Tôi cảm động vì những ân tình của bố chồng dành cho
Một tay bố bế cháu, tay kia đang nấu thức ăn còn trên áo là một tảng vàng chóe đã khô của trẻ nhỏ ị ra. Thế mà bố vẫn cười, vẫn bảo tôi thay quần áo, ăn cơm cho đỡ đói rồi hãy bế con.
Tôi đã đọc được khá nhiều bài viết của chị em về cách sống, cách sinh hoạt của bố chồng cùng sống chung dưới một mái nhà trên trang kiến thức gia đình Afamily. Hôm nay tôi cũng được xin có vài lời tâm sự về chuyện gia đình tôi, nhất là tôi - một người phụ nữ trẻ sống chung với bố mẹ chồng khá nhiều tuổi trong cùng một mái nhà và cũng là một cách chia sẻ thân tình nhất, góp thêm một chút gia vị đến chủ đề mà mọi người trên chuyên mục đang quan tâm: bố chồng.
Tôi xin nói qua về mẹ chồng tôi, tôi về làm dâu nhà bố mẹ từ cách đây hơn chục năm trước. Cũng giống như chị em phụ nữ khi về nhà chồng, mọi vấn đề trong cách sống khác hoàn toàn so với lúc trước khi tôi lấy chồng. Tôi luôn nghĩ rằng: mình còn trẻ, còn khỏe, mình yêu và lấy chồng thì bổn phận của mình là phải biết quan tâm đến tất cả mọi người trong gia đình nhà chồng bằng tấm lòng chân thật nhất thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Tuy nhiên, cuộc sống là muôn hình muôn vẻ, bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu những nỗi buồn khổ mà mẹ chồng tôi "chia sẻ" cho riêng tôi, tôi luôn luôn nhận với sự nhẫn nại chịu đựng. Cứ thế, cứ thế, diễn ra cho đến nay đã hơn mười năm mà thâm tâm tôi chưa một lần oán hận mẹ chồng, chưa một lần dù là phủ miệng nói với ai rằng: mẹ chồng tôi ghê gớm quá! Đã thế, cứ mỗi tối tôi đi ngang qua hành lang cầu thang làm việc gì đó, nhìn xuống phòng khách thấy mẹ chồng tôi ngồi một mình xem ti vi, mái tóc bạc phơ... vầng trán nhăn lại tôi lại thấy tim tôi nhói đau thương cho mẹ chồng tôi quá!
Tôi cứ luẩn quẩn trong đầu với bao ý nghĩ: vì sao mà mẹ tôi không vui vẻ, vì sao mà mẹ tôi cứ phải thế này thế nọ với tôi để rồi chính bà cũng khổ sở khi dốc toàn bộ sức lực để làm cho tôi buồn khổ. Mà tôi đau khổ, buồn bã thì sức tôi vẫn còn khỏe, tinh thần tôi vẫn còn trẻ thì làm sao mà tôi có thể tiều tụy được? Trong khi đó mẹ tôi đã già, sao mẹ phải hành hạ bản thân mình như thế...
Nhưng tôi cũng may mắn, cũng được hưởng hạnh phúc tuy rằng không trọn vẹn vì có người bố chồng hiểu biết và chia sẻ những vô lý, những bất thường của mẹ chồng, của anh chồng, của em chồng đối với tôi trong cuộc sống. Bố không chia sẻ bằng cách nói thẳng ra với những bất công đó, nhưng bố lại nói tôi rằng: "Bản chất con người rồi con ạ, trẻ thì có thể thay đổi được chứ già rồi thì làm sao thay đổi được hả con. Con hãy sống với tính cách của con hiện có thì con sẽ không phải bất an với bất kể điều gì xảy đến với con!".
Bố tôi còn bảo với mọi người: Nó (ý bảo tôi) là tờ giấy trắng khi về làm dâu nhà mình, mình hướng nó theo đường nào thì nó đi đường đó, chứ nó trẻ con biết gì! (trong khi đó tôi đã ăn học đàng hoàng rồi). Bố tôi là người thương con thương cháu, từ những việc nhỏ nhặt nhất bố cũng có thể làm mà tôi là dâu, tôi cũng thấy thật ngại, thật áy náy! Bố trông con cho tôi lúc cháu mới được hơn tháng tuổi khi tôi về Hà Nội học. Những buổi trưa nắng tôi từ trường về nhà trọ vừa mệt vừa đói vì cả đêm trông con cộng với học hành, sáng dậy lại còn vắt sữa cho con để ở nhà cho con ăn rồi mới đi học.
Khi về đến nhà cảnh tượng đập vào mắt tôi là: một tay bố bế cháu, tay kia đang nấu thức ăn còn trên áo của bố là một tảng vàng chóe đã khô của trẻ nhỏ ị ra! Thế mà bố vẫn cười, vẫn bảo tôi thay quần áo, ăn cơm cho đỡ đói rồi hãy bế con. Bố còn bảo tôi nên kế hoạch vì tuổi tôi còn trẻ, nếu nhỡ kế hoạch thì khổ cho tôi... Còn nhiều việc nữa mà hơn mười năm về trước bố tôi đã đối xử với tôi (Có lẽ khi đó tôi cũng bằng tuổi các bạn tâm sự trên Afamily bây giờ) làm tôi vô cùng cảm động.
Tôi cảm động vì tôi nghĩ đó là những hành động, những cử chỉ của bố đẻ của tôi chứ không phải đó là bố chồng tôi nữa. Rồi khi tôi sinh cháu thứ hai, bố tôi cũng đã già, không lo lắng cho tôi được những việc như trước nữa nhưng bố vẫn dành tình yêu cho cháu, cho con bằng những hành động thiết thực nhất: cả ngày tìm mo cau để kéo xe cho cháu ngồi lên, quan tâm đến lúc cháu ốm đau, cháu ăn uống... Tôi kính trọng bố chồng tôi, cả đời này của tôi, tôi có báo hiếu cũng không đền đáp được ân tình của bố dành cho tôi, cho các chị em dâu mà may mắn được về làm dâu nhà bố!
Các bạn ạ, khi đọc được những dòng tâm sự của các bạn, tôi nghĩ một phần các bạn tiên tiến nên có những suy nghĩ "thoáng" hơn một chút với tôi, nhưng các bạn cũng đừng nên đưa những chữ về bố chồng mình với cái tên nghe quá phản cảm "bệnh hoạn", "dê già" như thế. Sự việc của các bạn hiện tại nghe có vẻ rất gần như thế, nhưng bản thân các bạn cũng sẽ biết cách xử lý sao cho hợp tình hợp lý mà. Dù sao và dù thế nào đó vẫn là bố của chồng mình, không việc gì mình phải ngại ngùng mà không bày tỏ quan điểm với chồng về những hành động mà các bạn cho là "lạ lùng" của bố cả. Để từ đó các bạn tìm được những hướng gợi mở từ chồng, từ người thân trong gia đình chồng để các bạn sống vui vẻ, khỏi phải hiểu lầm và mất tôn trọng lẫn nhau khi ở cùng một nhà!
Vài lời chia sẻ đến bạn đọc mục Tâm sự Afamily, có thể là những lời nói chân tình của tôi khiến một số các bạn không hài lòng nhưng tôi luôn mong muốn một số các bạn gặp rắc rối trong những trường hợp tế nhị này sẽ tìm được niềm yêu thương, kính trọng từ những người thân trong gia đình mình!
Thân ái!