị lấn chiếm, nhưng số phận của những nhà vệ sinh nói trên không đến nỗi… thê thảm bằng nhà vệ sinh trên phố Hàng Bồ và phố Gia Ngư. Đầu phố Hàng Bồ trước đây có một nhà vệ sinh công cộng 1 buồng, nhưng sau một thời gian trở thành nơi trưng bày, kho hàng hóa (phụ kiện may mặc) của những cửa hàng xung quanh, đến giờ, nhà vệ sinh này đã “mất tích”. Còn nhà vệ sinh trên phố Gia Ngư cũng được các hộ kinh doanh gần đó “canh giữ” để làm nơi treo móc hàng hóa (đồ lót) và không khách nào có thể lọt vào đó để giải quyết “nỗi buồn”.

Một nhà vệ sinh khác cũng mang tiếng là còn hoạt động nhưng hiếm khách dám vào là nhà vệ sinh ở vườn hoa Tây Sơn, nằm kề cổng Trường Đại học Công đoàn. Đã mấy năm nay, một phần của nhà vệ sinh này đã biến thành một hiệu photocopy,  biển hiệu “nhà vệ sinh công cộng” vẫn còn, nhưng bảng hiểu nhỏ xíu được gắn khiêm tốn lên tường, nên không mấy ai nhận ra. Trước mặt nhà vệ sinh này cũng là một loạt quán trà đá, giải khát.

Những trường hợp kể trên chỉ là những ví dụ cho tình trạng một số nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. Nhiều nhà vệ sinh ở không ít ga tàu, bến xe, công viên cũng đang rơi vào trạng thái tương tự. Thiết nghĩ ngoài việc xây dựng thêm, cải tạo những nhà vệ sinh công cộng đã xuống cấp, việc bảo vệ các nhà vệ sinh còn sử dụng được khỏi sự lấn chiếm cũng là việc cần làm để dịch vụ này tốt hơn, thiết thực hơn nữa với người
dân và khách du lịch.

Chia sẻ