Bị mất trắng quyền nuôi con khi ly hôn chồng giám đốc, người mẹ vừa giành được con đã bị chồng kháng cáo đòi lại

Bài, ảnh: Văn Tiên,
Chia sẻ

Sau 3 tiếng diễn ra phiên phúc thẩm tranh chấp quyền nuôi con, VKS đã đề nghị bác đơn kháng cáo của người chồng, chấp nhận quyền nuôi con của người mẹ vừa mới giành được trước đó nhưng HĐXX lại tuyên bố nghị án kéo dài đến 6 ngày sau.

Ngày 20-12, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử dân sự vụ tranh chấp quyền nuôi con là bé Hoàng Thị Thúy An (5 tuổi) giữa chị Phạm Thị Thanh Mai và anh Hoàng Văn Tuấn.

Bị mất trắng quyền nuôi con khi ly hôn chồng giám đốc, người mẹ vừa giành được con đã bị chồng kháng cáo đòi lại - Ảnh 1.

Chị Mai và anh Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm yêu cầu thay đổi quyền nuôi con ngày 20-12.

Có mặt tại phiên tòa, cả chị Mai và anh Tuấn đều cho biết vì mong muốn tốt nhất cho sự phát triển của các con nên đều muốn là người trực tiếp nuôi dưỡng các bé. Để minh chứng cho điều kiện hiện có, chị Mai cho biết chị đang làm việc với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, có nhà cửa riêng, lại nhận được sự hỗ trợ từ phía bố mẹ đẻ. Chị Mai cũng là người trực tiếp dạy cho 2 bé học từ nhỏ đến lớn, là người gần gũi với 2 con. Trong khi đó anh Tuấn có mức thu nhập cao hơn với chức danh giám đốc một công ty do anh hùn vốn (khoảng 50 triệu đồng), có nhà cửa, giúp việc, tài xế riêng để chăm lo cho 2 con. Đồng thời anh Tuấn cũng không muốn hai con tách ra sống mỗi người một nơi nên nhất định giành quyền nuôi cả 2 bé.

Bị mất trắng quyền nuôi con khi ly hôn chồng giám đốc, người mẹ vừa giành được con đã bị chồng kháng cáo đòi lại - Ảnh 2.

Chị Mai là người trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc cho 2 bé từ nhỏ đến hiện tại.

Mặc dù có điều kiện tốt hơn chị Mai nhưng tại tòa, cả hai đều thừa nhận việc nuôi nấng, dạy dỗ các con từ trước đến nay đều do chị Mai phụ trách là chính. Đến thời điểm hiện tại, sau bản án sơ thẩm, chị Mai đã đón bé gái về nhà riêng để chăm sóc, bé gái vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn tốt hơn lúc trước. Đồng thời, bé trai tuy xa mẹ nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của mẹ mỗi ngày qua điện thoại, mạng xã hội.

Dựa vào các tình tiết nêu trên, cả VKS và chủ tọa phiên tòa đã bày tỏ quan điểm, nhận thấy việc giao cho mỗi người một đứa con để chăm sóc là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thể chất, tinh thần phát triển của hai bé. Đặc biệt, vị chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Trần Thanh Minh nhiều lần mong muốn anh Tuấn xem xét rút lại đơn kháng cáo để mối quan hệ sau này của anh chị được tốt hơn, không tranh chấp vì dù sao cũng còn có 2 con chung cần chăm sóc. Tuy nhiên, anh Tuấn vẫn một mực muốn giành quyền nuôi bé An, không giao quyền nuôi con cho người vợ cũ.

Bị mất trắng quyền nuôi con khi ly hôn chồng giám đốc, người mẹ vừa giành được con đã bị chồng kháng cáo đòi lại - Ảnh 3.

Chị Mai lo lắng quyền làm mẹ của chị bị tước đoạt một lần nữa.

Kết thúc các phần xét hỏi và tranh luận, đại diện VKS đã bày tỏ quan điểm về vụ tranh chấp quyền nuôi con, theo đó bác kháng cáo của anh Tuấn, đề nghị HĐXX công nhận quyền nuôi bé An cho chị Mai như bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó. Tuy nhiên, sau thời gian nghị án 15 phút, Thẩm phán Trần Thanh Minh lại tuyên bố sẽ kéo dài phần nghị án đến 6 ngày, vào chiều 26-12 sẽ tuyên án khiến nhiều người tham dự phiên tòa cảm thấy bất ngờ.

Trao đổi với chúng tôi sau phiên tòa, chị Mai nghẹn ngào: "Mong muốn lớn nhất của chị là được nuôi dạy và chăm sóc bé An cho đến ngày trưởng thành, chị không thể mất đi quyền làm mẹ một lần nào nữa. Phải rất vất vả hơn 1 năm ròng rã đấu tranh, qua 3 phiên tòa chị mới giành được quyền nuôi An. Chị hi vọng HĐXX sẽ tuyên y án sơ thẩm, chính thức công nhận quyền nuôi con của chị".

Bị mất trắng quyền nuôi con khi ly hôn chồng giám đốc, người mẹ vừa giành được con đã bị chồng kháng cáo đòi lại - Ảnh 4.

Giây phút hồi họp chờ HĐXX tuyên án, nhưng phải đến 6 ngày sau mới có kết quả.

Trước đó như chúng tôi đã thông tin, chị Mai và anh Tuấn kết hôn từ năm 2004 và có được 2 con (1 bé trai sinh 2007 và 1 bé gái sinh 2012). Do mâu thuẫn về vấn đề tiền bạc nên tháng 8-2014, cả hai quyết định ly hôn.

Không yêu cầu tranh chấp tài sản, chị Mai chỉ mong muốn được nuôi dưỡng hai con cho đến khi chúng trưởng thành. Nhưng cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trong năm 2016, tòa án đều trao cả 2 bé cho anh Tuấn chăm sóc bởi anh Tuấn thu nhập cao hơn chị Mai (45 triệu so với 15 triệu), anh Tuấn có tài xế, giúp việc riêng để tiện chăm sóc cho 2 con.

Quá bức xúc trước kết quả lạnh lùng của tòa án, chị Mai gởi đơn cầu cứu khắp nơi, nộp đơn lên TAND quận Gò Vấp xin thay đổi quyền nuôi con. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận thấy cả chị Mai và anh Tuấn đều đủ điều kiện để nuôi con, nhưng việc giao cả 2 bé cùng lúc cho anh Tuấn chăm sóc là quá nặng nề, hơn nữa bé An là con gái, đang trong độ tuổi phát triển nên đã chấp nhận yêu cầu của chị Mai, trao quyền nuôi bé An cho chị. Tuy nhiên sau phiên tòa, anh Tuấn lại làm đơn kháng cáo, nhất định đòi quyền nuôi dưỡng bé gái, không cho vợ cũ được nuôi con.

* Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc (tên nhân vật đã thay đổi).

Chia sẻ