TP.HCM: Người dân lặng mình tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhiều người đến viếng không thể kìm được nước mắt khi để lại lưu bút trên sổ tang của Đại tướng.
Do khách viếng vẫn tiếp tục đến hành lễ, BTC quyết định vẫn tiếp tục đón khách cho đến khi không còn khách viếng. Lực lượng tiêu binh cho biết sẽ thay nhau nghỉ ngơi cho đến sáng để đảm bảo lực lượng nghi lễ trong tối nay và sáng mai.
21h00: Những đoàn khách tiếp theo
Im lặng chờ tới lượt của mình...
Đến gần 20h00, số lượng khách viếng Đại tướng bất ngờ tăng đông.
Đoàn cán bộ Chiến sĩ tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 Bộ công an đến viếng theo nghi thức quân đội.
Nhiều đại gia đình chờ tập hợp đông đủ cùng đến dâng hương.
Ông Phan Đông - cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được cháu đưa đến bằng xe lăn.
Với ông Đông, dù chưa được chiến đấu bên cạnh Đại tướng, nhưng ông vẫn xem Đại tướng là một đồng đội. "Đồng đội của tôi đã sống vẻ vang và mãi là một chiến sĩ oai hùng trong lòng tôi".
Những giọt nước mắt tiếc thương, bịn rịn vào cuối ngày lễ viếng.
Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.
Những em học sinh đến viếng cùng gia đình mình.
20h30: Dòng người đến viếng ngày một đông hơn như níu kéo thời gian ngừng lại.
19h00: Các đoàn thể đã vãn. Lượt viếng đến thời điểm này chủ yếu là những lượt cá nhân, từ công nhân viên chức đến người lao động và sinh viên chưa đi theo đoàn.
Đến 18h00, học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.HCM sau khi tan trường đã vội vàng đến viếng Đại tướng. Những bộ đồng phục trắng, cung cách thành kính, nét mặt ngây thơ càng làm đẹp hơn tấm lòng hiếu kính của thế hệ trẻ đối với Đại tướng.
Học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thành kính viếng Đại tướng.
Học sinh trường THPT Lê Thị Hồng Gấm là trường có nhiều học sinh đến viếng nhất. Đội hình phải chia làm 4 hàng dài
Bên cạnh đó những người dân vẫn còn ngồi lại bên cạnh hồ nước, thẫn thờ xem đi xem lại các thước phim tư liệu về Đại tướng
Có người xem, có người chụp ảnh lưu niệm, như muốn gần hơn với ông.
Trời dần về chiều, ngày sắp kết thúc, mọi người càng cảm nhận rõ hơn cái buồn của việc sắp phải vĩnh viễn rời xa một người anh hùng của dân tộc. Xếp hàng thắp hương xong, khách lại nấn ná, bịn rịn trong phòng ghi lưu bút, mong được viết lên những lời tri ân chân thành nhất gửi đến Đại tướng.
Không gian chờ khe khẽ tiếng thút thít khóc.
Bé Đình Tuyển 6 tuổi đang cùng mẹ viết lời tri ân.
Câu chữ ngô nghê của cậu bé 6 tuổi làm mọi người phì cười nhưng nước mắt lại tuôn. "Cháu nhớ cụ. Cháu cảm (ơn) cụ. (Kí tên) Tin"
Cả buổi lễ bỗng dưng yên lặng như nín thở khi hai người dẫn chương trình
nghẹn giọng đọc tên đoàn khách viếng: Hội đồng hương Quảng Bình tại
TP.HCM. Những vị khách trong hội không ai kiềm được nước mắt. Nhiều
người đứng bên ngoài cũng cay mũi, mắt ngấn lệ.
Gặp ông Nguyễn
Hải Trừng - trưởng đoàn, thành viên BCH Hội ở cổng ra, ông chia sẻ: "Tôi
từng gặp Đại tướng vào năm 1971 trong một chiến dịch và cách đây hai
năm, tôi có gặp lại ông lần nữa. Đại tướng như một người anh trai, gẫn
gũi, nhân hậu lắm. Ở xa xôi quá, không về được Quảng Bình để viếng anh
trực tiếp, tôi xót xa lắm....". Nói đến đây, ông lại nghẹn lời, đôi vai
gầy run lên.
Sau thời gian tạm vắng lúc giữa trưa, đến 13h45, các đoàn khách viếng đến Dinh Thống Nhất bắt đầu đông trở lại. Các đoàn khách lúc này chủ yếu đến từ các trường Cao đẳng - Đại học đóng trên địa bàn Thành phố.
Tiến thẳng theo hướng Lê Duẩn, băng qua đường Nam Kì Khởi Nghĩa để vào Dinh Thống Nhất. Các chiến sĩ tình nguyện tích cực điều khiển lưu thông trước cổng Dinh.
Dòng người nối dài từ cửa hội trường ra đến cổng Dinh và dọc theo đoạn đường Lê Duẩn đối diện.
Giữa giờ trưa, nhiều phụ huynh sau khi đón con tan học đã đến tham dự lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều em nhỏ kiễn nhẫn đứng xếp hàng cùng ba mẹ dưới cái nắng chang chang.
Không quên mang theo khăn giấy. Mẹ tranh thủ buộc tóc cho gọn gàng trước khi vào viếng Đại tướng. Dù nắng nóng nhưng con cũng quyết chờ để được vào viếng Đại tướng. Sau này con cũng sẽ làm một người bảo vệ bình an cho đất nước. Những em bé còn rất nhỏ cũng được ba mẹ đưa tới viếng Đại tướng. Nhiều vị phụ huynh tranh thủ giữa giờ trưa đưa con đến dự lễ tang của Người. Các em nhỏ, kiên nhẫn đời đợi tới lượt của mình. Có thể dù chưa một lần gặp gỡ Đại tướng và chưa đủ hiểu hết nhưng với những cô bé cậu bé này, Đại tướng luôn ở trọn trong tim. |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU).
Khoảng 11h trưa, nữ diễn viên Tăng Thanh Hà cùng gia đình chồng đến Dinh dự lễ viếng. Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn là bố chồng của Hà Tăng cùng đến kính viếng vị tướng tài ba.
Nhiều người đến viếng không thể kìm được nước mắt khi để lại lưu bút trên sổ tang của Đại tướng.
Ông Nguyễn Đức Hà, 93 tuổi, xúc động khi viết lưu bút. Ông đã cùng con gái đi lúc 2h sáng từ Phan Thiết vào TP.HCM để viếng Đại tướng.
Gia đình Thượng tướng Phan Trung Kiên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chàng trai này là Nguyễn Đình Phương, đang công tác tại Khu quản lí công nghiệp Công nghệ cao, Q.10. Sau khi nghe tin Đại tướng tạ thế, Phương đã điện thoại về quê xin gia đình được để tang ông. Ở Nha Trang, gia đình anh đã lập sẵn bàn thờ. Phương mang di ảnh này đến để viếng và thỉnh Đại tuớng về quê thờ phụng.
Bà Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới viếng.
Dù lễ bắt đầu lúc 7h như BTC đã thông báo, nhưng từ 4h40 những đoàn khách đầu tiên đã đến và bồi hồi chờ vào viếng.
Chị Ngô Thị Hương và chị Phạm Thị Chung – hiện đang công tác tại Đội văn nghệ hội cựu chiến binh quận Tân Phú – là nhóm khách viếng có mặt thứ 2. Băng rôn thể hiện sự tiếc thương kính yêu đối với đại tướng đã được chị chuẩn bị từ khi nghe tin ông về với những vĩ nhân khác.
Đến 6h30, BTC đã mời khách viếng vào ngồi tạm tại nhà chờ
Ông Đặng Hữu Vỵ (sinh năm 1933, năm nay đã 81 tuổi) từng chiến đấu trong đơn vị tác chiến, Trung đoàn 803 vào tháng 3/1954 do Tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ông chia sẻ: “Có thể ông không nhớ tôi là ai vì lúc ấy tôi chỉ là lính cấp thấp, nhưng khi nghe tin Đại tướng mất, tôi đau đớn lớn. Tôi đi viếng đây là viếng một nhân tài, một người hiền đức và một người đồng đội”.