Toại nguyện

Cẩm Vân,
Chia sẻ

Tiếng giày khua lộp cộp trên cái thềm nhà bằng xi măng, hướng thẳng đến chỗ bà. Bà ngạc nhiên ngoảnh nhìn ra. Mắt nhòa đi thấy mấy bóng người lừng lững đi vào, nam có, nữ có, lại thêm tiếng trẻ con trong trẻo cất lên: “Mẹ ơi, bà nội đâu rồi?”.

Người đàn bà ngước đôi mắt mòn mỏi hướng ra phía ngoài. Màn mưa trắng xám dày đặc gợi nhớ lại những hoài niệm một thời. Bà đưa bàn tay chỉ còn lại hai ngón lành lặn nhưng vẹo vọ, gắng gượng gạt đi dòng nước mắt đã trào ra trên gương mặt nhăn nheo già nua trước tuổi của mình.

Một đêm mưa gió của gần ba chục năm về trước, tiếng khóc của một đứa bé trai kháu khỉnh làm ồn ã cả một khu trại phong nằm khuất nẻo dưới chân núi. Mọi người đổ xô sang xem mặt đứa trẻ. Người mẹ mừng mừng tủi tủi chăm chú nhìn từng đường nét trên khuôn mặt của đứa bé, rồi lặng lẽ quay đi. Cô nhân viên của trại vừa vào vai một người hộ sinh, đỡ lấy đứa bé trên hai tay, nước mắt cô cũng thánh thót hòa theo những tiếng sụt sùi quanh mình, chậm rãi bước ra ngoài. Người mẹ vùi mặt vào gối, để mặc cho trái tim đang quặn thắt đến nghẹt thở vì đau đớn. Một vài các bà, các chị xích lại gần, ghé tai chị an ủi: “Thôi con ạ, cứ coi như duyên phận chỉ có thế thôi. Cho nó đi làm con nuôi là cho nó một cuộc sống tốt đẹp hơn ở trong cái trại phong này cả trăm ngàn lần. Sau này, nó lớn nó hiểu biết, nó sẽ tìm về. Bằng không, nó sung sướng, hạnh phúc cũng như mình hạnh phúc con ạ!”. Người mẹ nhắm nghiền mắt lại, khe khẽ gật đầu…

Thấm thoắt đã gần ba chục năm trôi qua, người mẹ giờ đã thành một phụ nữ trung niên mang khuôn mặt khắc khổ của một bà già. Bệnh tật khiến toàn thân bà trở nên co rúm lại, mấy đốt ngón tay đã rụng, giờ đã thành chai. Khu trại phong chỉ còn toàn những người có tuổi, họ sống với niềm tin và nỗi mong mỏi bệnh tật không lặp lại ở thế hệ tiếp nối. Cũng như bà, vẫn ngày ngày dõi theo để rồi lại thở phào khi hay tin con mình khỏe mạnh.
 
 
Căn phòng trống tuềnh toàng, một bộ bàn ghế xập xệ kê giữa phòng và một chiếc giường đơn cũ nát, dưới gầm có một hòm sắt đựng quần áo, bà đã sống như thế trong suốt từng đó năm với hy vọng mong manh về một sự trở về.

Trại phong dần thưa người, nhất là sau khi trải qua những mùa rét. Cứ hễ có người ra đi, họ lại ngậm ngùi nghĩ đến thời khắc của mình.

Bà đặt hai bàn tay lên đầu gối, nhỏm người đứng dậy, mệt mỏi vào giường nằm. Chiếc giường vẫn kêu cọt kẹt dù sức vóc bà giờ đây nhỏ thó và yếu ớt. Bà mệt mỏi nghĩ đến giờ phút kết thúc cuộc đời mình. Trong đầu bà lần lần lại từng ký ức chắp vá, tất thảy đều là những thông tin bà nhờ người tìm hiểu góp nhặt lại một cách lặng lẽ. Bất giác bà mỉm cười. Bà đang nghĩ đến ba năm trước, khi đám cưới của con trai mà bà đã cho đi diễn ra. Bà nhờ cô nhân viên ở trại dẫn bà lên tận khách sạn nơi tổ chức lễ cưới để trộm nhìn từ xa hai vợ chồng nó, rồi hài lòng trở về. Bà còn có một đứa cháu gái bé bỏng, năm nay tròn hai tuổi mà bà chưa thấy mặt. Bà gật gù ngẫm nghĩ: “Lựa chọn của mình là đúng đắn”, bà vui và hài lòng với cuộc sống, dù đây đó vẫn thoảng qua một tia hy vọng nhỏ nhoi nào đó.

Bà mỏi mệt nhắm nghiền mắt lại. Bỗng có tiếng xe máy rì rì dừng lại trước cửa phòng của bà, bà nằm yên chăm chú lắng nghe.
 

Tiếng giày khua lộp cộp trên cái thềm nhà bằng xi măng, hướng thẳng đến chỗ bà. Bà ngạc nhiên ngoảnh nhìn ra. Mắt nhòa đi thấy mấy bóng người lừng lững đi vào, nam có, nữ có, lại thêm tiếng trẻ con trong trẻo cất lên: “Mẹ ơi, bà nội đâu rồi?”, lại có tiếng một phụ nữ trẻ, đoán chừng là mẹ của con bé, nhẹ nhàng: “Suỵt, con nói bé thôi. Bà nội bị mệt, bà đang nằm trên giường đấy”. Bà bủn rủn cả chân tay, bối rối dụi mắt. Bên ngoài, dân cư của cả khu trại phong đang túm năm tụm ba bước tới, ngấp nghé ngoài bậc thềm. Người ta lao xao gọi với vào: “Này bà, con cái cháu chắt nó tìm về thăm đấy, còn không mau dậy đi thôi”.

Bà không tin vào những gì tai mình nghe thấy, xúc động ngồi thẳng dậy trên giường, miệng cười méo mó. Đứa con trai chạy lại, nắm lấy bàn tay bà lay lay, miệng lắp bắp: “Mẹ, chúng con đã về đây. Chúng con vừa hay biết tin mẹ ốm và sự thật của ba chục năm về trước. Mẹ nhìn xem, đây là con dâu và cháu nội của mẹ…”.

Cô con dâu đón lấy bàn tay bà, ấp trong lòng bàn tay mình, nghẹn ngào: “Con chào mẹ ạ. Cún ơi, lại chào bà đi con. Chúng con về đây rồi. Từ giờ, chúng con xin đón mẹ về phụng dưỡng để bù đắp lại những tháng ngày vừa qua mẹ nhé!”.

Bà ấp úng xúc động, vỡ oà trong hạnh phúc cảm nhận bàn tay bé nhỏ của đứa cháu gái đang nắm chặt lấy ngón tay vẹo vọ của mình. Bà như được tiếp thêm sức mạnh, bỗng thấy mình khỏe khoắn lạ kỳ. Ai cũng biết bà vui và hạnh phúc nhường nào, chỉ có một điều duy nhất mà chỉ có vợ chồng con trai bà biết, đó là giữa họ đã xảy ra một cuộc đấu tranh tư tưởng căng thẳng nhất. Nhưng cuối cùng, tình cảm ruột thịt và sự hiểu biết đã chiến thắng nỗi sợ hãi và sự xa lánh tồn tại bên trong mỗi người.

Chia sẻ