Về quê “hậu Tết”, nàng dâu tối mặt vì đủ màn chào hỏi khó đỡ

T.H,
Chia sẻ

Những ngày hậu Tết, được về quê xa thăm hỏi họ hàng là một dịp vui, nhưng với nhiều nàng dâu rất có thể những ngày lễ này sẽ trở thành cơn ác mộng nếu buộc phải nghe những màn chào hỏi “khó đỡ” đến từ những người bà con thân thích.

Năm năm làm dâu nhà chồng cũng là 5 năm Hà thấm thía cơn ác mộng được gọi là “Tết”. Vui vẻ đâu chẳng thấy, Tết chỉ quanh quẩn là những bữa cơm tất tiên – tân niên liên miêng, thâu đêm suốt sáng. 3 ngày Tết là mỗi ngày Hà ngập trong thịt cá, rau củ, mùi dầu mỡ xào, hành tỏi và đủ thứ mùi hỗn độn khác dưới bếp. Bận bịu, nhếch nhác nhưng với Hà, việc này còn vui hơn cả nghìn lần so với việc phải về quê chào hỏi họ hàng những ngày hậu Tết. 

Quân – chồng Hà là con trưởng, lại là cháu đích tôn của dòng họ, Tết năm nào cũng kéo dài đến qua Rằm vì phải ngược xuôi khắp nơi chào hỏi bà con họ hàng. “Gặp gỡ người thân họ hàng sau cả năm trời không gặp, vui thì có vui nhưng… đau tim lắm lắm”, Hà cười buồn.

Gạn hỏi mãi, Hà mới kể lý do khiến chuỗi ngày về quê hậu Tết trở thành nỗi ác mộng nhất trong năm.

nàng dâu
Những câu hỏi khó đỡ của bà con họ hàng khiến nàng dâu càng thêm áp lực. (ảnh minh họa)

5 năm làm dâu cũng là 5 năm Hà bị khủng hoảng bởi những câu hỏi liên quan đến việc con cái. Đến nhà ai cũng như thành một cái lệ, ai nấy chào câu đầu, hỏi câu sau là mắt theo quán tính nhòm nhanh xuống bụng cô cháu dâu. Cũng rất nhanh sau khi thấy chiếc bụng xẹp lép thay vì bụng bầu tròn xoe như mong muốn, lời chào đã nhanh chóng trở thành “viên đạn” nằm trong khẩu súng đã lên cò. Người dễ chịu thì cười nhạt: “Năm sau cô chú nhanh có em bé nhé, không cu Bin cháu anh Tuấn đã sắp học lớp 1 đến nơi rồi”. Kẻ khó chịu thì cười mỉa mai: “Trứng ấp lâu thế sao mãi vẫn chưa nở nhỉ” hay “Ô hay, hay là… tịt!”.

Vậy là cái nỗi niềm 5 năm trời vất vả ngược xuôi mọi đằng, chạy chữa trong Nam ngoài Bắc của hai vợ chồng lại được dịp khơi lên và cứa vào lòng đến chảy máu. Có ai là người không muốn có con chứ…

Buồn nhất thì có lẽ phải kể đến hôm mùng 5 Tết khi hai vợ chồng vượt cả chặng đường xa xôi về quê nội. Chú ruột Quân vốn là người nổi tiếng gia trưởng, vốn không thích Hà từ đầu vì biết cô đã tốt nghiệp thạc sỹ, “con gái học cao chỉ tổ về cãi chồng nhem nhẻm”, ông phủ đầu ngay hôm cưới cháu trai. Sau này khi đã quen thân hơn thì sự kỳ thị cũng vơi bớt đi, nhưng riêng chuyện Hà mãi vẫn chưa sinh cho dòng họ một đứa cháu đích tôn thì ông vẫn để bụng. Vì thế mà khi vợ chồng Hà về chào hỏi, câu trước câu sau, ông lập tức lôi lại chuyện cũ lên để nhiếc móc. Thừa lúc cháu dâu ra ngoài, Hà còn loáng thoáng nghe thấy tiếng ông dí dủm với Quân: “kể ra mà nếu nó không làm tròn được nghĩa vụ thì phải tìm một người khác thế vào thôi cháu ạ, ông bà dưới này mong mỏi lắm rồi”. Vừa lánh ra nơi khác, Hà vừa đưa tay lau vội giọt nước mắt tủi hờn.

Hết chuyện con cái rồi lại đến lương thưởng, nhà và xe. Chẳng nói đâu xa xôi, cũng mới đây thôi, khi đang lúi húi làm cơm trong bếp, Hà trở thành nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ, đề tài của một đám đông các bà các cô lớn tuổi mới đến chơi nhà. Cô cháu dâu được “ưu ái” đến mức được các bậc tiền bối đem ra phân tích toàn diện, từ ngoại hình, lời ăn tiếng nói, khả năng kiếm tiền, vun vén nhà cửa và đương nhiên không quên “chấm điểm” về khoản làm dâu. Ngồi ở dưới bếp, Hà nghe rõ mồn một những câu nhận xét sắc như dao về mình, nén tiếng thở dài mà nước mắt chỉ chực rơi. 

Đến khi mâm cơm được bưng lên nhà mời khách, y như rằng là màn tra vấn của các bà các cô dành cho nàng dâu - nhân vật chính đến giờ mới có dịp tiếp chuyện.

- Năm nay thưởng có đến dăm chục triệu không cháu? Không được à? Kém thế, con dâu cô làm ngân hàng, năm nay về khoe mẹ được thưởng đâu những 4, 5 chục triệu. Lấy thưởng hôm trước thì hôm sau em nó đi mua tặng mẹ ngay cái dây chuyền vàng hơn chục triệu. Cô đang đeo đây này, đẹp cháu nhỉ. Đấy, con dâu là phải thế chứ!

- Sao năm nay hai vợ chồng vẫn đi cái xe cọc cạch đấy à, bác thấy đi mấy năm rồi ấy nhỉ, hình như từ ngày thằng Quân mới ra trường. Sao không cố tiết kiệm mua lấy cái xe tử tế mà đi cho sáng sủa con người ra. Bác thấy chị Hằng nhà bác bảo là bây giờ đi công việc, người ta xem cả xe cộ mình đi có sang không, có đẹp không nữa đấy. Đi mãi cái xe ấy thảo nào vợ chồng hai đứa cứ lẹt đẹt mãi nhỉ!

- Năm nay hai đứa có định mua nhà không? Sao cứ thích sống cùng ông bà mãi thế, chị thấy bây giờ xu hướng con cái sống riêng từ sớm, không phụ thuộc vào ông bà nữa đâu. Như vợ chồng anh chị á, có đói kém đến đâu cũng phải cố dành ra một khoản để dành rồi tậu nhà. Cũng may là là được lộc các cụ cho mà tiền thưởng của 2 cái cuối năm đã đủ cho các cháu cô có được chỗ ăn ở cũng tàm tạm đấy.

Rồi hàng chục câu hỏi khác mà mỗi lần “bị” nghe cũng khiến Hà xây xẩm mặt mày. “Thôi thì, cả năm mới có vài ngày Tết nhưng năm nào cũng đứng chịu trận mà không thốt nên lời như thế này thì quả là ác mộng. Có nhiều khi, mình chỉ ao ước là năm bảy năm mới có Tết một lần, để thoải mái làm những điều mình thích, quan trọng nhất là không đau đầu nghĩ kế sách đối đáp như thế này nữa”, Hà ngán ngẩm.

Chia sẻ