Trưởng thành

CV,
Chia sẻ

Ngọc trân trân nhìn gói kỷ vật của mẹ, nó chạy vội vào phòng, ngồi ngay ngắn bên bàn học, tay run run bóc từng lớp giấy bọc. Đó là một chiếc khung ảnh có hình hai mẹ con nó và một bức thư dài đến 5 trang giấy.

Vừa xuống đến bến xe, Ngọc xốc chiếc ba lô trên vai rồi chạy một mạch về nhà, sà vào vòng tay của bố và dì. Mới đó, Ngọc đã hoàn những năm học đại học. Ngọc nhìn quanh quất ngôi nhà thân thuộc, chỗ nào cũng ghi dấu, đầy ắp những hình ảnh của mẹ. Ngọc hết cười rồi lại khóc khi những kỷ niệm cứ thi nhau ùa về trong đầu óc, trong suy nghĩ của mình. Ngọc rút từ trong ba lô ra chiếc khung ảnh kỷ niệm, hôn chụt một cái rồi đặt xuống bàn học trong phòng ngủ, thì thầm: “Mẹ, mình đã về nhà rồi!”.

Dì lặng lẽ ngắm nghía Ngọc từ đầu xuống chân, mỉm cười sung sướng bảo: “Chao ôi, con ngày một lớn và xinh đẹp đấy. Mẹ con còn sống sẽ thật tự hào về con”. Ngọc ngả đầu vào vai dì, bùi ngùi: “Chắc chắn rồi dì ạ. Vì con đã trưởng thành như lời mẹ dặn!”.

Ngọc đã từng bướng bỉnh, đã giận dỗi và phá đám, nhưng đám cưới ấy vẫn diễn ra như dự kiến. Ngọc không ghét dì, nhưng cô sợ, một nỗi sợ hãi vô hình cứ vẩn vương trong đầu óc. Mẹ đã mất rồi. Liệu người đàn bà kia đến có cướp luôn mất bố mình không?! Nhưng rồi sự phá ngang của Ngọc vẫn không ngăn được đám cưới ấy diễn ra...

Bố vẫn đóng quân ngoài đảo, vẫn năm thì mười họa mới về phép thăm nhà. Dì là giáo viên cấp 1, từng rất quý mến bố, vì ở gần nhà nhau, nên mẹ biết rất rõ dì ấy. Mẹ thương bố con Ngọc côi cút, từng nhiều lần nắm tay dì, gửi gắm hai bố con cho dì chăm sóc. Mẹ tin dì hoàn toàn có thể làm được, và cho đến tận bây giờ thì Ngọc cũng đã tin vào điều đó.
 

Cuộc sống của Ngọc vẫn buộc phải tiếp diễn dù không có mẹ, và dù nhiều khi cô không muốn một mình đơn độc khi không có mẹ ở bên. Thường ngày chỉ có Ngọc và dì ở nhà. Dì chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho Ngọc, sự chân thành đó thường là Ngọc tìm cách chối bỏ. Mẹ không còn, nhưng mỗi bữa cơm của hai dì con, bao giờ cũng vậy Ngọc phải kéo một chiếc ghế trống để bên cạnh mình, đặt một bát cơm và đôi đũa ngay ngắn trên bàn, rồi mới ngồi vào ăn trong lặng lẽ. Khoảng trống đó, Ngọc gọi là “chỗ ngồi của mẹ”. Dì biết tất cả và luôn tôn trọng cái khoảng riêng tư của đứa con chồng.

Một lần, chỉ duy nhất một lần thôi. Ngọc đi học về và thấy đồ đạc trong nhà bị thay đổi vị trí. Dì dọn dẹp và sắp đặt lại theo ý của dì, chỉ vô tình thôi nhưng đã chạm vào cơn tức giận bấy lâu Ngọc đã kìm nén. Ngọc gào lên, khóc òa và thét vào mặt dì những lời chẳng nên nói. Sau một hồi nổi đóa, tự ái, Ngọc đóng cửa ở lì trong phòng suốt cả buổi chiều. Bữa cơm dọn ra rồi lại đậy lại trên bàn, cả hai người đều không buồn đụng đũa. Ở trong phòng, Ngọc biết ở ngoài kia, dì cũng đang khóc trong day dứt, nhưng Ngọc không buồn quan tâm.

Tết năm nay bố được chiếu cố cho về phép. Ngọc nửa vui lại nửa buồn. Nhìn bố và dì bên nhau, Ngọc lại thấy cái khoảng trống trong mình ngày càng to lớn. Dù bố và dì đủ nhạy cảm và nhân hậu, luôn phải nhìn vẻ mặt của cô mà cư xử. Nhưng với Ngọc, cái Tết đầu tiên không còn mẹ thật bơ vơ và trống trải, quá sức chịu đựng.

Đôi khi thấy buồn buồn, Ngọc lại bỏ học đi lang thang, và bao giờ nơi dừng chân cuối cùng cũng là mộ mẹ. 30 Tết cũng chẳng ngoại lệ. Ngọc thiếp đi ngủ quên bên mộ mẹ, không hay biết cả bố và dì hốt hoảng, mải miết chia nhau tìm kiếm khắp nơi. Dì là người tìm thấy Ngọc và cõng đứa con chồng bướng bỉnh về. Nửa đêm, Ngọc thức dậy bởi tiếng pháo nổ đì đụp của bọn trẻ trong xóm, Ngọc thấy mình đang ở nhà. Đã khuya lắm rồi nhưng đèn phòng khách vẫn còn đang sáng. Ngọc tò mò dụi mắt ngó ra ngoài. Dì đang thắp hương trên bàn thờ mẹ, vừa khóc vừa lầm rầm khấn vái. Bố Ngọc ngồi âu sầu nơi góc bàn phòng khách, gương mặt hằn lên những nếp nhăn khắc khổ. Bố ngước mắt nhìn Ngọc và vẫy tay ra hiệu cho Ngọc tiến lại gần.

Ngọc chậm chạp bước từng bước đến ngồi đối diện với bố. Dì đưa gấu áo lên lau vội nước mắt, vái mấy vái rồi nâng niu một gói gì đó, được bọc bịu cẩn thận từ trên ban thờ đặt trang trọng xuống bàn. Bố nhìn Ngọc trĩu buồn: “Bố và dì đã hứa với mẹ, sẽ đưa lại kỷ vật này cho con vào ngày 30 Tết. Bố biết mẹ ra đi là mất mát quá lớn, nhưng con hãy từ từ chấp nhận sự thật đau lòng ấy, bố và dì sẽ giúp con”.

Ngọc trân trân nhìn gói kỷ vật của mẹ, Ngọc chạy vội vào phòng, ngồi ngay ngắn bên bàn học, tay run run bóc từng lớp giấy bọc. Đó là một chiếc khung ảnh có hình hai mẹ con nó và một bức thư dài đến 5 trang giấy. Những nét chữ thân thương của mẹ nhòa dần đi trước mắt. Đó là những điều mẹ nó dặn dò lại. Ngọc đọc đi đọc lại, gần thuộc lòng bức thư đến từng câu từng chữ. Chốc chốc, Ngọc lại đưa tay lên quệt những giọt nước mắt cứ lăn hoài trên má, đến khi nước mắt đã thấm đẫm cả bức thư của mẹ, Ngọc mới giật mình vuốt lại phẳng phiu rồi để xuống bàn. Bàn tay lần lần vuốt mái tóc, gương mặt mẹ trong ảnh. Ngọc ôm bức ảnh nằm ngả người trên giường, thì thầm nói chuyện một mình. Có mẹ bên cạnh như thế này, nó không còn thấy sợ chặng đường dài phía trước nữa. Ngọc biết mẹ mãi ở bên nó, và sẽ luôn dõi theo bước đường nó đi. Ngọc sẽ bước từng bước, từng bước thật vững vàng như mẹ hằng mong muốn!

Chia sẻ