TP HCM đề xuất tiếp về 'khu nhạy cảm'
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP HCM đề xuất nên gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở một khu vực riêng.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP HCM, tiếp tục đề xuất thành lập khu dịch vụ nhạy cảm tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 vào ngày 23/10 tại Hà Nội.
Nên tổ chức thí điểm
Theo đó, ông Quý đề xuất thời gian tới nên chăng gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở một khu vực riêng.
Theo ông Quý, qua nhiều năm làm việc và đi thực tế tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán karaoke có tiếp viên nữ, cơ sở massage, xông hơi, xoa bóp... phần lớn người lao động làm việc nơi đây không được hưởng lương.
Khi đơn vị kiểm tra đột xuất thì các cơ sở này vẫn có hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng trên thực tế đây là biện pháp đối phó của các chủ cơ sở đối với cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra. Vì thế, quyền lợi người lao động không được đảm bảo.
Từ lập luận trên, ông Quý cho rằng khi được gom vào một khu vực, người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi như chăm sóc sức khỏe (khám định kỳ), tiền lương, bảo hiểm, không ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.
Đặc biệt, tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với những cơ sở này.
“Tôi nghĩ lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ, Quốc hội cần xem xét một cách nghiêm túc để chỉ đạo làm thí điểm đề xuất trên tại một số địa phương có tệ nạn mại dâm phức tạp. Khi thí điểm sẽ đưa ra được các ưu, nhược điểm để có biện pháp hữu hiệu hơn. Hiện nay, chúng ta cứ kêu gọi phòng, chống mại dâm mãi nhưng mại dâm cứ có dài dài...” - ông Quý nhận định.
Cũng theo ông Quý, khi triển khai kế hoạch trên tất nhiên không thể ngày một, ngày hai mà phải có lộ trình.
“Trường hợp Quốc hội, Chính phủ thấy đây là giải pháp hay và chỉ đạo lãnh đạo TP HCM triển khai, chúng tôi sẽ có một đề án cụ thể. Việc triển khai muốn đạt hiệu quả phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp ủy đến chính quyền địa phương, nếu không thống nhất thì rất khó thực hiện.
Hiện nay, Việt Nam không công nhận mại dâm là một nghề nên việc gom lại sẽ buộc các cơ sở hoạt động đúng pháp luật hơn...” - ông Quý nói.
Phải xem xét việc gom các cơ sở nhạy cảm
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết việc phòng, chống mại dâm đang có những diễn biến phức tạp buộc các địa phương phải nỗ lực kiềm chế, vì vậy việc các địa phương loay hoay tìm các giải pháp để kiềm chế mại dâm là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, đề xuất quy hoạch các cơ sở nhạy cảm vào một khu vực riêng phải được xem xét nhiều khía cạnh và cần nghiên cứu thêm.
Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội (Đoàn 2, TP HCM) kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng vi phạm mới đây tại quận 3. |
“Tôi ví dụ, một cơ sở gội đầu, massage tập trung vào một chỗ thì nó có tiện cho người dân không. Chúng ta thử hình dung nếu một người muốn đi massage phải đi từ quận 1 đến quận 3 hoặc quận 4 thì đã tiện chưa.
Thứ hai, nếu chúng ta khoanh vùng vào một khu vực rồi các khu vực khác chúng ta có khẳng định nó sẽ không có tệ nạn không. Nên tôi cho rằng phải tính toán kỹ, dịch vụ nào nó gần dân, tiện lợi cho người dân đó là mục tiêu của chúng ta, vì không phải tất cả hoạt động cơ sở kinh doanh này đều hoạt động mại dâm mà chỉ là bộ phận nhỏ...” - ông Đàm nói.
“Đây là một ý kiến hội thảo để chúng ta bàn luận xem cách nào, còn quan điểm cá nhân tôi nếu cách làm đó khả thi thì chúng tôi sẽ đồng tình nhưng đến bây giờ chưa thể nói được đó là phương pháp hay hay dở được...” - ông Đàm kết luận.
Bỏ nghề khi không còn... sức khỏe Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận là hiện nay phần nhiều những người từ bỏ nghề mại dâm không phải vì họ được “cảm hóa” mà họ bỏ nghề khi sức khỏe không còn. Người bán dâm cũng không mạnh dạn tiếp cận với các tổ chức, chính quyền địa phương để đề đạt nguyện vọng. Vấn đề tiếp cận vay vốn đối với những người bán dâm rất khó khăn vì vướng vấn đề thủ tục như bảo lãnh, thế chấp, độ tin cậy... Vì vậy, Thủ tướng đã ra Quyết định 29/2014 như một cú hích cho người bán dâm vay vốn chuyển đổi nghề nhưng hơn một năm rồi rất ít người được vay. Để giải quyết những vấn đề trên, ông Đàm cho rằng sắp tới chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền cho những người hành nghề mại dâm biết nếu cần vay vốn để bỏ nghề thì gặp ai. Chính quyền địa phương phải có người hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về mặt thủ tục để họ dễ dàng tiếp cận vay vốn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần quan tâm, không được e ngại khi thấy họ bị bệnh hoặc khó khăn để từ chối cho vay... 11.240 là số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước, tuy nhiên thực tế còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát. Gần đây xuất hiện các hoạt động mại dâm mới như gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, mại dâm qua Facebook... Tệ nạn mại dâm đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, như nguy cơ lây HIV/AIDS do quan hệ tình dục không an toàn (45% lây HIV qua đường tình dục), người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, bóc lột tình dục, bị kỳ thị, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Theo bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). |