Cơn lốc “sính” đồ hàng hiệu
“Hôm nay cửa hàng X trên đường Nguyễn Khuyến có hàng mới về đấy. Lát nũa đi mua nhé, phải nhanh chân không người khác mua mất thì tiếc lắm!”
Không khó để có thể bắt gặp các cô, các chị bàn nhau về một món hàng “độc” ở cửa hàng shop nào đó trong thang máy. Một người có “đồ” mới, tất cả đều vây quanh xem xét, ngắm nghía, bàn luận..... Xu hướng thích dùng hàng hiệu đang được lan truyền rộng rãi nhất là trong giới công sở.
“Săn” hàng hiệu là niềm đam mê vô tận.
Trên đường phố hiện nay, người ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh những cô gái “cưỡi” trên những chiếc xe đời mới, nhoài người ra phía trước cố tình để lộ một mảng lưng quần có in chữ CK, Jockey…, hoặc một anh đi trên đường nhưng tay cứ lắc lắc chiếc đồng hồ mang nhãn hiệu Guess.
Đã “chơi” thì phải được khoe! Có lẽ vì thế mà các tay chơi thường tìm đủ cách và tận dụng mọi cơ hội để phô chúng ra cho mọi người đều nhìn thấy. Mỗi món đồ đều thể hiện phong cách của người mặc chúng.
Hàng hiệu hiện nay giá đều được tính bằng “vé”. Phương Mai, một trong số dân hàng hiệu nói: “Một bộ đồ lót của Victoria’s Secret giá vài “vé” thì phải để cho người ta thấy mà thèm chứ!”.
Tại một quán bar, cô gái trạc tuổi 20, tóc nhuộm high-light tím hồng có vẻ rất hài lòng với bộ váy body thể thao hiệu Giorgio Armani trên người. Chàng trai ngồi bên cạnh cô gái trông cũng sành điệu không kém với chiếc quần hiệu Esprit, chiếc đồng hồ Edox và đôi giày Kappa.
Người mê hàng hiệu chỉ cần nghe nói đó là hàng hiệu thì có thể đổ tiền không tiếc cho những chiếc mác như CK, Versace, Tommy… Điểm chung của dân chơi hàng hiệu là phải lùng cho bằng được các sản phẩm hội tụ dủ ba tiêu chí : đẹp, độc, đắt.
Theo dân chơi, hàng hiệu không chỉ được coi là sự sang trọng, mà còn chứng tỏ sự “sành điệu” của người chơi. Thế nhưng, để phân biệt được đúng hàng hiệu thì còn phải kinh qua cả một quá trình dài mà chắc chắn người mua sẽ phải tiếc hùi hụi vì mua nhầm hàng lởm.
Thế giới hàng hiệu “thật giả lẫn lộn”.
Hầu hết các hàng hiệu đều được rao bán theo hai nguồn chính: bán tại các cửa hàng lớn, hoặc là hàng xách tay mang từ nước ngoài về.
Theo kinh nghiệm của những người đã từng bị lừa mua phải hàng nhái thì mua đồ theo các rao vặt trên mạng không được đáng tin cậy. Một lọ nước hoa hãng Dunhill giá trên thực tế là 1 triệu thì lại được quảng cáo trên mạng với giá 649.000đ(giảm giá 19%), còn một túi xách nữ Esprit giá bên ngoài là 1,2 triệu đồng thì chỉ được rao bán 500.000đ.
Những lí do mà người bán đưa ra cho sự chênh lệch giá cả quá mức ấy là do họ ăn lãi ít, hơn nữa lại trực tiếp mua từ nước ngoài về nên không phải chịu thuế má.
Tuy nhiên mua hàng hóa trên mạng là cả một thế giới rộng lớn mà nếu không tỉnh táo bạn sẽ như bị lạc vào ma trận. Chị Quỳnh Lê tâm sự “ Mình đã mua hàng trên mạng hai lần và đều bị mua nhầm hàng đểu cả. Tin vào những lời quảng cáo hàng “xịn”, giảm giá đặc biệt nên tôi đã tìm đến mua nhưng chỉ dùng được dăm bữa nửa tháng là đã hỏng. Nhất định lần sau tôi sẽ không mua hàng qua mạng nữa”.
Nhưng cũng không hẳn đi mua ở các shop hay các cửa hàng tên tuổi đều đáng tin cậy cả. Mới đây, một bạn sinh viên trường ĐH Thương mại đã lên tiếng vì bỏ ra 1,2 triệu đồng và đến tận Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza mua đôi guốc nhưng lại vớ ngay phải hàng lởm.
Trên thị trường hiện nay, sự nhập nhèm, lẫn lộn giữa hàng hiệu và hàng nhái đang là một vấn đề gây bức xúc. Rất nhiều các hãng thời trang tên tuổi đang phải lên tiếng đề phòng người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm.
Cô bạn Diệu Thúy của tôi thường đi đến Quảng Châu (Trung Quốc) lấy hàng về bán phải thốt lên rằng : “bên này họ làm nhái quần áo của các hãng có danh tiếng tinh xảo lắm. Có hẳn các xưởng chuyên làm đồ hàng nhái. Nhìn bên ngoài như hàng “xịn” luôn!”.
Ngay cả chị Phương (chủ cửa hàng T) trên phố Hàng Bông cũng thừa nhận rằng: “những người bán hàng như chúng tôi nhiều khi cũng còn bị nhầm nữa là khách. Vào mua hàng, chỉ nói chuyện dăm ba câu với khách là tôi có thể nhận định được họ có phải là những người “sành” hàng hiệu hay không để đưa giá”.