TP.HCM: Mẹ phóng hỏa, tự đập đầu chảy máu khi đến thăm con?
Khởi kiện ra tòa để giành lại quyền nuôi bé gái 7 tuổi, người mẹ cho rằng gia đình chồng cũ cản trở mình quay về thăm con và được tòa án chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi xem các chứng cứ người chồng cung cấp, ai cũng phải sửng sốt vì hành động của người mẹ.
Mẹ phóng hỏa, tự đập đầu chảy máu khi đến thăm con?
Ngày 2/11, trao đổi với chúng tôi, anh H.H.N. (SN 1979, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết đã gởi đơn yêu cầu giám định tâm thần đối với vợ cũ là bà N.T. H. trong vụ việc tranh chấp quyền nuôi bé T. (7 tuổi) lên TAND TP.HCM.
Bà H. thường xuyên tìm đến nhà chồng cũ để có những hành vi phá hoại.
Camera ghi lại cảnh bà H. tự phóng hỏa đốt nhà chồng cũ khi đến thăm con gái, có những dấu hiệu bất ổn về mặt tinh thần.
Theo anh N., anh rất bức xúc khi TAND quận Bình Thạnh trao quyền nuôi con cho bà H. tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 12/3/2018 dù các chứng cứ của bà H. cung cấp hoàn toàn sai sự thật, thiếu khách quan.
Cụ thể, bà H. cho rằng anh N. và gia đình chồng không cho bà thăm bé T., cản trở quyền làm mẹ của bà, nhiều lần có hành động đánh đập khiến bà bị thương tích khi đến thăm con gái nhưng sự thật thì hoàn toàn khác.
"Bà H. thường xuyên lấy cớ thăm con để đến nhà tôi gây chuyện, cố ý gây thương tích cho mình và nhiều lần dùng búa, xà beng đập phá tài sản, khóa cửa rồi phóng hỏa đốt cả nhà tôi. Đặc biệt, bà H. còn tìm đến trường bé T. học để gây sự khiến bé T. vô cùng hoảng loạn, sợ hãi khi gặp mẹ", anh N. trình bày.
Để chứng minh cho lời nói của mình, anh N. cung cấp nhiều đoạn camera, hình ảnh ghi lại sự việc của người vợ cũ, đồng thời phía cơ quan chức năng cũng đang điều tra làm rõ về hành vi trái pháp luật này của bà H.
Ngoài ra, anh N. còn cho biết cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc chưa giải quyết đơn khiếu nại của anh mà đã vội vàng ra phán quyết, trao quyền nuôi bé T. cho bà H. trông nom. Bởi theo anh H., từ năm 2015, bà H. đã có dấu hiệu bất ổn định về mặt tâm lý nên anh N. mong muốn tòa xem xét việc "Trưng cầu giám định pháp y tâm thần bà H.", tuy nhiên, tòa đã bỏ qua việc này.
Lá đơn yêu cầu của anh N. gởi đến các cơ quan chức năng mong giám định tâm thần cho bà H.
Bà H. có hành động đập phá.
"Dựa vào điều kiện nuôi con, bé T. cần có sự phát triển tốt nhất, bà H. không đảm bảo được điều này khi bà H. không có nơi ở ổn định. Điều đáng nói, ở thời điểm hiện tại bà H. đang nuôi con nhỏ (con của người đàn ông khác). Khi bé T. về sinh sống với bà H. sẽ không có được sự chăm sóc tốt, chưa kể là bé T. có nguyện vọng, mong muốn sống với tôi", anh N. nói.
"Tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào việc bé T. là con gái nên giao cho mẹ chăm sóc, tôi cho rằng đây là một bản án thiếu khách quan. Hiện bé T. đã 7 tuổi, đang bước vào giai đoạn cần có một nơi học tập, sinh hoạt tốt để phát triển toàn diện nhưng tòa lại quyết định giao bé cho bà H., một người không có nghề nghiệp ổn định, đời sống phức tạp và nuôi con nhỏ... Tôi mong muốn cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, giữ nguyên thỏa thuận việc nuôi cháu T. cho tôi chăm sóc, nuôi dưỡng để mang đến điều tốt nhất cho cháu", anh N. nói.
Cần phải mang đến điều tốt nhất cho trẻ
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết sau khi nhận được đơn nhờ trợ giúp từ phía anh N. cũng như tiếp xúc, gặp gỡ bé T. Luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh: "Trong trường hợp này, cần phải đem đến điều tốt nhất cho bé để bé có thể phát triển về thể chất lẫn tinh thần".
Theo đó, luật sư Ngọc Nữ cho biết căn cứ vào Luật trẻ em 2016 đã quy định, cuộc sống của trẻ cần phải được đảm bảo mọi điều điều về vật chất và tinh thần. Hiện bé T. đã đủ 7 tuổi, nên tòa cần phải hỏi ý kiến, nguyện vọng của bé để từ đó xem xét dựa trên nguyện vọng của bé mà quyết định giao con cho bố hay mẹ chăm sóc.
Anh N. lo sợ nếu bé T. về sống với bà H. sẽ gặp bất ổn về tâm lý.
Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết cần phải tạo điều kiện sống, sinh hoạt tốt nhất cho bé T.
"Chúng tôi đã tiếp xúc và nói chuyện với bé T., khi nhắc đến mẹ, tinh thần của bé khá sợ hãi và cho biết bé không thích theo mẹ bởi mẹ bé luôn làm cho bé hoảng sợ. Dựa vào điều này, nếu như giao bé T. cho chị H. chăm sóc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách và sự phát triển của bé", luật sư Ngọc Nữ nhận định.
Ngoài ra, luật sư Ngọc Nữ cho biết hiện điều kiện của chị H. khó có thể chăm sóc bé T. khi phải đang nuôi con nhỏ, nơi ở không ổn định. Trong khi đó, anh N. có nơi cư trú rõ ràng, thu nhập ổn định, có bố mẹ là Nhà giáo ưu tú, thường xuyên hỗ trợ anh N. trong cách dạy dỗ, chăm sóc cho bé T. Đây là điều kiện lý tưởng khi bé T. có một môi trường tốt để phát triển, nhất là ở độ tuổi mới lớn, cần có sự chăm sóc chu đáo.
"Hiện tại bé T. đang học tại trường tiểu học, đã quen với điều kiện sống hiện tại và cũng có nguyện vọng sống với bố. Tôi nghĩ cấp phúc thẩm nên xem xét những điều kiện này để có thể ra một quyết định hợp tình, hợp lý, mang lại quyền lợi cho bé", luật sư Ngọc Nữ nói.
Xử phúc thẩm lần đầu, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên – TAND TP HCM quyết định hoãn phiên xử. HĐXX nhận thấy cần xác minh lời khai, chứng cứ 2 bên cung cấp.
Năm 2017, vợ chồng bà H. - ông N. hoàn tất thủ tục ly hôn. Hai bên thỏa thuận ông N. nuôi dưỡng con gái (tên T., SN 2011). Bà H. có quyền thăm con vào thứ bảy và chủ nhật. Không lâu sau, bà H. đột ngột khởi kiện giành lại quyền nuôi con.
Tại tòa phúc thẩm, người mẹ cho rằng bà đến thăm con nhưng gia đình chồng cũ ngăn cản. Người cha phủ nhận.
Đến nay, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên – TAND TP HCM đang yêu cầu các bên liên quan trong vụ án cung cấp giấy tờ, bằng chứng cần thiết.
Xử sơ thẩm trước đó, TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) tuyên nguyên đơn thắng kiện.