TP.HCM: Bị tố mổ ruột thừa gây biến chứng nhưng bệnh viện FV lại chỉ trích ngược nạn nhân "không cảm kích"

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Chồng bệnh nhân cho rằng bác sĩ đã không mổ cấp cứu kịp thời khiến vợ ông bị biến chứng nặng ở ruột. Tuy nhiên phía Bệnh viện FV phản bác điều này, đồng thời khẳng định gia đình thay vì cảm kích các bác sĩ lại tạo ra một cuộc chiến không chính đáng.

Mới đây, ông Trương Văn Minh (quê Hà Nội, hiện ngụ TP.HCM) đã gửi đơn đến Sở Y tế TP.HCM đề nghị thanh tra sự việc vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Kim (61 tuổi) mổ nội soi ruột thừa tại Bệnh viện Pháp Việt (FV). Ông Minh cho rằng trong quá trình mổ, các bác sĩ tại bệnh viện trên đã làm bệnh nhân biến chứng nặng.

tocao-4

Bụng bà Kim sau khi mổ ruột thừa tại Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM).

Rách đại tràng ngang, viêm phúc mạc sau mổ ruột thừa

Theo đơn đề nghị, vào 19h30 ngày 11/6, ông Minh đưa vợ là bà Kim vào cấp cứu lại bệnh viện FV (số 6 đường Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, TP.HCM) do bị đau bụng kéo dài nhiều giờ. 

Sau khi thăm khám, chụp CT, xét nghiệm máu, các bác sĩ xác định vợ ông Minh bị viêm ruột thừa cấp và đề xuất mổ nội soi. 

tocao-7

Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM).

Rạng sáng 12/6, bà Kim được đưa vào phòng mổ, đến hơn 3h sáng chuyển sang phòng hồi sức và hơn 4h được đưa về phòng điều trị.

Sau đó, phẫu thuật viên là bác sĩ Trần Sĩ Doãn Điềm, Khoa Ngoại của bệnh viện thông báo cho gia đình trong quá trình thực hiện thủ thuật đưa trocar (dụng cụ trám bịt) vào ổ bụng đã làm rách đại tràng ngang của bệnh nhân.

"Bác sĩ nói do đại tràng sạch nên khâu lại luôn không rửa ổ bụng; ruột thừa viêm có mủ và dịch thẩm thấu ra ổ bụng nên rửa ổ bụng vùng này bằng dung dịch NaCl và đặt dẫn lưu vùng này" - ông Minh kể.

tocao-5

Bà Kim được phẫu thuật nội soi vào rạng sáng 12/6.

Ngày 13/6 gia đình yêu cầu siêu âm để kiểm tra tình trạng dịch trong ổ bụng. Lúc này do bác sĩ siêu âm đọc hồ sơ thì bà Kim mới biết mình bị viêm phúc mạc ruột thừa khu trú tại hố chậu phải. Bệnh viện sử dụng kháng sinh và thuốc giảm đau truyền cho bệnh nhân.

Ngày 18/6, gia đình đề nghị chụp CT lại trước khi ra viện theo kế hoạch. Theo ông Minh kết quả cho thấy một ổ dịch trong bụng tại vùng vết mổ quanh rốn dài khoảng 6cm - là vết khâu chỗ thủng đại tràng. 

"Bệnh viện truyền tiếp 3 ngày kháng sinh và 2 lần rửa vết thương mỗi ngày trong 3 ngày nên vợ tôi rất đau đớn. Đến nay dịch vẫn còn chảy thấm ra băng gạc trên vết mổ.

Mặc dù đau đớn nhưng vợ tôi không dám uống thuốc giảm đau theo chỉ định vì sợ rằng sẽ che lấp các triệu chứng nhiễm trùng khác" - người chồng bệnh nhân kể tiếp.

tocao-6

Ảnh chụp CT ổ bụng ngày 18/6.

Cho rằng bác sĩ phẫu thuật không mổ cấp cứu kịp thời dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc vùng hố chậu phải cho bệnh nhân, gia đình đã yêu cầu họp với Ban Giám đốc bệnh viện để làm rõ về phác đồ điều trị hiện tại và lâu dài cũng như mong muốn một cam kết của bệnh viện đối với các biến chứng do những sự cố đã gây ra cho người bệnh.

Ông Minh cho biết sau 2 lần họp với gia đình, giám đốc y khoa người Pháp của bệnh viện thừa nhận việc làm rách đại tràng là một tai nạn y khoa nhưng không nhận trách nhiệm đã gây ra tai nạn cho bệnh nhân; trả lời chung chung, vòng vèo, không nhận trách nhiệm về việc gây rách đại tràng, viêm phúc mạc khu trú.

Ngoài ra, trong các cuộc họp đều có người của bệnh viện ghi biên bản nhưng lại không chuyển lại các biên bản cho gia đình. Các hồ sơ gia đình yêu cầu, bệnh viện không chịu cung cấp.

"Ngày 22/6, bệnh viện có chủ trương cho vợ tôi ra viện. Tình trạng sức khỏe của vợ tôi giảm sút nhiều, đi lại khó khăn do đau rát vùng nhiễm trùng quanh rốn và hố chậu phải nên gia đình quyết định để vợ tôi ở lại bệnh viện chờ sự cam kết rõ ràng tử phía bệnh viện như họ đã hứa" - ông Minh thông tin.

Còn theo chị Nguyệt, con gái của bệnh nhân, dù phía bệnh viện đề xuất ngày 22/6 sẽ cho mẹ cô xuất viện nhưng gia đình không chấp nhận vì thấy vị trí nhiễm trùng của bà Kim còn rỉ dịch.

Bệnh viện FV: Bệnh nhân và gia đình không cảm kích còn tạo ra cuộc chiến không chính đáng

"Thực sự chúng tôi quá sửng sốt khi thay vì bà và gia đình nên bày tỏ sự cảm kích với bác sĩ phẫu thuật và đội ngũ nhân viên chăm sóc đã cấp cứu và điều trị thành công cho bà và nên đánh giá cao sự trung thực của bác sĩ, ngược lại bà và gia đình đang tạo ra một cuộc chiến mà chúng tôi tin rằng không có bất cứ một lý do chính đáng nào" - Bác sĩ Henry Maries, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện FV phản hồi với bà Kim trong văn bản chia sẻ sự lo lắng và mối quan tâm của bà cùng gia đình về sự việc.

Theo thông tin từ phía bệnh viện, tối 11/6 sau khi nhập viện bà Kim được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Bác sĩ phẫu thuật đã giải thích và thảo luận với bệnh nhân và gia đình về các phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện.

tocao-3

Bệnh viện FV cho biết, họ... "sửng sốt" và cho rằng gia đình bà Kim đang tạo ra một cuộc chiến..

Đồng thời, bác sĩ cũng thông báo và giải thích rõ các nguy cơ có thể xảy ra với từng phương pháp, trong đó có nguy cơ thủng ruột. Ông Trương Văn Minh thay mặt bệnh nhân ký cam kết chấp nhận.

Quá trình phẫu thuật nội soi, thông thường bác sĩ sẽ đưa trực tiếp trocar vào bụng bằng cách chọc thủng qua da. Tuy nhiên theo bệnh viện, trường hợp của bà Kim bác sĩ đã rạch một đường nhỏ ở thành bụng tại vùng rốn để đặt ống trocar đầu tiên.

tocao-8

Một số xét nghiệm thành phần của bà Kim kèm chi phí thực hiện.

"Mặc dù bác sĩ đã cẩn trọng như thế nhưng không tránh khỏi một lỗ thủng nhỏ xảy ra ở đại tràng ngang" - phía bệnh viện FV chia sẻ.

Sau khi bác sĩ nhận ra tình trạng này và khâu lại bằng hai mũi khâu, kíp điều trị nội soi thám sát và phát hiện tình trạng viêm ruột thừa gây nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc khu trú).

Bệnh nhân được cắt bỏ ruột thừa bị viêm, làm sạch khoang bụng, đóng các lỗ nội soi và đặt dẫn lưu.

Đến ngày 18/6, sau khi chụp CT theo yêu cầu từ gia đình, bác sĩ thấy có nhiễm trùng ở vị trí phẫu thuật nên làm sạch vết thương, đặt gạc dẫn lưu và thay băng cho bệnh nhân 2 lần/ngày.

cocao-7

Hiện gia đình đã chuyển bà Kim sang Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Bệnh viện FV nhận định nhiễm trùng vết mổ sau viêm phúc mạc là khá phổ biến. Việc nhiễm trùng vị trí phẫu thuật không có gì gây ngạc nhiên và không liên quan đến lỗ thủng xảy ra trong giai đoạn đầu cuộc phẫu thuật. 

Bệnh viện này cũng cam kết vết nhiễm trùng đang lành tốt và không cần điều trị tiếp bằng kháng sinh.

Sau tất cả, bệnh viện FV khẳng định bà Kim đã gặp phải một sự cố không may mắn. 

"Tuân theo các tiêu chuẩn về y đức của Bệnh viện FV, bác sĩ đã thông báo cho gia đình về rủi ro này... Chúng tôi nhận thấy không có bất kỳ sai sót nào và như vậy sẽ không thể áp dụng bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào cho gia đình" - Đại diện bệnh viện kết luận và cho rằng bệnh nhân đang tạo ra một cuộc chiến không chính đáng.

Theo thông tin mới nhất từ chị Nguyệt, con gái bệnh nhân thì đến sáng 28/6 tình trạng rỉ dịch tại vết nhiễm trùng của bà Kim vẫn không cải thiện. Gia đình đã quyết định đưa bà sang Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp tục điều trị.

Tổng cộng từ ngày 11/6 đến khi ra viện, khoản viện phí của bệnh nhân tại Bệnh viện FV là hơn 113 triệu đồng, không được miễn giảm khoản nào.

Chia sẻ