Vô duyên để… giữ vợ!
Tạm gọi vợ chồng họ bằng 2 cái tên dễ thương là Múi mít và Hột mít. Múi mít là kỹ sư giỏi, được nhiều công ty điện tử hàng đầu săn đón và tất nhiên cũng có nhiều phụ nữ săn đón.
Ngày chưa lấy vợ anh cũng phong độ lắm với chiều cao lý tưởng và thân hình cân đối, nhưng nhờ tài nấu ăn ngon của vợ nên cứ nhích ra từ từ và được vợ ưu ái gọi là Múi mít. Còn Hột mít thuộc mẫu phụ nữ hai giỏi, dáng vóc nhỏ bé và rất nhanh nhẹn hoạt bát, thế nhưng từ khi mang bầu cô trở nên tròn quay vì chiều ngang giãn nở trong khi chiều cao thì đã bị chốt sổ từ lâu nên bị chồng gọi là Hột mít.
Dù Hột mít bị xuống cấp và khá “xộc xệch” nhưng Múi mít lúc nào cũng săn đón như hồi mới yêu. Đi làm về, chồng lăng xăng vào bếp phụ vợ, vừa đút cho con ăn vừa làm hoạt náo viên khiến thằng nhóc cười sằng sặc văng cả bột lên áo và mặt mũi bố. Thế mà Múi mít cứ để nguyên vậy cho đến khi vô bàn ăn, khiến Hột mít nhìn mà cười muốn văng khỏi ghế. Vậy mà chồng còn nhăn răng ra trêu vợ: “Kệ tui, tui xấu và vô duyên vậy cho vợ tui nhờ!”.
Số là có lần vô tình gặp nhau tại quán cơm bình dân giờ ăn trưa, một đồng nghiệp của Múi mít ngồi cùng bàn với Hột mít và kể cho Hột mít nghe rằng Múi mít đã nói tỉnh queo với một cô bạn đồng nghiệp: “Vô duyên cho vợ tui nhờ!” Nguyên do là cô ta cứ “tán” hoài mà không được, giả vờ hỏng xe để quá giang thì anh không chịu chở, cô làm bộ nhờ vả rồi mời đi uống nước thì anh từ chối, ỏng ẹo trước mặt anh thì anh cứ như bị mù, nhắn tin à ơi với anh thì anh xóa cái rột rồi chẳng trả lời trả vốn gì hết…
Đỉnh điểm là bữa đó cô nàng lại mượn cớ xe bị hư để quá giang về nhà nhưng lại bị anh từ chối, tức quá cô nàng mới bảo: “Sao anh khó chịu và vô duyên thế?”. Anh nói luôn “Vô duyên cho vợ tui nhờ!”. Bị ghét thì cũng đành chịu, anh cho rằng đó là cách hiệu quả nhất để giữ vợ, giữ hạnh phúc gia đình. Mình có đàng hoàng, đâu ra đó thì mới mong vợ mình tôn trọng mình, mới không mơ màng đến người đàn ông khác và không hát bài “nửa đêm nhớ ai…”.
Ảnh minh họa, nguồn: internet.
Mà đó không phải là lần duy nhất Múi mít bị rủa là “vô duyên”, bởi sự hấp dẫn của người đàn ông trí thức, đạo mạo cũng làm nhiều phụ nữ liêu xiêu lắm. Mà thói đời, cái gì càng khó với tới thì lại càng cuốn hút đến ma mị. Múi mít càng đứng đắn bao nhiêu thì càng có nhiều phụ nữ “xáp vô” bấy nhiêu. Mới cách đây chưa lâu có cô gái đẹp ơi là đẹp dọn vào căn hộ duy nhất còn trống của cái chung cư hai vợ chồng nhà Mít ở. Đợt đó Hột mít đi công tác mấy hôm, định mang con gửi ông bà ngoại nhưng Múi mít bảo không phải gửi, để con cho Múi mít trông.
Thế là ban ngày thằng nhóc ở nhà với bà giúp việc, chiều thì bà giúp việc về, giao thằng nhóc lại cho bố. Tối đó cô hàng xóm trẻ đẹp ở căn hộ đối diện gõ cửa nhà Múi mít bảo đau đầu quá, hỏi xin trái chanh tươi pha nước uống giã rượu. Hồi sau cô ta lại gõ cửa bảo buồn quá, muốn tâm sự với ai đó. Múi mít tỉnh khô bảo thế thì cô gọi cửa nhà kế bên, chị ấy rất tâm lý và hiểu biết. Cô nàng cụt hứng mắng Múi mít: “Chưa thấy ai vô duyên như anh!”. Múi mít cười hi hi “Ừa, vô duyên cho vợ tui nhờ!”, rồi đóng cửa vô nhà ôm con ngủ một mạch đến sáng. Sáng hôm sau, bà giúp việc được bà cô nhiều chuyện trong chung cư kể lại câu chuyện “vô duyên” của Múi mít tối qua. Không hiểu bằng cách nào bà cô nhiều chuyện ấy đã nghe hết, biết hết sự việc đó. Rồi bà giúp việc sau đó kể lại cho Hột mít nghe, khiến nàng cứ tủm tỉm cười suốt quãng đường từ nhà đến cơ quan.
Biết mình “vô duyên” nên Múi mít rất sợ mất vợ và giữ vợ kỹ lắm. Vợ đi làm, anh luôn chu đáo để chiếc áo mưa trên xe, theo dõi đồng hồ công-tơ-mét để đi thay nhớt bảo trì xe cho vợ đi an toàn, biết cách thắt chặt tình cảm với nhà vợ… Anh chưa bao giờ chủ quan cho rằng lấy nhau rồi, hiểu nhau hết rồi thì cần chi phải tinh tế, hoa lá cành. Trong cuộc sống vợ chồng, những nguy cơ đến từ cả bên ngoài lẫn bên trong, và một khi người đàn ông không còn sợ mất vợ, không lo giữ vợ thì cuộc hôn nhân ấy sẽ nhạt dần và tàn lụi. Múi mít vẫn trêu vợ rằng thời buổi này đất chật người đông, đàn ông thì lắm… lơ mơ tí là mất vợ như chơi. Múi mít cũng hiểu rằng một người đàn ông tốt không phải chỉ biết mang tiền về nhà là đủ mà còn phải biết tắm cho con, biết nhặt rau, nấu cháo, biết nói không trước những cuộc vui và biết nói có với những yêu cầu chính đáng của vợ…
Có người nói “Ủa, tại sao lại phải giữ khi vợ đã thuộc về mình, chắc chắn là… của mình?”. Người khác lại bảo: “Vợ tui vốn rất chung thủy nên không phải lo giữ”. Hoặc có kẻ thì “Vợ tui không có khả năng ‘tạo phản’ vì không có ai theo đuổi, nên không cần giữ”, hay tệ hơn nữa là: “Vợ tui xấu như ma, ai thèm dòm mà phải giữ!?”. Nói thế là quá chủ quan, bởi không thiếu những bài học thất bại cho những người chồng có suy nghĩ coi thường hôn nhân và người bạn đời, bởi lẽ một khi người ta thấy mình không được “giữ”, không “sợ mất” thì cũng chẳng còn động lực để mà vun đắp. Chẳng lẽ… khi có vợ đẹp, hoặc vợ có tính lẳng lơ, hay có người theo đuổi vợ thì mới cần giữ? Xin đừng quên rằng, hạnh phúc không phải là đích đến mà là một hành trình. Trên hành trình đó, nếu không biết cách “giữ lấy đời nhau” thì một ngày nào đó người ta sẽ phải đối mặt với mất mát.