Tốn tiền triệu cho tiệc tất niên nhưng không thể từ chối

HẢI MY, THIẾT KẾ: MAI LINH,
Chia sẻ

Bắt đầu vào mùa lễ hội, dân văn phòng “đau đầu” vì quá nhiều khoản chi, khó tiết kiệm vào dịp cuối năm.

Cuối năm luôn là thời điểm nhộn nhịp nhất bởi gần như dân văn phòng nào cũng phải “chạy đua” để hoàn thành hết tất cả các công việc. Cùng với đó, các dịp lễ, Tết liên tục khiến nhiều người đã phải lên kế hoạch chi tiêu dần từ bây giờ. Bởi bên cạnh các khoản mua sắm, quà biếu cá nhân, dân văn phòng còn có những buổi tiệc tất niên khó lòng từ chối tham gia.

Sẵn sàng chi tiền triệu cho các buổi tiệc tất niên

Từ giờ đến Tết Nguyên đán, chỉ cần liệt kê sơ qua cũng thấy nhiều dân văn phòng đang kín lịch tụ tập, ăn uống. Chiếm phần lớn trong số đó là tiệc tất niên với công ty, đồng nghiệp và cả bạn bè. Mai Thảo (25 tuổi) kể: “Các hoạt động thường niên của công ty mình vào dịp cuối năm là teambuilding, tiệc tổng kết năm. Ngoài ra các phòng, ban cũng sẽ tự tổ chức các buổi riêng để gắn kết đồng nghiệp. Bên cạnh công ty, mình có nhiều buổi hẹn với hội bạn thân, họp lớp. Chưa kể thời điểm này vẫn còn rất nhiều đám cưới, mình đang nhận được đến 3 thiệp mời từ giờ tới cuối năm”.

Lịch lễ, Tết triền miên là vậy nên Mai Thảo cũng đã phải xác định để dư ra một khoản tiền từ đầu tháng. Theo đó, cô liệt kê các chi phí bao gồm mua trang phục phù hợp với những buổi tiệc: “Tiệc công ty thường không tốn chi phí ăn uống nhưng vì có quy định về trang phục nên mình sẽ phải đầu tư nhiều cho khoản này. Cả năm mới có một lần và cũng cần sự sang trọng, chỉn chu nên mình sẵn sàng để chi phí cho khoản này không vượt quá 2 triệu đồng”. Còn đối với các buổi tất niên với bạn bè, đồng nghiệp, Mai Thảo dự tính cũng khoảng 500k cho một buổi tham dự.

Chưa kể, vì đã lập gia đình nên Mai Thảo còn phải trù bị kinh tế để mua quà biếu 2 bên gia đình nội, ngoại. Do đó, cô thường tiết kiệm từ kỳ lương tháng 11 và chờ thêm thưởng Tết, lương tháng thứ 13 để cuối năm có thể “xông xênh” hơn trong chi tiêu.

Tốn tiền triệu cho tiệc tất niên nhưng không thể từ chối - Ảnh 1.

Mai Thảo

Cũng vừa mới lập gia đình, Diệu Ly (25 tuổi) cho rằng chi phí mua quà biếu bố mẹ 2 bên khá “đau đầu”. Bản thân Diệu Ly cho biết khi còn độc thân, mỗi dịp cuối năm cô thường chỉ phải tính toàn cho các cuộc vui chơi, giải trí với bạn bè. Còn hiện tại khi đã có gia đình riêng, cô sẽ cần tính toán thêm vì các khoản chi gia tăng.

“Như mọi năm, mình tiêu tiền nhiều nhất chủ yếu vào các buổi tất niên. Mình có 3 hội bạn thân, chưa tính công ty và đồng nghiệp nên ít nhất cũng chia ra 3 buổi hẹn khác nhau rồi. Thông thường sẽ đi ăn, sau đó có thể đi cafe, karaoke, xem phim... Mà đã gọi là tất niên, ai cũng sẽ chọn những địa điểm ăn chơi “xịn” hơn trong năm một chút. Nên mình nghĩ riêng khoản này cũng phải tiêu từ 1,5 triệu - 2 triệu. Chưa kể có những buổi tất niên với gia đình nữa, nhà mình rồi nhà chồng nên có thể chi phí này vẫn tăng thêm”, Diệu Ly chia sẻ.

Không nằm ngoài các cuộc vui cuối năm, Nguyệt Hà (23 tuổi) cho hay bản thân đã sẵn sàng cho tinh thần chi tiêu mạnh tay cuối năm. Dù đã trù bị trước một mức nhất định, song Nguyệt Hà vẫn nghĩ đến đâu hay đến đó vì đôi khi sẽ có nhiều thứ phát sinh.

Nguyệt Hà bày tỏ: “Giống như mọi người thôi, cuối năm mình cũng sẽ có rất nhiều buổi tiệc tất niên từ công ty, đồng nghiệp đến bạn bè, gia đình. Thêm nữa mình có thêm một số buổi dự sinh nhật của vài người bạn thân. Tiệc cuối năm mà cần góp tiền ăn uống, mình dự chi ít nhất cũng phải 300k - 400k. Nếu thêm “tăng 2”, “tăng 3” cũng có thể lên đến gần 1 triệu. Đó là chưa kể chi phí mình đầu tư cho trang phục, di chuyển… Mình cũng đã lường trước cuối năm phải chi tiêu nhiều cho những buổi tụ tập rồi, cố gắng kiểm soát nhất có thể thôi”.

Tốn tiền triệu cho tiệc tất niên nhưng không thể từ chối - Ảnh 2.

Nguyệt Hà

Mỗi năm chỉ có một lần, không tham gia không được

Biết là tốn kém như vậy nhưng phần đông dân văn phòng đều cho rằng dù không ai bắt buộc cũng vẫn phải tham gia đầy đủ. Thực tế, đây không phải câu chuyện quá xa lạ và dù “đau đầu” vì chi tiêu nhưng họ vẫn cố gắng góp mặt để không làm mất lòng ai. Hơn nữa, nhiều người cũng cho rằng đây là lẽ đương nhiên, không thể thiếu dịp cuối năm.

Nguyệt Hà cho rằng tiệc tất niên chỉ một năm mới có một lần, được coi là dịp đặc biệt và quan trọng nên dù thế nào cũng không thể từ chối: “Tiệc công ty, tiệc với đồng nghiệp là chắc chắn phải tham gia. Có lẽ mình sẽ không đi tất niên trong trường hợp đó là mối quan hệ không thân thiết bằng. Nhưng cũng sẽ tìm lý do khéo léo từ chối để không làm mọi người buồn”. Cô cũng cho rằng tâm lý chung của mỗi người là cuối năm mới có thời gian để ngồi lại cùng nhau nên không cần phải đặt nặng vấn đề tiết kiệm.

Còn đối với Diệu Ly, cô cho biết bản thân là một người ham vui, rất thích các cuộc vui tụ tập đông người nên sẽ tham gia đầy đủ những buổi tất niên. “Thực lòng mình không giỏi từ chối, cũng sợ mọi người mất lòng nên hầu như ai rủ mình đều đồng ý hết. Bình thường mình đã không phải người quá chi ly trong tiền nong nên cuối năm mình càng không để tâm nhiều. Vì mình biết cũng khó tránh được nên cứ đến đâu hay đến đó thôi. Cả năm mới có một lần mà”, Diệu Ly giãi bày.

Tốn tiền triệu cho tiệc tất niên nhưng không thể từ chối - Ảnh 3.

Diệu Ly

Trái với Diệu Ly, Mai Thảo thường lên kế hoạch cụ thể hơn cho việc chi tiêu của bản thân. Vẫn tham gia các sự kiện nhưng cô sẽ sắp xếp tài chính, phân bổ tiền hợp lý để tránh bị “vung tay quá trán”.

Mai Thảo nói: “Vừa tiết kiệm tiền mà lại vẫn giữ được mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh có lẽ là một điều rất khó trong dịp cuối năm. Nên thay vì từ chối, mình lựa chọn cắt giảm các khoản chi thường ngày khác để cân đối tài chính, vẫn có đủ ngân sách để tham gia các buổi tất niên đặc biệt”.

Tuy nhiên trừ tiệc tất niên với công ty là bắt buộc tham gia, theo Mai Thảo, các buổi hẹn khác cũng có thể lên kế hoạch để tham dự hợp lý. Chẳng hạn đồng nghiệp sẽ chỉ đi một buổi đầy đủ nhất để những nhóm nhỏ tách riêng không tham gia cũng không làm mất lòng ai. Bên cạnh đó, có thể chỉ cần gặp nhau uống cafe, trò chuyện không cần phải tổ chức ăn uống quá linh đình vì xu hướng chung mọi người đều bận rộn.

Ngoài ra, Mai Thảo cho rằng nếu ai cảm thấy tài chính có giới hạn, dù đã giảm các khoản chi khác nhưng vẫn không thực sự dư giả thì nên cân nhắc về mức độ quan trọng của những bữa tiệc, sự thân thiết với các thành viên. Bởi dù sao vẫn có thể sắp xếp các dịp khác để gặp gỡ như vào dịp năm mới chẳng hạn, không nhất thiết phải dồn hết vào cuối năm để tránh “quá tải” cho hầu bao.

Chia sẻ