Tôi trao thân cho chồng không phải đêm tân hôn
Điều bất ngờ lớn nhất là tôi đã không có giọt máu hồng làm bằng chứng báo hiệu vẫn còn trinh. Thậm chí "lần đầu" của tôi cũng không quá đau đớn.
Tôi cũng như bao nhiêu người con gái Việt khác thường được mẹ dạy phải giữ gìn sự trong trắng đến khi lấy chồng. Chính bố tôi là động lực khiến mẹ tôi hay phải dặn dò con gái cẩn thận và biết giữ mình. Mẹ tôi thường bảo, mặc dù mẹ còn nguyên vẹn cho đến khi lấy bố, nhưng sống bên bố, mẹ hiểu nếu bà không còn nguyên vẹn thì hậu quả sẽ thế nào.
Tôi lớn lên với một vài cuộc hẹn hò nhưng chưa bao giờ đi quá giới hạn. Dù nhiều lúc ở bên bạn trai, tôi cũng rất muốn được đi đến tận cùng (có lẽ đó là cảm xúc chung của những người đang yêu). Nhưng tôi đã luôn biết dừng lại đúng lúc. Tôi cố gắng dành lần đầu tiên cho chồng mình.
Tôi tự nguyện dâng hiến vì quá yêu thương anh. Nhưng điều bất ngờ lớn nhất là tôi đã không có giọt máu hồng làm bằng chứng báo hiệu vẫn còn trinh. Thậm chí "lần đầu" của tôi cũng không có gì quá đau đớn.
Trong khi chồng tôi không có ý kiến gì về việc đó, cũng không tỏ bất cứ một thái độ khác lạ gì, anh vẫn yêu thương và ngày càng yêu hơn thì tôi lại luôn tự thắc mắc về điều này. Tôi cảm thấy bao nhiêu năm gìn giữ của tôi bỗng chốc thành con số không. Nếu chồng tôi như bao người đàn ông khác hỏi han cặn kẽ, chắc tôi cũng chẳng biết nói sao, chẳng biết làm gì để chứng minh tôi nguyên vẹn.
Bây giờ chúng tôi đã cưới nhau được hơn nửa năm và tôi đang mang trong mình giọt máu của anh ấy. Tôi rất hạnh phúc với cuộc sống của mình. Nhưng thật lòng tôi cũng không biết là anh ấy vị tha hay anh ấy không quan trọng chuyện trinh tiết hoặc anh nghĩ như thế nào nữa.
Trước đây, anh ấy luôn chủ động giữ gìn khi hai đứa gần nhau. Nhưng sau đó quan niệm của anh có lẽ đã đổi khác. Ngày chúng tôi còn yêu, anh có gặp một biến cố và tưởng sẽ cướp đi mạng sống. May mắn anh đã dần hồi phục để trở lại bên tôi. Có lẽ cú sốc đó quá lớn với anh nên chuyện trinh tiết cũng không còn quan trọng nữa.
Trong những ngày anh bị bệnh, tôi đã luôn ở bên. Anh nói anh sợ mất tôi, rất sợ tôi bỏ anh theo người khác. Nhưng tôi rất yêu anh. Tôi yêu anh ngay cả trong những lúc anh bệnh nằm đó, thân thể tiều tụy thì tôi vẫn không ngừng yêu anh.
Nhiều lần tôi tự hỏi, phải chăng anh đã tìm lại được sự sống sau tai nạn? Phải chăng anh luôn có tôi đồng hành bên cạnh những khi vui vẻ cũng như lúc hoạn nạn nên đến khi bình phục điều đó có ý nghĩa hơn giọt máu kia? Dù thế nào thì tôi cũng cảm thấy may mắn khi lấy được người tôi yêu hết lòng. Và việc không có vài giọt máu hồng kia đã không làm cho cuộc đời tôi trở nên tồi tệ.
Tôi nghĩ rằng, cuộc sống này có bao điều đáng để trân trọng. Có lẽ những ai từng đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết như chồng tôi sẽ bớt đi hoặc mất đi cái quan niệm cổ hủ kia. Thực tế, quan trọng nhất là sự sống và lòng chung thủy mới giúp mỗi người có được hạnh phúc. Nếu sự sống không còn thì trinh tiết để làm gì? Nếu không có lòng chung thủy thì cái màng trinh kia cũng không đảm bảo được hạnh phúc lâu bền.
Tôi mong các bạn trai luôn đánh giá người mình yêu qua phẩm chất của họ chứ đừng dùng giọt máu vô nghĩa kia làm thước đo giá trị người phụ nữ. Mong các bạn gái trong bất cứ hoàn cảnh nào hãy biết vượt lên chính mình, vượt lên trên những quan niệm cũ để tạo cho mình một lối thoát, một cuộc sống hạnh phúc.