​TP.HCM hướng dẫn người dân cách tránh bị nhà mạng “móc túi”

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Không mua sim rác, thường xuyên kiểm tra các ứng dụng dịch vụ, gọi tổng đài của nhà mạng yêu cầu hủy dịch vụ.

Đó là những cách thức mà Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM vừa đưa ra, đề nghị UBND các quận huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân đề cao cảnh giác, tránh bị mất tiền trong tài khoản điện thoại khi kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Sở thông tin truyền thông đã đề nghị UBND các quận huyện chỉ đạo cho các phòng ban, các đơn vị trực thuộc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn đề cao cảnh giác.

Theo lãnh đạo Sở, việc tuyên truyền này dựa chủ yếu vào hệ thống thông tin cơ sở, chẳng hạn như trên website của các quận huyện, đơn vị, dán thông báo ở bảng tin khu phố, đài truyền thanh, hoặc các hình thức tuyên truyền khác của địa phương nhằm đưa thông tin đến được với nhiều người dân...

Để kiểm tra các ứng dụng dịch vụ nội dung đang được cài trên điện thoại, Sở thông tin truyền thông khuyến cáo người dùng nhắn tin theo cú pháp gửi đến các doanh nghiệp viễn thông di động. Cụ thể:

- MobiFone: soạn KT gửi 994 (đầu số 090, 093, 0120, 0121, 0122, 0126, 0128, 089)

- VinaPhone: soạn TK gửi 123 (đầu số 091, 094, 0123, 0124, 0125, 0127, 0129, 088)

- Viettel: soạn TC gửi 1228 (đầu số 097, 098, 096, 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169, 086)

- Vietnamobile: soạn KTDV gửi 345 (đầu số 092, 0188)

- Gmobile: soạn TTTB gửi 1414 (đầu số 0993, 0994, 0995, 0996, 099)

Tin nhắn tới các tổng đài trên là miễn phí.

Trường hợp muốn hủy dịch vụ, người dùng gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông di động yêu cầu hủy dịch vụ: MobiFone gọi 18001090, VinaPhone gọi 18001091, Viettel gọi 18008198.

Ngoài ra, Sở Thông tin và truyền thông cũng lưu ý người dân không nên mua sim đã được kích hoạt sẵn (sim rác). Những sim này là sim có thông tin thuê bao không chính xác. Do đó, khi mua sim loại này để sử dụng, người dùng sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện về dịch vụ.

Liên quan đến nội dung này, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cũng đồng thời kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông các giải pháp quản lý đối với doanh nghiệp viễn thông; gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện đúng các quy định của thông tư 17/2016 của Bộ Thông tin và truyền thông về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 12-9-2016.

Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Lê Quốc Cường, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, cho biết thông tư 17 quy định nhà cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có nghĩa vụ thông tin các gói dịch vụ đang bị tính cước cho người sử dụng biết theo định kỳ để người sử dụng xem xét quyết định việc tiếp tục gia hạn hay hủy dịch vụ.

Tuy nhiên, thông tư này lại không quy định trách nhiệm tương tự đối với các nhà mạng. Trong khi đó, các nhà mạng mới là đơn vị ký hợp đồng cung cấp dịch vụ trực tiếp với người sử dụng, là đầu mối duy nhất có thể giải đáp mọi thắc mắc, khiếu nại của người sử dụng liên quan đến dịch vụ, giá cước…

Do vậy, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM kiến nghị bộ bổ sung quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông di động: phải xây dựng công cụ nhắn tin định kỳ thông báo cho người sử dụng biết số lượng các gói dịch vụ đã được chủ thuê bao kích hoạt và đang bị tính phí; hướng dẫn người sử dụng cách thức kiểm tra số lượng các ứng dụng dịch vụ đang được đăng ký trên thuê bao của mình…

“Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp quản lý thì người sử dụng dịch vụ cũng phải sáng suốt để tự bảo vệ mình, không nên sử dụng sim rác và nên thường xuyên kiểm tra các dịch vụ trong điện thoại của mình”, ông Cường khuyến cáo.

Ngoài những kiến nghị về quản lý dịch vụ thông tin trên mạng như trên, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cũng kiến nghị bộ bổ sung quy định cắt liên lạc đối với hành vi quảng cáo số điện thoại của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định, như dán, vẽ, treo, đặt trên các cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng… Ban hành quy định quản lý hành vi gọi điện thoại trực tiếp để quảng cáo các loại dịch vụ, hàng hóa…
Chia sẻ