Tôi nhận ra những người thông minh tỉnh táo quanh mình không còn thích tiêu tiền nữa!
Cơn sốt tiêu tiền dường như không còn được ưa chuộng ở thời điểm này?
Một khi bạn có tiền, bạn đương nhiên sẽ sẵn sàng chi tiêu. Nhưng hiện nay, thị trường việc làm không còn sôi động như trước, tốc độ tăng trưởng thu nhập cũng vì thế mà bị “bóp phanh ghì lại”.
Tiền trong túi có tăng cũng chẳng thấm vào đâu so với giá xăng dầu, thực phẩm, đặc biệt là giá bất động sản (BĐS).
Những người quanh tôi không còn thích tiêu tiền nữa!
Mua nhà, mua xe, cưới vợ, sinh con, thử hỏi có mục nào không cần đến rất nhiều tiền? Lấy việc mua nhà làm ví dụ. Giá nhà ở hiện tại cao ngất ngưởng đối với những người thuộc tầng lớp lao động bình thường. Để tiết kiệm đủ tiền trả trước và trả hết nợ thế chấp, làm sao bạn có thể dám tiêu tiền hoang phí?
Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nền kinh tế. Khái niệm tiêu dùng của chúng tôi cũng đang thay đổi. Trước đây, mọi người đều nghĩ rằng tiêu tiền có nghĩa là tận hưởng cuộc sống và làm điều tốt cho bản thân.
Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều người bắt đầu nhận ra rằng tiết kiệm tiền tối đa mới là quyết định mang lại hạnh phúc vì tương lai luôn có nhiều biến cố, chẳng thể lường trước. Thứ duy nhất chúng ta có thể kiểm soát chỉ là túi tiền của mình. Chỉ có tiền trong tay, mới có thể tự tin đương đầu với sóng gió cuộc đời.
Sự thay đổi trong quan niệm tiêu dùng này đặc biệt rõ ràng ở giới trẻ. Họ không còn theo đuổi lối sống xa hoa nữa mà đã quan tâm nhiều hơn đến tính thiết thực của từng đồng chi ra. Họ thích tiêu tiền để cải thiện bản thân và đầu tư vào bản thân hơn là chỉ tiêu tiền để hưởng thụ.
Thực ra, sự thay đổi này không phải là điều xấu. Nó cho thấy xã hội chúng ta đang ngày càng lý trí và trưởng thành hơn. Mọi người không còn theo đuổi sự hưởng thụ vật chất một cách mù quáng mà bắt đầu chú ý đến thế giới nội tâm và sự phát triển lâu dài của mình.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi người đều không thích tiêu tiền. Vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng “móc hầu bao” cho ước mơ và chất lượng cuộc sống. Chỉ là môi trường hiện tại đã khiến mọi người thận trọng và lý trí hơn.
Tôi có một người bạn từng ví dụ điển hình nhất cho lối sống hưởng thụ. Cô luôn tiêu hết sạch tiền lương mỗi tháng để trang trải cho chi phí thuê một căn hộ cao cấp, cùng những chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng bây giờ, cô ấy đã thay đổi.
Bạn tôi bắt đầu tiết kiệm tiền và học cách quản lý tài chính. Cô cho biết chơi mãi, hưởng thụ mãi rồi cũng chán và quan trọng hơn cả là cảm giác bất an khi thu nhập giảm mà trong người chẳng có nổi vài triệu phòng thân. Đó là lúc cô nhận ra mình cần phải hạ nhiệt “cơn sốt tiêu tiền” mà bản thân đã duy trì bấy lâu.
Bạn thấy đấy, không phải là người ta thực sự không thích tiêu tiền nữa. Chỉ là trong thời đại này, chúng ta cần đối xử với tiền bạc một cách hợp lý và lý trí hơn. Chúng ta cần hiểu rằng tiền không phải là mục đích sống mà là phương tiện sống. Mục đích thực sự là sống một cuộc sống tốt hơn và thực hiện ước mơ.
3 bước để bắt đầu hành trình tiêu dùng lý trí
Để bắt đầu tiêu dùng lý trí hơn, tôi nghĩ bước đầu tiên là phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Tiền là mồ hôi nước mắt, bạn phải biết đâu là thứ nên chi và đâu là thứ nên tuyệt đối chối từ.
Bước tiếp theo, bạn phải học cách đầu tư vào bản thân. Cải thiện kỹ năng làm việc hay làm phong phú thế giới nội tâm đều là những khoản đầu tư hợp lý.
Thay vì chi bộn tiền cho quần áo mỹ phẩm hay những món đồ vô thưởng vô phạt, bạn có thể chuyển hướng dòng tiền chi ra của mình vào những chuyến du lịch, những khóa học. Đều là chi tiền nhưng lựa chọn thứ 2 chí ít cũng mang lại giá trị về lâu về dài cho bạn, còn quần áo hay những vật ngoài thân chỉ có giá trị nhất thời. Chúng ta không nên chi tiền cho những thứ chỉ có tác dụng trong chốc lát.
Cuối cùng, bạn phải có tầm nhìn xa. Đừng chỉ tập trung vào niềm vui trước mắt, hãy nghĩ về tương lai và ước mơ của bạn. Tôi nghĩ rằng chỉ đến khi nào cảm thấy chán nản tột độ với cuộc sống túng thiếu và tình trạng vô sản của bản thân, người ta mới có đủ động lực để thay đổi cách chi tiêu và kiên tâm theo đuổi việc tiết kiệm.
Chừng nào bạn còn hài lòng với cảnh đi thuê nhà, với số dư tài khoản chẳng đủ để làm bất cứ việc gì vào cuối tháng, bạn vẫn chưa thay đổi được đâu.
Mỗi người sẽ có một lý do, một suy nghĩ khác nhau trong việc thay đổi quan niệm tiêu tiền, từ vung tay quá trán trở thành người chắt chiu từng đồng lẻ. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi nghĩ sự thay đổi này thực sự là một điều tốt. Nó cho phép chúng ta đối mặt với cuộc sống và tương lai theo cách trưởng thành và an toàn hơn.
Theo Toutiao