Vấn vương tình cũ

Theo PNO,
Chia sẻ

Một số người sau khi kết hôn, lòng vẫn còn vương vấn tình cũ. Tâm lý “con cá mất là con cá to” cùng lăng kính lung linh của kỷ niệm khiến họ cứ mơ tưởng bóng hình xưa. Tình trạng vấn vương tình cũ này có thể đe dọa cuộc hôn nhân đang có.

Tình không chịu cũ!
 
Ngọc Hương là nhân viên một công ty xuất nhập khẩu. Cô sở hữu một “gia tài” mà bạn bè thường xuýt xoa là “chẳng chê được chỗ nào” với người chồng chu đáo, biết quan tâm tới vợ con, có mức thu nhập khá và một cậu nhóc ba tuổi đáng yêu. Thế nhưng “gia tài” ấy không đủ sức ngăn Hương luyến tiếc quá khứ. Trước khi kết hôn, cô có mối tình đầu say đắm với cậu bạn thời đại học. Tình yêu sinh viên không đủ sức vượt qua những hờn dỗi, hiểu lầm, cộng thêm quá nhiều khó khăn của cuộc sống khi ra trường đã khiến họ chia tay. Rồi Hương đi làm, yêu và kết hôn với người chồng hiện tại nhưng cô chưa bao giờ thực sự xếp lại tình xưa, dù người cũ không hề liên lạc. Cô thường tìm đến những không gian kỷ niệm, nghĩ về người yêu cũ. Những lần “bát đũa xô nhau” trở thành cái cớ để cô ngấm ngầm so sánh. Cũng vì thế, giận hờn trở nên khó làm lành hơn và cô cũng chẳng mặn mà với việc tìm cách vun đắp tình cảm vợ chồng.
 
Cuộc sống hôn nhân khá êm ấm lại sớm được hưởng niềm vui làm bố nhưng Đức Thắng vẫn không thể dứt bỏ “sợi dây” tình cũ trong lòng. Người bạn đời của Thắng được anh cưới về theo sự sắp xếp của gia đình. Trước đó, khi Thắng ngỏ ý dẫn bạn gái về ra mắt, bố mẹ anh đã kiên quyết phản đối, “ghép” anh với người vợ hiện tại vì mối quan hệ thân quen lâu năm giữa hai gia đình và những thuận lợi anh sẽ có trên bước đường công danh từ cuộc hôn nhân này. Phản kháng một thời gian rồi “giơ tay chịu trói”, anh ngậm ngùi chia tay người yêu. Dù vợ thuộc hàng “đảm”, dịu dàng, khéo thu vén nhưng vẫn không thể đánh đổ được “hình tượng” lãng mạn, ngọt ngào của người yêu cũ trong lòng anh.
 
Có nhiều nguyên nhân khiến người trong cuộc mãi vấn vương tình cũ. Đó có thể là nguyên nhân chủ quan, khi họ xây dựng hôn nhân vì những mục đích ngoài tình yêu. Đó cũng có thể là nguyên nhân khách quan, khi cuộc hôn nhân chịu sự sắp đặt của gia đình. Kết hôn không dựa trên nền tảng tình yêu, khi vấp phải những trắc trở của cuộc sống thường nhật, không đủ yêu thương, tin cậy để san sẻ với vợ, chồng hiện tại, họ thường tơ tưởng lại mối tình dang dở không thành. Cũng có thể, vì nhiều lý do, tình yêu không thể đơm hoa kết trái, người trong cuộc xây dựng gia đình với một người mới nhưng dư âm về tình cũ không phai nhạt, cứ luôn chực chờ “lấn sân” hạnh phúc hiện tại.
 
 
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
 
Yêu nhau, chia tay, rồi bắt đầu một tình yêu mới, đến khi tìm được bến đỗ của cuộc đời vốn là một hành trình tự nhiên của tất cả mọi người. Chỉ một số ít người may mắn tìm được một nửa "thất lạc" ngay từ lần rung động đầu tiên; phần đông còn lại phải nếm trải cảm giác của chia tay và có trong mình một góc kỷ niệm mang tên tình cũ. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu góc kỷ niệm ấy mãi là góc khuất, giúp người ta thêm nâng niu, trân trọng hạnh phúc hiện tại. Nhưng, khi tình cũ không chịu “nằm im” mà chỉ chực chờ nhón chân vào cuộc sống gia đình, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
 
Vợ của Đức Thắng ban đầu thường tự an ủi công việc căng thẳng là lý do khiến chồng gắt gỏng. Đến một lần, tình cờ đọc được trên blog của chồng những bài viết dài anh hồi tưởng về tình xưa và không dưới một lần mang chị ra so sánh cùng lời ước “giá như” chị mới giật mình. Anh còn bóng gió mong được gặp lại người ấy ở nơi họ từng hò hẹn. Chị như sụp đổ, nước mắt ngắn dài bồng con về nhà ngoại. Khi chỉ còn một mình thui thủi trong ngôi nhà lạnh tanh, nhớ đứa con anh vẫn nựng yêu mỗi khi đi làm về, Thắng mới giật mình nhận ra mình sắp đánh mất một gia đình.
 
Vấn vương tình cũ còn khiến chuyện xưa lúc nào cũng âm ỉ, dễ dàng bùng cháy thành ngọn lửa “tình cũ không rủ cũng tới”, thiêu rụi cả mái ấm hiện tại như trường hợp của Linh. Trước khi đến với Tuấn, Linh từng yêu tha thiết một anh chàng cùng quê nhưng lời chia tay không rõ nguyên nhân của chàng đã khiến hai người không ở bên nhau nữa. Chìm ngập trong đau khổ suốt một thời gian dài, Linh mới dần hồi phục và chấp nhận tình yêu chân thành, kiên nhẫn của Tuấn. Tuy vậy, những thắc mắc về lời chia tay của người xưa vẫn luôn ám ảnh cô. Đến một ngày, người cũ xuất hiện và chỉ một câu “anh rất hối hận, anh lúc nào cũng nhớ em”, mà con tim Linh đã chông chênh, khiến cô lại ngã vào vòng tay người cũ. Đến khi nhận ra người cũ đã không như buổi ban đầu mình nghĩ, cô không có lối quay về, chỉ còn nỗi đau và những giọt nước mắt ê chề.
 
 
Cân bằng quá khứ và hiện tại
 
Khi chia tay một mối tình, không ai có thể ngay lập tức phủi bỏ được mọi suy nghĩ về người kia. Những lời đã nói, những kỷ niệm đã có, những mộng ước tương lai… trở thành một phần ký ức của mỗi người. Lúc này, việc ôm chặt “mộng” tình cũ và không ngừng đào xới nó lên sẽ khiến ta bị ám ảnh mãi, không thể thoát khỏi ký ức. Thực ra, không quá khó để đặt mảnh ký ức ấy vào một ngăn của hoài niệm và khóa nó lại - nhất là khi bên cạnh đã có một người mà ta chọn là bạn đời. Không để tình cũ có cơ hội len vào cuộc sống hôn nhân chính là cách để giữ hiện tại và tương lai thoát khỏi cái bóng của quá khứ.

Theo thạc sĩ tâm lý học Trương Thanh Chí, Giám đốc Trung tâm tư vấn Giáo dục - tâm lý - thể chất (TP.HCM), để tình cũ không trở thành nguyên nhân “bức tử” tình mới, người trong cuộc cần xác định được “mục tiêu xây dựng gia đình” của mình. Chỉ khi xác định được mục tiêu hôn nhân hạnh phúc họ mới có thể toàn tâm toàn ý tập trung chăm sóc gia đình, nhìn nhận mặt tốt, những cống hiến, yêu thương, chăm sóc của đối phương. Sự nhìn nhận này sẽ giúp ngăn họ mơ tưởng đến chuyện cũ, tình xưa và cùng vợ/chồng xây dựng hạnh phúc.

Thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, nguyên giảng viên tâm lý Khoa Giáo dục học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Thực ra, việc ôm ấp tình cũ chứng tỏ cuộc hôn nhân hiện tại đang “có vấn đề”. Về phương diện tình cảm, mỗi người có thể giữ một góc khuất riêng, cũng có thể coi người cũ như bạn bè, miễn là không ảnh hưởng đến hạnh phúc hiện tại. Để tình cũ không trở thành kẻ “phá bĩnh” , mỗi người cần suy nghĩ thật kỹ để thấy được đâu là giá trị đích thực. Quá khứ, dù có đẹp đến đâu cũng chỉ là cái đã qua, mối quan hệ hiện tại mới là cái thực cần gìn giữ. Để tình cũ xen vào hôn nhân, không những quá khứ không giữ được mà cái có ở hiện tại cũng dễ mất đi. Chỉ khi xác định được giá trị đích thực, người trong cuộc mới tìm cho mình được lối đi và biết cân bằng giữa quá khứ - hiện tại”.

Chia sẻ