Tán chuyện hàng hiệu
“Em ơi, “hàng lởm” rồi. Các cô có biết là Louis vuitton không bao giờ sale off không?”
Sở hữu một món hàng hiệu là niềm đam mê, ao ước của tất cả chị em và buôn chuyện về hàng hiệu luôn là chủ đề bất tận với những câu chuyện dài lê thê …
Phụ nữ cần làm đẹp, có lẽ vì thế mà một số chị em không tiếc công sức, tiền của cho những món đồ xa xỉ.
Không biết từ bao giờ, thú vui nghía hàng hiệu, mua sắm hàng hiệu, đã trở thành niềm đam mê của các quí bà, quí cô, và giới trẻ… Nhiều chị em vì nhiều lý do không dám đầu tư cho sự xa sỉ này nhưng cũng thể hiện niềm đam mê bằng cách buôn chuyện với nhau về hàng hiệu. Các chị không khỏi tâm đắc khi nói về những kiến thức mình thu lượm được về hàng hiệu, có khi chỉ là đọc chuẩn tên hàng hiệu cũng khiến chị em đầy tự hào…
|
Trong khi cánh đàn ông chỉ có thể tập trung vào một việc, nếu đọc báo sẽ không biết vợ đang phàn nàn chuyện gì, xem Ti vi thì chắc chắn chỉ biết đến TV, chị em phụ nữ thì ngược lại, cùng một lúc có thể vừa đánh máy tính, vừa online, vừa buôn chuyện mà câu chuyện thì lúc nào cũng đi đúng chủ đề và chuyển chủ đề thì rất nhanh chóng.
Những câu chuyện về hàng hiệu có thể được đưa ra đàm đạo bất cứ lúc nào: trong văn phòng lúc rảnh rỗi, trong thang máy, ngoài chợ, và những cuộc điện thoại khó dứt cho nhau…
Thú buôn chuyện của chị em thì khỏi phải nói, rất “nổ”. Những câu chuyện bắt đầu rất tự nhiên như:
Trong thang máy…
Cái túi mới của chị đẹp quá, Bonia vừa hợp với công sở, đứng đắn mà vẫn sành điệu, chị khéo chọn quá. Chị mua ở đâu? Bao nhiêu tiền? có nhiều mẫu mới đẹp không chị? Và khi thang máy lên đến tầng 7 thì câu chuyện cũng vừa kịp kết thúc.
Trong văn phòng…
Nè, bà Mai, phòng công nghệ í, hôm qua lại vừa đi mua một chiếc túi Bonia. Tính ra trên người bà ấy cũng phải tiền trăm triệu. Hôm nay thì đi giầy Pierre cardin, váy Channel, đồng hồ Tag Heuer, túi Bonia, trang sức Misaki…, choáng luôn. Thu nhập như chị em mình mà chạy theo thì… “tèo”.
Chị Lan vừa đến công ty vừa hớn hở kheo, hôm qua đi Hồng Kông em mua được cái túi Louis vuitton này đây, hàng sale đó, giá rẻ bất ngờ luôn, 1,3 triệu VND. Không kịp để cô em vui quá phút, chị Hằng giọng bùi ngùi nói “Em ơi, “hàng lởm” rồi. Các cô có biết là Louis vuitton không bao giờ sale off không? Người ta chỉ có thể mua được đồ LV với giá rẻ hơn trong cửa hàng bán lẻ chính hãng nhưng với điều kiện đó là những sản phẩm second-hand hoặc người bán muốn thua lỗ. Mà Logo LV xịn luôn luôn được đặt ở chính giữa..."
Chị Hằng tuôn một chập, mấy chị em há hốc mồm vì thán phục sự am hiểu của chị về nhãn hiệu thời trang đẳng cấp và danh tiếng này.
Chị Nhung ngồi nghe thêm vào: các em có biết Bonia là hàng của nước nào không? Mấy cô khẳng định luôn “hàng Ý chứ còn gì nữa chị”. “Sai bét, nghe tên rất Ý thôi chứ là hàng của Malaixia, nhưng thiết kế, kiểu dáng hàng Ý, được đóng gói bên Ý”
“Em, đi cùng chị đến Pakson đi, chị đi mua cái túi, đi chọn cùng chị. Chị phân vân không biết nên mua hàng của Bonia hay…
Thậm chí trong… tolet mà đụng nhau chị em cũng đá vài câu về những món hàng hiệu.
Những câu chuyện cứ thế diễn ra như thú vui giải trí của chị em những lúc rỗi rãi và căng thẳng vì công việc.
Hàng hiệu là loại hàng xa xỉ. Nhiều chị em trở thành nô lệ của những món hàng mắc giá này. Ngay cách chị em dùng hàng hiệu nhái đã thể hiện niềm ham muốn được sở hữu món hàng hiệu nhưng thu nhập không cho phép.
Mở cửa thị trường đã mang đến cho người VN cơ hội được tiếp cận, được biết đến và được sở hữu nhưng thương hiệu hàng hóa hàng đầu thế giới. Cơ hội đó lại càng đòi hỏi bạn cân nhắc cẩn trọng trước những quyết định tiêu dùng của mình.
Bạn cần thấy rằng những vật dụng đắt tiền không thay thế hay bù đắp được sự khiếm khuyết về ngoại hình hay tư cách con người. Cần phân biệt ranh giới giữa công năng sử dụng của một đồ vật với những thứ chỉ để khoe mẽ.
Lan Anh